Tác động của cải cách hành chính đến chỉ số PCI
Việc đánh giá tác động của cải cách hành chính (CCHC) đến Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đã được công bố năm 2018 thông qua phân tích kết quả các tiêu chí (TC) liên quan đến CCHC của PCI 2018 tỉnh Bình Dương nhằm làm rõ các TC, lĩnh vực, nhóm vấn đề CCHC đã được đánh giá đa chiều thông qua các đối tượng đánh giá khác nhau để xác định rõ các TC, mức độ tác động của CCHC đến PCI. Đồng thời, qua đánh giá nhằm nêu một số khuyến nghị để các bên liên quan cùng phối hợp, có những giải pháp nâng cao chất lượng công tác CCHC, góp phần chung vào việc nâng cao PCI của Bình Dương.
PCI 2018: Tăng điểm, tăng hạng
Kết quả PCI năm 2018, Bình Dương đạt 66,09 điểm, xếp vị trí thứ 6 và đứng đầu khu vực Đông Nam bộ (tăng 1,62 điểm và tăng 8 bậc so 2017). Một số kết quả nổi bật mà báo cáo PCI 2018 ghi nhận được: 87% doanh nghiệp (DN) tham gia điều tra đồng ý với nhận định: “UBND tỉnh vận dụng pháp luật linh hoạt nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho kinh tế tư nhân”, tăng so với con số 80% của năm 2017. Đồng thời, 76% DN cho biết: “UBND tỉnh năng động, sáng tạo trong việc giải quyết vấn đề mới phát sinh”, tăng so với 70% của năm 2017. Bên cạnh đó, tỷ lệ DN cho rằng quy trình mua sắm đấu thầu tại tỉnh minh bạch chiếm 59%, tăng so với năm 2017 là 47% và 81% DN cho biết nhận được thông tin sau yêu cầu các cơ quan của tỉnh cung cấp, năm 2017 là 62%. Ngoài ra, theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cơ sở hạ tầng tiếp tục là thế mạnh của Bình Dương khi tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu và khá cách biệt so với các tỉnh, thành còn lại.
Tác động của CCHC đến PCI
Chỉ số PCI năm 2018 được tổng hợp từ 10 chỉ số thành phần với 126 TC, trong đó có 5 chỉ số với 23 TC liên quan trực tiếp đến CCHC. Nhìn chung, công tác CCHC tác động khoảng 25,4% đến kết quả PCI. Kết quả PCI 2018 đánh giá có liên quan đến 32 TC liên quan CCHC như sau:
Chỉ số chi phí gia nhập thị trường gồm 10 TC và 10 TC này đều liên quan đến CCHC. Bình Dương có kết quả PCI 2018 như số ngày đăng ký DN thành lập mới là 5 ngày, đăng ký bổ sung là 3 ngày, số DN chờ hơn 1 tháng để hoàn thành tất cả các thủ tục để chính thức hoạt động là 21%, tỷ lệ DN làm thủ tục đăng ký DN qua phương thức mới trực tuyến, bưu điện chiếm 61%, TTHC có thường xuyên thay đổi, TTHC có được niêm yết công khai (89%), cán bộ, công chức (CBCC) có am hiểu chuyên môn (54%), nhiệt tình, thân thiện (80%), hướng dẫn TTHC rõ ràng, đầy đủ (69%) hay mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện TTHC đăng ký DN 34%.
Chỉ số tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh với 9 TC, tuy không đo lường các TC liên quan trực tiếp CCHC nhưng sự năng động của lãnh đạo tỉnh có tác động lớn đến công tác CCHC của tỉnh Bình Dương. Năm 2018, TC này đạt 6,85 điểm, tăng 0,81 điểm, xếp hạng 3/63 tỉnh, thành phố.
Dù Bình Dương có nhiều cải thiện đáng kể về chỉ số chi phí gia nhập thị trường cần đẩy mạnh CCHC, rút ngắn hơn nữa thời gian giải quyết TTHC đăng ký DN, bố trí CBCC đúng chuẩn, có kinh nghiệm, am hiểu chuyên môn để hướng dẫn, tránh tình trạng bổ sung hồ sơ hay hướng dẫn nhiệt tình nhưng không chính xác. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin cần quan tâm hơn nữa (hiện chỉ đạt 34%) trong suốt quá trình thực hiện cho đến khi có kết quả giải quyết TTHC như tra cứu TTHC, nộp hồ sơ qua mạng, thanh toán trực tuyến, tra cứu tình trạng hồ sơ qua ứng dụng điện thoại, Zalo… hay nhắn tin chủ động cho DN khi giải quyết hồ sơ trước hẹn.
Chỉ số tiếp cận đất đai gồm 11 TC, có 2 TC liên quan đến CCHC là số ngày DN được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) tại Bình Dương là 30 ngày, thuộc nhóm trung bình của cả nước (thấp nhất là 15 ngày và cao nhất là 60 ngày). TC DN không có GCNQSDĐ do lo ngại TTHC rườm rà/cán bộ nhũng nhiễu là 6% (trung bình cả nước là 10%, tỉnh thấp nhất là 0% và tỉnh cao nhất là 30%). Nhìn chung, 2 TC này vẫn thuộc nhóm trung bình khá của cả nước, cần hỗ trợ thêm thông tin về TTHC liên quan đất đai cho các DN và rút ngắn thời gian cấp GCNQSDĐ cho DN.
