Tác động của khủng hoảng kinh tế Đức đối với tam giác công nghiệp châu Âu

Nước Đức thời kỳ hậu Thủ tướng Angela Merkel đang gặp nhiều khó khăn và sẽ sớm phải tổ chức cuộc bầu cử mới. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ tới hai quốc gia láng giềng Pháp và Italy.

Lắp ráp xe ô tô tại Nhà máy của Porsche ở Stuttgart (Đức). Ảnh: EPA/TTXVN

Lắp ráp xe ô tô tại Nhà máy của Porsche ở Stuttgart (Đức). Ảnh: EPA/TTXVN

Bài viết gần đây của tác giả Dario Di Vico đăng trên mạng Corriere della Sera (Italy) đề cập quá trình hình thành, phát triển và tình trạng khó khăn hiện nay của tam giác công nghiệp Đức-Pháp-Italy trong bối cảnh nền kinh tế Đức, đầu tàu kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) đang lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng. Nội dung như sau:

Từ thời điểm tháng 5/2021, khi tạp chí Limes (Italy) dành riêng trang bìa cho tam giác chính trị, kinh tế Rome-Berlin-Paris, đến nay mới 3,5 năm trôi qua, song thực tế diễn ra và được nhìn thấy có vẻ như cả một thế kỷ. Rường cột của châu Âu từng được đảm bảo không chỉ dựa trên khả năng phối hợp chính sách mà còn trên nền tảng vững chắc về cấu trúc và các chuỗi giá trị gắn kết ba đại công xưởng Italy, Đức và Pháp.

Thực tiễn đã rất khác và việc đề cập đến tam giác gắn kết đó đã không còn nhiều sức cuốn hút như từng có. Một cuộc điều tra về nguyên nhân của sự suy giảm giá trị đột ngột này cho chúng ta thấy rõ trọng tâm các vấn đề ở "lục địa già". Quan điểm phổ biến nhất cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến suy thoái của tam giác công nghiệp là do cuộc khủng hoảng chưa từng có tại Đức, chuyên gia Alessandro Aresu, cố vấn khoa học cho tạp chí Limes và là tác giả cuốn sách “Địa chính trị của trí tuệ nhân tạo”, nhận xét.

Ông Alessandro Aresu nói: “Đức vốn đóng vai trò động lực kinh tế của châu Âu, nhưng dường như nước này đang rơi vào tình trạng hỗn loạn và điểm đáy của cuộc khủng hoảng vẫn chưa lộ diện. Sự phụ thuộc vào Nga về năng lượng và vào Trung Quốc về thương mại chính là gốc rễ dẫn đến cú sốc này và cho đến nay vẫn chưa có giải pháp thay thế nào được tìm thấy”.

Tuy nhiên, ngoài việc thừa nhận những khó khăn mà Đức đang trải qua, cũng cần nhấn mạnh đến sự thay đổi về thứ bậc bên trong nền kinh tế châu Âu. Trong đó, một số quốc gia như Tây Ban Nha và Ba Lan đã tự định vị lại so với thời kỳ thịnh trị của tam giác công nghiệp.

Nhờ tăng trưởng kinh tế trong những năm gần đây, Madrid đã giành được những vị trí lãnh đạo chủ chốt cả trong Ủy ban châu Âu (EC) cũng như Ngân hàng đầu tư châu Âu (EIB), đồng thời thể hiện mức độ thành công của Thủ tướng Pedro Sanchez trong việc lựa chọn nhân sự đại diện cho đất nước tại các thể chế EU.

Đối với Ba Lan, với sự lưu ý đặc biệt đến các khoản đầu tư về quốc phòng trong ngân sách quốc gia, ông Aresu cho rằng nước này có điều kiện thuận lợi hơn so với các nước châu Âu khác trong việc tăng cường hợp tác với chính quyền của Tổng thống đắc cử Donald Trump.

