Tác động của môi trường ERP đến việc tổ chức hệ thống thông tin kế toán tại các doanh nghiệp logistics TP. Hồ Chí Minh
Tổ chức hệ thống thông tin kế toán trong môi trường hệ thống hoạch định nguồn nhân lực (ERP) là 'chìa khóa'quan trọng để tồn tại và cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0.
Bằng phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng, nghiên cứu xác định mức độ tác động của các nhân tố thuộc môi trường ERP đến việc tổ chức hệ thống thông tin kế toán của các doanh nghiệp logistics tại TP. Hồ Chí Minh.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 6 nhân tố tác động bao gồm: Kinh nghiệm, phương pháp nhà tư vấn triển khai và chất lượng dữ liệu; Kiểm soát đảm bảo hệ thống ERP tin cậy; Chất lượng phần mềm ERP; Năng lực Ban quản lý và kiến thức nhà tư vấn triển khai; Thử nghiệm và huấn luyện nhân viên và Chính sách nhân sự và quản lý thông tin cá nhân.
Cơ sở lý thuyết và mô hình nghiên cứu
Gelinas, U. J., JR & Dull, R. B., (2008) cho rằng, con người là nhân tố hàng đầu ảnh hưởng đến hiệu quả của chất lượng thông tin kế toán. Vì vậy, chính sách nhân sự trong hệ thống ERP phải căn cứ trên chiến lược phát triển ERP và chính sách này quan trọng tác động đáng kể tới chất lượng thông tin kế toán.
Chính sách nhân sự dựa vào mục tiêu kiểm soát phù hợp với định hướng, đáp ứng nhu cầu của hội đồng quản trị và hoàn thiện, duy trì kỹ năng công nghệ thông tin để đáp ứng chiến lược phát triển ERP. Princely Ifinedo, Nazmun Nahar (2006) xác định chất lượng hệ thống là đặc điểm kỹ thuật của hệ thống thông tin.
Theo đó, hệ thống ERP chất lượng bao gồm tính linh hoạt, dễ sử dụng, độ tin cậy, thời gian phản hồi ngắn và các chức năng cụ thể hữu ích. Tác giả cho rằng, các đặc tính linh hoạt, dễ sử dụng, dễ học và hội nhập xác định chất lượng của hệ thống ERP.
Theo Nguyễn Thị Bích Liên (2012), tổ chức hệ thống thông tin kế toán (HTTTKT) là một nhu cầu không thể thiếu đối với các DN. Phát triển theo chuẩn là sự phát triển hệ thống theo một quy trình đầy đủ, gồm bốn giai đoạn, bắt đầu từ phân tích, thiết kế, thực hiện cho đến khi vận hành hệ thống.
Dựa vào cơ sở lý thuyết nêu trên, tác giả xây dựng mô hình nghiên cứu như Hình 1.
Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu được thực hiện theo 2 phương pháp (nghiên cứu định tính và nghiên cứu định lượng). Tác giả phỏng vấn những nhà quản lý, nghiên cứu am hiểu lĩnh vực tổ chức HTTTKT trong môi trường ERP nhằm xây dựng các thang đo cho từng biến độc lập và biến phụ thuộc, dữ liệu sơ cấp nhằm kiểm định mô hình nghiên cứu.
Tác giả phát ra 180 bảng câu hỏi khảo sát thời gian từ tháng 7/2017 đến tháng 01/2018, kết quả nhận được 152 phiếu khảo sát, trong đó có 37 phiếu bị loại do không hợp lệ. Số lượng quan sát đưa vào phân tích là 115 phiếu. Bài viết sử dụng phần mềm SPSS Statistics 22.0 (Bài viết sử dụng cách viết số thập phân theo chuẩn quốc tế).
Kết quả nghiên cứu
Kiểm định chất lượng thang đo
Bảng 1 cho thấy, hệ số Cronbach’s Alpha của tổng thể đều lớn hơn 0.6. Như vậy, hệ thống thang đo được xây dựng gồm 8 thang đo đảm bảo chất lượng tốt với 39 biến quan sát đặc trưng.
Phân tích nhân tố khám phá
Kết quả kiểm định Bartlett's cho thấy, giữa các biến trong tổng thể có mối tương quan với nhau (sig = 0.000<0.05); Hệ số KMO=0.648 lớn hơn 0.5 (> 0.5), chứng tỏ phân tích nhân tố để nhóm các biến lại với nhau là thích hợp và dữ liệu phù hợp cho việc phân tích. Mặt khác, với phương pháp rút trích Principal components và phép quay Varimax, có 1 yếu tố được rút trích ra từ các biến quan sát. Phương sai trích là 67.363% > 50% là đạt yêu cầu.
Phân tích nhân tố khám phá EFA biến độc lập. Ta có, KMO=0.707 thỏa mãn điều kiện 0.5≤KMO≤1 nên phân tích nhân tố được chấp nhận với dữ liệu nghiên cứu. Sig Barlett’s Test=0.000<0.05 cho thấy, kiểm định Bartlett có ý nghĩa thống kê, chứng tỏ các biến quan sát có tương quan với nhau trong nhân tố.
Với phương pháp rút trích Principal components và phép quay Varimax, có 6 yếu tố được rút trích ra từ 33 biến quan sát. Điều này, cũng có nghĩa 5 yếu tố rút trích ra thể hiện khả năng giải thích được 70.952% sự thay đổi của biến phụ thuộc trong tổng thể.
