'Ta cô đơn từ trong lòng mẹ!''
Những năm đầu thập niên 90, thế kỷ trước, khi còn làm việc ở tờ Đặc san của Báo Văn nghệ với nhà thơ Bế Kiến Quốc và họa sĩ Thành Chương, tôi cũng không ít lần được ngồi đàm đạo thi ca với hai nhà thơ nổi tiếng của báo là Phạm Tiến Duật và Võ Thanh An. Hai nhà thơ này vốn là bạn bè thân thiết nhiều năm, thời bao cấp nghèo khó, anh Duật từng có thời gian tá túc ở nhà bạn và cái bút danh Võ Thanh An của bạn mình (tên thật là Trần Vinh) là do chính anh Duật đặt cho.
Bàn về chuyện "Xưng danh và bút danh" của người cầm bút, nhà thơ Phạm Tiến Duật từng có nhận xét rất vui và hóm hỉnh: "Bút danh của mỗi nhà văn cũng là một biểu hiện của sự xưng danh. Tôi có một người bạn đồng lứa, ở nhà thì bố mẹ khai sinh là Lê Văn Hồng. Khi làm thơ, anh ta ký là Nắng Hồng. Giá cứ ký là Lê Văn Hồng thì thơ anh ta chí ít cũng giữ được sự mộc mạc. Đổi tên là Nắng Hồng (nghe cứ như tên một hiệu chụp ảnh hay tên của một ban nhạc sinh viên) tự nhiên thơ anh ta trở nên sáo rỗng, hời hợt. Tôi còn một người bạn thân khác đang là một nhà thơ nổi tiếng của Báo Văn nghệ là anh Trần Vinh. Chặng đường thơ đầu tiên, anh ấy ký tên bằng cách nói lái Trần Vinh thành Trình Vân. Tôi bảo, cái bút danh ấy nghe không ổn. Mấy chục năm nay, anh ấy dùng tên quê hương làm bút danh: xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An - Võ Thanh An, thì tự dưng thơ anh ấy hay hẳn lên, được nhiều bạn đọc mến mộ…".
Chợt có một buổi sáng muộn đến Báo Văn nghệ, tôi được Bế Kiến Quốc vỗ vai, hối thúc: "Chú em phải sang ngay quán giải khát bên kia đường, chia sẻ động viên Võ Thanh An đang gặp chuyện buồn khá nhạy cảm, ông ấy uống bia suốt từ sáng đến giờ và bảo "Thấy thằng Chiến đến thì ông bảo nó sang ngồi với tôi nhé", anh không uống được bia, em sang đi!".
Tôi vội sang ngay, thấy nhà thơ Võ Thanh An đang ngồi trầm ngâm, mặt mũi đỏ gay, dáng vẻ khá mệt mỏi. Anh rót bia bảo tôi uống, tôi cũng không dám hỏi anh đang buồn bã vì căn nguyên gì nhưng bạn bè thầm cho biết, anh vừa đi qua một "cú sốc" của nỗi đau lớn trong sự đổ vỡ tình cảm, không dễ gì chia sẻ với người khác. Tôi chỉ dám động viên anh chút chút vì biết anh là một nhà thơ dễ mẫn cảm với "rượu và hoa".
Những người mới gặp Võ Thanh An lần đầu thường ngạc nhiên trước cá tính dữ dội và ngay thẳng của con người anh. Tôi ngắm anh uống rượu, nghe anh nói rồi nghe anh đọc thơ, tiếng đọc khoái sảng nghe như hét lên, không điều độ đến phóng khoáng, nhưng thật thi sĩ: "Cớ chi mà say mãi/ Cái thứ rượu rẻ tiền/ Tung chén cho trời say/ Giọt cuối cùng để lại/ Nào bạn ơi đứng dậy/ Đủ rồi men đắng cay". Hôm ấy, tôi và mấy nhà thơ bạn bè ngồi vỗ về, chia sẻ với Võ Thanh An đến tận chiều, hết bia rồi rượu, say túy lúy.