Chỉ số tính minh bạch và tiếp cận thông tin gồm 12 TC, trong đó có 2 TC liên quan đến CCHC là TC số về độ mở và chất lượng Cổng thông tin của tỉnh Bình Dương, đạt 42% (trung bình cả nước là 24,75%, thấp nhất là 35% và cao nhất là 45%) và tỷ lệ DN truy cập vào Cổng thông tin của tỉnh đạt 70% (trung bình cả nước là 48%, thấp nhất 65% và cao nhất là 80%). Nhìn chung, 2 TC về Cổng thông tin của tỉnh thuộc nhóm khá tốt so cả nước nhưng so với nhu cầu thông tin chính thống từ chính quyền đối với DN thì còn khoảng cách khá xa. Bình Dương cần quan tâm nhiều đến việc thiết kế Cổng thông tin và lắng nghe nhu cầu thông tin để cung cấp phù hợp nhu cầu cho DN.
Chỉ số chi phí thời gian thực hiện các TTHC gồm 11 TC, trong đó có 6 TC liên quan đến CCHC. Kết quả PCI 2018 Bình Dương có 3 TC kết quả cải thiện so 2017 gồm: DN không phải đi lại nhiều lần khi làm TTHC (55%), TTHC đơn giản để thực hiện (56%) và thời gian giải quyết được rút ngắn so quy định (65%). Tuy nhiên, có 3 TC giảm đôi chút so 2017 gồm CBCC giải quyết công việc hiệu quả (76%); CBCC thân thiện (69%); phí, lệ phí được niêm yết công khai (92%). Nhìn chung, dù có giảm hay tăng nhưng cả 6 TC này chỉ đạt mức trung bình chung trong cả nước, cần nhiều nỗ lực trong việc rút ngắn thời gian giải quyết TTHC và nâng cao chất lượng, hiệu quả làm việc cũng như thái độ, lề lối làm việc của CBCC giải quyết TTHC liên quan đến DN.
Chỉ số về dịch vụ hỗ trợ gồm 24 TC, trong đó có 3 TC liên quan dịch vụ tư vấn pháp lý có kết quả PCI 2018, như sau: 56% DN từng sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý, 64% DN dùng dịch vụ này của tư nhân và 69% DN cho rằng dịch vụ này là cần thiết, tiếp tục dùng trong tương lai. Điều này cho thấy dịch vụ tư vấn pháp lý TTHC miễn phí của Nhà nước cần tiếp tục cải thiện chất lượng hoạt động để đáp ứng nhu cầu DN. Đồng thời, TTHC cần đơn giản hơn nữa để DN có thể hiểu tường tận và dễ dàng tự thực hiện TTHC.
Nhận định và khuyến nghị
Một số chỉ số được đánh giá riêng và kết quả đánh giá về Bình Dương như Chỉ số cơ sở hạ tầng Bình Dương tiếp tục được đánh giá đứng đầu cả nước. Kết quả điều tra cho thấy có sự tương quan chặt chẽ giữa chất lượng điều hành và cơ sở hạ tầng. Nhìn chung, những địa phương nào có chất lượng điều hành tốt có xu hướng có cơ sở hạ tầng chất lượng cao hơn.
Ngoài ra, các tỉnh có hiệu quả kinh tế tốt nhất là những địa phương có cơ sở hạ tầng tốt, thuận lợi cho DN được đánh giá qua 4 chỉ tiêu thành phần bao gồm: Khu công nghiệp, đường giao thông, tiện ích cơ bản về hạ tầng viễn thông, năng lượng, tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin là nơi có chất lượng điều hành ở mức trên trung bình. Các chỉ số như chi phí không chính thức, đào tạo lao động, cạnh tranh bình đẳng, thiết chế pháp lý và trật tự an ninh xã hội với 48 TC, không tác động trực tiếp từ kết quả CCHC nên không xem xét trong bài phân tích này.
Từ góc độ đánh giá của các DN dân doanh thông qua PCI từ 32 TC cho thấy, CCHC tác động đến khoảng 25,4% kết quả PCI 2018. Đa số các TC này đều có sự cải thiện, đóng góp chung vào tăng điểm số và thứ hạng PCI 2018 của tỉnh. Điểm đặc biệt quan trọng trong CCHC nói riêng hay PCI nói chung là sự năng động và chất lượng chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh Bình Dương luôn được cộng đồng DN dân doanh và nhà đầu tư nước ngoài đều đánh giá cao. Các nội dung CCHC khác dù đạt kết quả khá tốt nhưng so với kỳ vọng của DN hay so sánh tương quan với các tỉnh, thành phố có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội tương đồng thì 4 vấn đề lớn về CCHC Bình Dương cần tập trung hơn nữa, đó là:
TTHC, đội ngũ CBCC, ứng dụng công nghệ thông tin và các dịch vụ hỗ trợ cho DN trong quá trình trước, trong, sau khi thực hiện TTHC liên quan đến quá trình đầu tư, thành lập DN và sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, cần tiếp tục nâng cao chất lượng chỉ đạo, điều hành và có những giải pháp để cải thiện 4 vấn đề quan trọng trong CCHC cũng là góp phần chung vào việc nâng cao PCI của tỉnh và phát triển kinh tế - xã hội của Bình Dương trong thời gian tới.
TRƯƠNG CÔNG HUY (Giám đốc Trung tâm Hành chính công)