Nước Đức thời kỳ hậu Thủ tướng Angela Merkel đang gặp nhiều khó khăn và sẽ sớm phải tổ chức cuộc bầu cử mới. Trong sơ đồ tam giác công nghiệp, giữa Pháp và Đức thường xuyên có các yếu tố cạnh tranh nhưng cũng có một dạng phân công lao động. Pháp đảm đương phần công nghiệp nặng, từ hàng không vũ trụ đến quân sự. Đức có thế mạnh vượt trội về ô tô và hóa chất. Tiếp đó, Hiệp ước Aachen còn góp phần hỗ trợ và tăng cường ở cấp độ thể chế, chính trị cho quan hệ hợp tác này. Tuy nhiên, hai nước hiện ít có khả năng thấu hiểu nhau để cùng thúc đẩy các dự án chung.

Pháp có xu hướng coi trọng hợp tác sâu rộng trong EU, với chiến lược Next Generation EU là một hình mẫu, bao hàm trong đó việc chia sẻ nợ và những công cụ an toàn giữa các nước thành viên. Tuy nhiên, quan điểm đó của Pháp không được Đức thực sự ủng hộ. Thật khó để các ứng cử viên của đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) hay đảng Xã hội dân chủ (SPD) nghĩ đến việc giành chiến thắng trong bầu cử sắp tới nếu vẫn cứ nói đến trái phiếu châu Âu (Eurobond) hay tăng cường chi tiêu.

Trong các chính sách chuyển đổi và đổi mới, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), châu Âu rõ ràng đang bị bó buộc bởi hạn chế về khả năng huy động vốn so với Mỹ. Bên cạnh đó, một yếu tố nữa trong tầm nhìn đầy bi quan của EU là sự sai lệch trong khuôn khổ chính sách giữa các nước thành viên chủ chốt. Cuối cùng, không được xem nhẹ những vấn đề xã hội liên quan quá trình thay đổi đầy khó khăn này.

Sự tan vỡ của tam giác công nghiệp chắc chắn không nên được hoan nghênh từ phía Italy. Nước này từng tự hào với vị thế là một bộ phận của tam giác đó, nơi giúp củng cố và tăng cường khả năng hiện diện/bản sắc của Italy trên thế giới.

Đôi khi (đáng tiếc), các chính trị gia Italy, kể cả trong những tuyên bố chính thức, có vẻ hồ hởi về tình trạng khủng hoảng ở Đức, đồng thời nhấn mạnh việc Italy đã tránh được những điều tồi tệ nhất bởi nước này sở hữu mô hình linh hoạt và đa dạng hơn về các lĩnh vực.

Giới phân tích nhận định ông Trump sẽ tìm cách tăng cường quan hệ song phương với từng nước châu Âu (thay vì đối thoại với Brussels) và trong bối cảnh chính trị hiện có, Rome được cho là có khả năng đối thoại thuận lợi hơn với Washington, so với các nước châu Âu khác. Chiều hướng khả quan về đối thoại có thể đưa đến một chính sách với các nghĩa vụ có thể nói là “ưu đãi” và hào phóng hơn cho sản phẩm Made in Italy.

Tuy nhiên, không nên quên rằng trong nhiều lĩnh vực, Italy chủ yếu đóng vai trò nhà cung cấp chứ không phải là nhân tố dẫn đầu. Ông Aresu lưu ý rằng: “Lợi ích quốc gia của chúng tôi không phải là thể hiện thái độ tự mãn trước tình hình khủng hoảng ở Đức, thay vào đó cần hy vọng khủng hoảng được giải quyết và nền kinh tế của họ tiếp tục phát triển”.

Trong khi ngành công nghiệp linh kiện ô tô của Italy tỏ ra lo lắng trước sự sụp đổ của ngành công nghiệp ô tô Đức, mối quan hệ chế tạo giữa Italy và Pháp trải qua một thời kỳ ít hỗn loạn hơn. Mối quan hệ này ít tính cạnh tranh căng thẳng hơn, chủ yếu phụ thuộc vào sự phát triển của ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu và sự hợp nhất của ngành hàng không vũ trụ.

Trái với tình trạng diễn ra tại tập đoàn Stellantis với danh sách dài các bước đi sai lầm, thì sự hợp nhất của một số tập đoàn lớn như Essilux được coi là những tiền lệ tốt cho sự hợp tác giữa các doanh nghiệp Pháp và Italy.

Trường Dụy (P/v TTXVN tại Italy)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tac-dong-cua-khu-ng-hoa-ng-kinh-te-du-c-doi-voi-tam-gia-c-cong-nghie-p-chau-au/354895.html