T&T Group theo đuổi dự án điện gió 7.370 tỷ đồng tại Lạng Sơn
Một thành viên của Tập đoàn T&T vừa đề nghị tỉnh Lạng Sơn cho phép nghiên cứu đầu tư dự án điện gió với tổng công suất 200MW. Đáng chú ý, tham vọng của T&T Group đã xuất hiện từ một năm vừa qua.
Cụ thể, Công ty CP Xuất nhập khẩu khí, than và dầu T&T (Công ty T&T OCG, đơn vị thành viên của T&T Group) đề xuất UBND tỉnh Lạng Sơn khảo sát, nghiên cứu, lập hồ sơ, hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án điện gió T&T OCG Lộc Bình tại huyện Lộc Bình.
Trước đó tròn một năm, T&T OCG đã đề cập chi tiết về kế hoạch đầu tư dự án này với địa phương. Theo đó, điện gió T&T OCG Lộc Bình (đặt tại địa bàn 4 xã của huyện Lộc Bình) dự kiến có sản lượng điện phát lên lưới khoảng 720 GWh/năm, diện tích khảo sát dự kiến khoảng 20.450ha. Với 40 tua-bin, dự án có tổng mức đầu tư trước thuế khoảng 7.370 tỷ đồng. Dự kiến thời gian vận hành dự án là năm 2023, ước tính giảm lượng phát thải là 1,6 triệu tấn CO2/năm.
T&T Group bày tỏ quan tâm tới việc đầu tư cho hoạt động năng lượng tái tạo tại tỉnh Lạng Sơn, trong bối cảnh đã định hình là một trong các Tập đoàn giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Điển hình, T&T Group đang triển khai 3 dự án điện mặt trời tại tỉnh Ninh Thuận (tổng công suất gần 500MW), dự án điện gió Hòa Đông 2 tại Sóc Trăng và điện gió Phước Hữu – Duyên Hải 1 tại Ninh Thuận (tổng công suất 102MW).
Ngoài ra, T&T Group cũng triển khai dự án thu hồi khí gas phát điện từ bãi rác Xuân Sơn – Ba Vì – Hà Nội, lập báo cáo bổ sung dự án tổ hợp điện khí LNG Cái Mép Hạ (3.000MW) tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vào quy hoạch điện lực quốc gia, quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam với các đối tác chiến lược như Công ty Gen X Energy (Mỹ)…
Như vậy, tỉnh Lạng Sơn đang đứng trước cơ hội thu hút được hàng tỷ USD đổ vào các dự án điện gió, do các nhà đầu tư nội và ngoại lần lượt xếp hàng đề xuất. Có thể kể tới các tên tuổi như Sovico, Trungnam Group, Hà Đô, Sử Pán 1 hay GE...
Là tỉnh miền núi, Lạng Sơn cách Hà Nội 154km đường bộ và 165km đường sắt. Nằm ở vị trí chiến lược về kinh tế - chính trị của đất nước, Lạng Sơn giữ vai trò điểm nối quan trọng trong hợp tác phát triển liên vùng với Hà Nội và những tỉnh đang có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao như: Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bắc Giang và các tỉnh vùng Đông Bắc.