Tác động từ việc tăng mạnh lương tối thiểu tại châu Âu

Khắp châu Âu, lương tối thiểu đã trở thành một công cụ chính sách công quan trọng.

Người dân di chuyển trên đường phố tại Paris, Pháp ngày 15/5/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Người dân di chuyển trên đường phố tại Paris, Pháp ngày 15/5/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Nhiều quốc gia châu Âu đã tăng lương tối thiểu đáng kể trong những năm gần đây. Tây Ban Nha tăng 22% mức lương tối thiểu vào năm 2019, Đức tăng 15% vào năm 2022, 10% ở Vương quốc Anh vào năm 2024,... Khắp châu Âu, lương tối thiểu đã trở thành một công cụ chính sách công quan trọng.

Tại Pháp, với lời hứa về mức lương tối thiểu 1.600 euro/tháng, liên minh chính trị Mặt trận Bình dân Mới đang đi theo xu hướng này. Cú hích này sẽ dẫn đến mức tăng hơn 14%.

Ý tưởng này gây ra một cuộc tranh luận gay gắt. Thủ tướng Pháp Gabriel Attal cho rằng đó là “một cỗ máy tiêu hủy việc làm" với nguy cơ 500.000 việc làm bị mất. Ngược lại, Viện Quan sát Kinh tế Pháp (OFCE) tính toán chỉ có 29.000 việc làm bị mất, một con số thấp đối với

nền kinh tế như Pháp.

Vương quốc Anh, 13,7% ở Tây Ban Nha, 14,8% ở Đức, 17% ở Pháp). Giám đốc nghiên cứu kinh tế Eric Dor tại Ieseg, một trường kinh doanh, nhận xét các nghiên cứu về Tây Ban Nha cho thấy việc tăng lương tác động tiêu cực đến việc làm, nhưng không đáng kể. Tuy nhiên, mức lương tối thiểu khi đó rất thấp so với mức hiện tại ở Pháp. Ngoài ra, tình hình ở Pháp hiện tại có nhiều doanh nghiệp đã bị suy yếu.

Từ lâu, Pháp đã là một trong những quốc gia có mức lương tối thiểu cao nhất ở châu Âu. Điều này ngày càng ít đúng. Với 1.766 euro trước thuế, đây là mức lương cao thứ 5 trong Liên minh châu Âu (EU) theo sức mua tương đương, sau Đức, Luxembourg, Hà Lan và Bỉ. Các nước khác ở châu Âu đã bắt kịp đáng kể trong những năm gần đây. Kể từ năm 2018, mức lương tối thiểu ở Pháp đã tăng 18%, thấp hơn nhiều so với Tây Ban Nha (54%), Đức (36%), Ireland (33%) hoặc Hà Lan (31%). Khi so sánh trong châu Âu, mức của Pháp vẫn nằm ở ngưỡng cao, nhưng không còn là trường hợp đặc biệt.

* Cú nhảy vọt tại Tây Ban Nha

Tại Tây Ban Nha, mức lương tối thiểu liên ngành (SMI) đã tăng vọt lên 54% mức lương trung bình của Tây Ban Nha kể từ khi Thủ tướng Pedro Sanchez, thuộc Đảng Xã hội, lên nắm quyền vào năm 2018. Hiện nay, mức lương này là 1.323 euro trước thuế mỗi tháng. Chính phủ cánh tả đã đạt được mục tiêu ban đầu: đưa SMI lên 60% mức lương trung bình của Tây Ban Nha.

Sự gia tăng đột ngột vào năm 2019 (tăng 22%) đã gây ra các cuộc tranh luận sôi nổi trong quốc gia này. Sau khi cảnh báo về những hậu quả thảm khốc đối với việc làm, Ngân hàng trung ương Tây Ban Nha đã công bố một nghiên cứu vào năm 2021, ước tính rằng 154.000 việc làm nữa sẽ được tạo ra nếu không có sự tăng này.