Người thế nào-thơ thế ấy, quả có vậy. Tôi lại có cảm nhận, cái cõi tâm linh trong thơ anh như một quả chuông nơi thiền mặc nhưng không mấy khi được bình an, nó xót ngân lên những tiếng rung đến vỡ rạn, đến xước rách như câu thơ anh viết: "Ta cô đơn từ trong lòng mẹ/ Ngỡ chiếc lá khô em nhặt lên chơi/ Em vứt xuống ta thành trăm mảnh vụn/ Đất cũng chối từ ta-gió thổi tơi bời/ Một mảnh đời ta bay qua quán cũ/ Quán buồn tênh, trong ta em vẫn ngồi…". Tôi chợt nghĩ, thật hạnh phúc cho người phụ nữ nào được anh yêu và từng làm anh đau khổ run rẩy trong những vần thơ như thế. Rồi đau xót hơn: "Thế là mình sắp xa lạ được nhau/ Lăn trên nỗi đau giả vờ thanh thản/ Thế là em sắp xa lạ được anh".
Có lẽ Võ Thanh An lần đó đã trải qua những cơn đau quặn xé như muốn được tung phá, thét gào nơi tâm khảm, để rồi chắt rút ra từ trong cảm xúc vừa lắng lại với những câu thơ máu thịt nói trên. Có lần tôi đang ngồi trò chuyện thi ca với anh thì có một người không quen biết đến cảm ơn Võ Thanh An về một bài thơ của anh. Cái bắt tay và gương mặt xúc động của độc giả thơ anh nhắc tôi một điều: Những câu thơ dân gian có sức sống lâu bền trong lòng người đọc hơn những triết luận khô khan trong thi ca. Phải chăng bởi thế nên mọi người yêu thi nhân hơn triết nhân như câu thơ này của nhà thơ Võ Thanh An: "Mở mắt ra gặp toàn những người khôn/ Nhắm mắt lại chao ôi bao người dại/ Ngửa bàn tay lên/ Lật bàn tay lại/ Mặt trắng mặt đen hai phía cũng tay mình".
Nhà thơ Vân Long kể lại, có lần anh nằm Bệnh viện Hữu nghị Việt-Xô, gặp hai độc giả thuộc bài thơ "Thằng bờm" và "Ngôi sao thần nông" của Võ Thanh An khi nghe anh đọc thơ qua vô tuyến và đài phát thanh, hai độc giả ấy cứ tấm tắc khen mãi hai bài thơ này. Phần thưởng tinh thần ấy không dễ mấy ai có được khi qua chất trào lộng của ngôn ngữ dân gian, Võ Thanh An đã gửi gắm nhiều nỗi niềm, ý vị được khắc họa sắc nét và sinh động cái chất liệu đời thường vốn nhiều cạnh góc xù xì chẳng dễ đưa vào thơ: "…Bờm rằng đứt bữa hụt hơi/ Lắc đầu chê hết, thấy xôi bờm cười/ Bờm rằng: Bờm đã ngán rồi/ Những câu ngon ngọt loại người phú ông/ Nói như trao núi cho sông/ Mà mảnh mo quạt thì ông cố giành…".
Trong sự nghiệp thi ca của mình, Võ Thanh An có ba mảng thơ chính: Thơ thế sự, thơ tình yêu và mảng thơ chiêm nghiệm gần với Thiền. Ở mảng nào, anh cũng có những bài thơ có sức lay động da diết của xúc cảm bằng ngôn từ, nó không chịu khuôn cứng trong những ý tưởng căng néo của tứ thơ. Một khoảnh khắc dậy sớm không ban mai trong thơ Võ Thanh An làm ta liên tưởng đến một miền nào đó nằm ngoài những câu thơ: "Có lẽ nào trăng gọi/ Trăng sáng suông đầy trời/ Nằm lại không đủ giấc/ Bước đi then vẫn cài/Chỉ tại mình dậy sớm/ Nên chưa có ban mai". Cái ý tứ và ngôn ngữ của bài thơ trên làm ta giật mình, chợt nhận ra cái "Ý tại ngôn ngoại" của những câu thơ tưởng chừng rất giản dị này. Không chỉ thế, ở tứ thơ độc đáo khác trong một bài thơ khác, ta thấy nhà thơ đã khai phá hết tầng khúc triết của thi ngữ để biểu đạt bằng hình tượng: "Có những người mệt nhọc đi tìm đá/ Soi mặt mình vào mong tạc đến muôn sau/ Với thời gian hòn đá đổi màu/ Bức tượng giả nằm im lìm kiếp đá/ Có hòn đá không ai tạc cả/ Lại lưu danh hơn mọi kiếp người…".
