Tạ Khoa - Bến thuyền giao thương với các xã vùng lòng hồ

Bến phà Tạ Khoa năm xưa nối liền hai bờ sông Đà bằng những chuyến phà, được xem là điểm xung yếu trên tuyến đường từ Yên Bái lên tỉnh Sơn La và Điện Biên. Đây là tuyến đường trọng yếu vận chuyển lương thực, vũ khí của quân và dân ta chi viện cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Năm 2003, bến phà được thay thế bằng cây cầu bê tông nối đôi bờ sông Đà phục vụ việc đi lại, giao thương hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện vùng cao Bắc Yên.

Cầu Tạ Khoa (Bắc Yên).

Cầu Tạ Khoa (Bắc Yên).

Trở lại bến Tạ Khoa, tìm hiểu về những năm tháng hào hùng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Chúng tôi tìm gặp ông Đinh Văn Thấy, người sinh ra và lớn lên tại bản Tà Đò, xã Tạ Khoa. Năm nay đã 85 tuổi, chứng kiến bao thăng trầm của bến Tạ Khoa xưa, ông Thấy kể lại: Những năm 1952-1953, quân Pháp thường xuyên cho máy bay do thám và thả bom đánh phá khu vực bến phà Tạ Khoa để chặn đường tiếp viện của quân dân ta. Để bảo vệ phà, lực lượng thanh niên xung phong cùng công nhân quản lý và bảo vệ bến phà phải đưa phà vào các khe suối để giấu không cho máy bay Pháp phát hiện. Trong kháng chiến chống Mỹ, vào những năm 1965-1972, bến phà cũng thường xuyên bị máy bay Mỹ bắn phá, nhưng với địa hình hai bên bờ có các dãy núi cao, bom thả xuống hầu hết đều rơi ở trên đỉnh núi, các chuyến phà của ta vận chuyển hàng hóa qua sông đều an toàn.

Cùng theo ông Đinh Văn Thấy, những chiếc phà ngày đó còn thô sơ, chỉ được ghép bằng những tấm gỗ lớn, ca nô dắt phà công suất nhỏ, nên mỗi lần vượt sông chỉ có thể chở được một chiếc xe ôtô. Sau chiến tranh những chiếc phà đó dần được thay bằng những chiếc phà sắt lớn hơn hoạt động suốt ngày đêm. Đến năm 2003, cầu Tạ Khoa được xây dựng, đây thực sự là mơ ước của bao đời của người dân đôi bờ sông Đà.

Là con cháu của những công nhân lái phà năm xưa, hiện đang sinh sống ở bến Tạ Khoa, ông Nguyễn Đô, năm nay đã gần 70 tuổi, cho biết: Ngày trước, mỗi khi đi qua sông Đà phải đi bằng phà mới an toàn vì nước chảy xiết nên thuyền nhỏ đi nguy hiểm lắm rất dễ bị lật. Khi lòng hồ thủy điện tích nước, bến phà ngập sâu dưới lòng hồ, bến phà dịch chuyển theo mực nước nên không cố định. Có thời điểm từ đầu bến Song Pe phà phải đi hàng chục cây số đến tận Mường Khoa, mỗi ngày chỉ chạy được 2 chuyến phà. Việc đi lại hết sức khó khăn. Từ khi có cây cầu cứng Tạ Khoa việc đi lại 2 bên sông không còn trở ngại nữa.

Ông Đinh Văn Khanh, Trưởng bản Tà Đò, phấn khởi nói: Bản Tà Đò bây giờ thuận tiện lắm, có hàng quán bán hàng phục vụ, dưới chân cầu là bến thuyền giao thương với các xã vùng lòng hồ. Hiện có 170 hộ thì có 150 hộ có nhà xây kiên cố, còn lại là nhà sàn làm bằng gỗ khang trang, đường nội bản đã được bê tông hóa, tạo thuận lợi cho người dân vận chuyển hàng hóa được dễ dàng; 100% người dân được sử dụng điện lưới quốc gia, được xem truyền hình, trẻ em trong độ tuổi được đến trường... cuộc sống no ấm đủ đầy.

Ông Lê Văn Kỳ, Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên, cho biết: Bến phà Tạ khoa trước đây và cây cầu cứng Tạ Khoa hiện nay có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc phát triển của huyện Bắc Yên. Có cây cầu từ Bắc Yên lên tỉnh gần hơn, thuận tiện đi lại, giao thương hàng hóa. Chính vì vậy, trong những năm qua, kinh tế của huyện Bắc Yên đã không ngừng phát triển. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục sửa chữa, cải tạo bến phà cũ Tạ Khoa, là nơi giao thương, trao đổi, trung chuyển hàng hóa cho các xã dọc sông Đà.

Còn ông Quàng Văn Quyền, Chủ tịch UBND xã Tạ Khoa, cho biết: Xã tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, phát huy tốt tiềm năng, lợi thế; thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia; phấn đấu tổng diện tích các loại cây trồng hằng năm trên 2.063 ha; tổng đàn gia súc 5.000 con, tổng đàn gia cầm 22.710 con, sản lượng lương thực có hạt 2.107 tấn, sản lượng quả các loại 520 tấn, sản lượng thịt hơi xuất chuồng 175 tấn, sản lượng thủy sản 34 tấn; giảm tỷ lệ hộ nghèo trên 4%/năm. Đến năm 2025 thu nhập bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng/người/năm...

Bến phà Tạ Khoa xưa và cây cầu cứng Tạ Khoa kiên cố, hiện đại nối đôi bờ sông Đà huyền thoại đã và đang tạo thêm một sức sống mới cho vùng cao Bắc Yên Anh hùng.

Minh Tuấn

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/ta-khoa--ben-thuyen-giao-thuong-voi-cac-xa-vung-long-ho-46336