Kiểm định mô hình hồi quy tuyến tính đa biến
Nghiên cứu thực hiện chạy hồi quy tuyến tính đa biến với phương pháp đưa vào một lượt (phương pháp Enter), ta có:
Khi xét tstat và tα/2 của các biến để đo độ tin cậy, các biến độc lập CSNS, TVTK, KSĐB, CKQL, TNHT, CLPM đều đạt yêu cầu và các giá trị Sig. thể hiện độ tin cậy khá cao, đều < 0.05.
Đánh giá mức độ phù hợp của mô hình hồi quy tuyến tính đa biến
Đánh giá mức độ phù hợp của mô hình cho thấy, giá trị hệ số tương quan là 0.918>0.5. Đây là mô hình thích hợp để đánh giá mối quan hệ giữa biến phụ thuộc và các biến độc lập. Ngoài ra, hệ số xác định của mô hình hồi quy R2 hiệu chỉnh là 0.835. Nghĩa là mô hình hồi quy tuyến tính đã xây dựng phù hợp với dữ liệu 83.5%. Điều này, cho biết khoảng 83.5%. Sự biến thiên về định hướng Tổ chức HTTTKT trong môi trường ERP của các DN logistics tại TP.Hồ Chí Minh, các phần còn lại là do sai sót của các yếu tố khác. Kiểm định Durbin Watson=1.892 trong khoảng 1
Phương trình hồi quy
TTKT = 0.544*TVTK + 0.297*KSĐB + 0.292* CLPM + 0.256*CKQL + 0.239*CSNS + 0.206* TNHT
Kết quả nghiên cứu cho thấy, các biến độc lập ảnh hưởng đến biến phụ thuộc trong mô hình theo thứ tự từ cao đến thấp như sau: Kinh nghiệm, phương pháp nhà tư vấn triển khai và chất lượng dữ liệu; Kiểm soát đảm bảo hệ thống ERP tin cậy; Chất lượng phần mềm ERP; Năng lực Ban quản lý và kiến thức nhà tư vấn triển khai; Chính sách nhân sự và quản lý thông tin cá nhân; Thử nghiệm và huấn luyện nhân viên.
Kết luận và kiến nghị
Qua kết quả nghiên cứu, để HTTTKT bài bản, khoa học nhằm cung cấp thông tin kế toán nhanh chóng, đầy đủ, kịp thời các DN cần thực hiện các giải pháp sau:
Về phương pháp của nhà tư vấn triển khai và chất lượng dữ liệu: DN cần xác định các nhà tư vấn, triển khai phù hợp tiêu chuẩn. Nhiều DN đưa chi phí làm tiêu chí hàng đầu để chọn nhà tư vấn triển khai, nhưng thực tế và lý thuyết đều khẳng định kinh nghiệm, hiểu biết của nhà tư vấn là yếu tố cần ưu tiên.
Về kiểm soát đảm bảo hệ thống ERP tin cậy: DN cần xây dựng và kiểm soát các mục tiêu cụ thể như sau: Chính sách, thủ tục an ninh nhằm kiểm soát và duy trì an ninh hệ thống ERP; lập dự phòng, bảo vệ dữ liệu; duy trì cập nhật, kiểm tra hệ thống thường xuyên, nhằm giảm thiểu việc ngưng hoạt động của hệ thống và cần có hồ sơ an ninh.
Về chất lượng phần mềm ERP: DN cần lựa chọn phần mềm ERP đáp ứng yêu cầu xử lý kinh doanh, cung cấp thông tin và đảm bảo quá trình nhập liệu.
Về năng lực, cam kết của ban quản lý và kiến thức của nhà tư vấn triển khai: Cần chú ý kiểm soát các kế hoạch mà ban quản lý đã xây dựng nhằm hạn chế tối đa ban quản lý không đủ năng lực, ý thức về trách nhiệm và hành động của mình. DN cần tìm hiểu các nhà tư vấn kinh nghiệm về công nghệ thông tin, am hiểu hoạt động kinh doanh của DN.
Về chính sách nhân sự và quản lý thông tin cá nhân: Xây dựng quy trình rõ ràng về chính sách nhân sự dựa trên chiến lược và định hướng phát triển ERP, đây là nền tảng để xác định rõ nguồn nhân lực; xây dựng cơ cấu tổ chức rõ ràng, phân chia trách nhiệm đối với từng vị trí; xây dựng qui trình tuyển dụng, huấn luyện, đào tạo nhân viên phù hợp với nhu cầu cần dùng của đơn vị…
Về thử nghiệm hệ thống ERP và huấn luyện nhân viên: DN cần xây dựng thiết kế kiểm soát thử nghiệm hệ thống; Quy định rõ ràng, chi tiết trên các hồ sơ liên quan như kế hoạch thử nghiệm hệ thống và đánh giá, phân tích và đề nghị kết quả thử nghiệm hệ thống. Nếu người sử dụng chưa chấp thuận hệ thống thì chưa đưa vào sử dụng chính thức.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Bích Liên (2012), Xác định và kiểm soát các nhân tố ảnh hưởng chất lượng thông tin kế toán trong môi trường ứng dụng hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp tại các doanh nghiệp Việt Nam, Luận án Tiến sĩ kinh tế, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh;
2. Ngụy Thị Hiền, Phạm Quốc Trung (2013), Các nhân tố ảnh hưởng đến sự thành công của dự án ERP tại Việt Nam, Tạp chí Phát triển Khoa học Công nghệ, tập 16, số Q2-2013;
3. Beverley Jackling and Gary Spraakman, Australia (2006), The Impact of Enterprise Resource Planning Systems on Management Accounting: an Australian Study, ICAFT 2006 Conference Proceeding (Online), page 1-24, University of South Australia, South Australia;
4. Gelinas, U. J., JR & Dull, R. B., (2008), Accounting Information Systems, Canada, Thomson South-Western.