Viết chân dung một nhà thơ, có lẽ điều quan trọng hơn theo tôi, là phải khắc họa được chân dung thơ của người ấy qua những câu thơ hay, những đoạn thơ tâm đắc của nhà thơ còn đọng lại qua thời gian. Những năm 90 ấy, tôi đến tham dự một số đêm thơ, có sự hiện diện của các nhà thơ Phạm Tiến Duật, Bế Kiến Quốc, Võ Thanh An, Hoàng Nhuận Cầm… và nghe công chúng yêu mến thơ tán thưởng, vỗ tay sau từng câu thơ, từng đoạn thơ các anh đọc mới thấy thi ca những năm ấy đã từng có thời kỳ hoàng kim trong lòng độc giả. Với Võ Thanh An, cái chất giọng miền Trung đọc như "ngâm ngợi" của anh với phong cách biểu đạt phóng khoáng trong những đêm thơ ấy, thật khó mà quên được.
Và rồi, khi đã đi qua những khoảnh khắc thăng hoa, cháy kiệt mình cho thi hứng thi ca nói trên, tôi thấy Võ Thanh An dường như lại trở về trầm ngâm bên cốc bia ở một quán bụi nào đấy như để tự chiêm nghiệm lại mình. Rồi sau đó, anh lại chuẩn bị cháy lên thật hứng khởi với cái giọng sang sảng, thẳng thắn giữa bạn bè với những câu thơ đi bộ cùng mọi người bộ hành qua những gian truân, nếm trải của đời người trong cái nhìn chiêm nghiệm của những câu thơ sau: "Chia tay nhau em nỡ chọn mùa xuân/ Nỗi đau âm thầm cây làm sao nhú lộc/ Dẫu có trót dại khờ, đam mê phút chốc/ Ngước lên tán bồ đề bắt gặp nỗi đau cây/ Chả lẽ mùa xuân có lỗi bởi đắm say/ Mưa như bụi cây vẫn còn khát nước/ Em xa dần như chuông chùa phía trước/ Cúi nhặt lá bồ đề anh thả xuống dương gian". Người phụ nữ đi qua đời anh, người phụ nữ đi qua thơ anh nghĩ gì trong mỗi chiếc lá bồ đề của nỗi niềm quặn xót trong thơ anh, thả xuống khi mỗi ngày qua đi trong cái miền ký ức thẳm sâu của tâm linh, Võ Thanh An còn nhắc: "Hãy lặng im-dù một lời xin em đừng nói/ Kỷ niệm buồn anh đủ sắm cà sa".
Trước khi từ giã cõi đời này vào tháng 9/2017 ở tuổi 75, nhà thơ Võ Thanh An còn lưu bút về nghề văn: "Tôi bình thường như mọi người "Không sang trọng, chẳng bần cùng/ Không mưu mánh, đừng ai mong phỉnh lừa". Đa sầu, đa cảm, ham vui, ham chơi. Quan niệm về cuộc sống của tôi rất đơn giản, trung thực, tận tình, ít ham hố. Quan niệm về sáng tác ư? Ít khi tôi cố tình làm thơ. Thơ là một chỗ dựa thiêng liêng của tôi về mặt tình cảm. Tôi viết ra một bài thơ bình dị như một sự giãi bày với bầu bạn, với người yêu, thân. Khi trong lòng có điều gì đó không nén nổi, không thể nói hết được bằng lời… có lúc tôi viết một mạch thành bài thơ ngay. Có lúc viết xong, sáng mai lại xé đi, có lúc nó đeo đẳng phải viết đi viết lại nhiều lần. Như vậy quan niệm của tôi: thơ hoàn toàn không ở trong đầu mình. Từ đó tôi nghĩ: thơ viết ra không chỉ riêng mình cho mình".
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/ta-co-don-tu-trong-long-me--i714042/