Năm 2022, một nghiên cứu của Quỹ Iseak, được Bộ Lao động đặt hàng, đã nhấn mạnh rằng cải cách này đã cải thiện điều kiện sống của 1,5 triệu công nhân và giảm bất bình đẳng về lương giữa nam và nữ, nhưng cũng có tác động tiêu cực trong trung hạn, dẫn đến việc mất 27.000 việc làm trong các ngành có tay nghề thấp.

Tuy nhiên, hiệu quả tốt của kinh tế Tây Ban Nha đã đẩy lùi cuộc tranh luận này. Kể từ năm 2018, gần 1,8 triệu việc làm đã được tạo ra và tỷ lệ thất nghiệp đã giảm từ 14,5% xuống còn 11,7%. Liệu tỷ lệ này có thể thấp hơn nếu mức tăng SMI không quá cao? Các ý kiến vẫn còn khác nhau. Vào tháng 10/2023, Liên đoàn Nghiên cứu Kinh tế ứng dụng cho rằng tác động của việc tăng SMI đối với thị trường lao động là "hạn chế". Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo cần thận trọng và liên kết sự phát triển tương lai của SMI với năng suất thay vì lạm phát, hoặc xem xét một SMI thay đổi tùy theo vùng.

* Vương quốc Anh: "một thành công lớn"

Sự tăng tốc bắt đầu từ năm 2016, khi Thủ tướng khi đó David Cameron tìm cách giảm các khoản trợ cấp xã hội. Để đạt được điều này, ông đã quyết định buộc các doanh nghiệp phải trả lương cao hơn cho nhân viên của mình. Ban đầu, ông đặt mục tiêu mức lương tối thiểu là 60% mức lương trung bình. Điều này đã được thực hiện vào năm 2019 mà không ảnh hưởng đến việc làm. Chính phủ Anh sau đó đã quyết định tiếp tục xu hướng này, hướng đến 2/3 mức lương trung bình vào năm 2025.

Làm thế nào để giải thích thành công này? Trong một thị trường lao động linh hoạt như Vương quốc Anh, các doanh nghiệp có khả năng quyết định điều kiện làm việc cho người lao động, đặt mức lương dưới mức mà họ có thể chi trả, theo Resolution Foundation, và do đó họ có đủ dư địa để chịu đựng sự tăng lương tối thiểu. "Chúng tôi vẫn đang khám phá xem các nhà tuyển dụng thực sự có bao nhiêu quyền lực, và mức lương tối thiểu có thể tăng lên đến đâu", nhóm tư vấn kết luận.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh: AFP/TTXVN

Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh: AFP/TTXVN

* Đức và lời hứa của ông Olaf Scholz

Tại Đức, nơi mức lương tối thiểu chỉ mới được thiết lập vào năm 2015, việc tăng lên 12 euro mỗi giờ là một lời hứa trọng tâm trong chiến dịch của Thủ tướng Dân chủ Xã hội Olaf Scholz. Vào ngày 1/10/2022, lời hứa này đã được thực hiện khi mức lương tối thiểu tăng từ 10,45 euro lên 12 euro. Tổng cộng, có 5,8 triệu việc làm được hưởng lợi mức tăng này, chiếm 14,8% tổng số lao động. Theo số liệu của Cơ quan Thống kê, phụ nữ và người lao động ở Đông Đức là những người hưởng lợi nhiều nhất. Hiện tại, mức lương tối thiểu là 12,40 euro mỗi giờ và sẽ tăng lên 12,80 euro vào tháng 1/2025.

Việc tăng mức lương tối thiểu này không gây ra sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp, trong bối cảnh thiếu hụt lao động nghiêm trọng tại Đức. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp phá sản đã tăng đáng kể trong 12 tháng qua, mà không thể xác định rõ ràng tác động của việc tăng lương tối thiểu so với các yếu tố khác như lãi suất tăng, lạm phát cao hoặc việc kết thúc các khoản hỗ trợ liên quan đến COVID-19. Cơ quan Thống kê lưu ý rằng xây dựng, vận tải và nhà hàng là những ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất. Đây cũng là những lĩnh vực tuyển dụng nhiều lao động với mức lương tối thiểu.

Vấn đề này vẫn tiếp tục khuấy động cuộc tranh luận công khai. Thủ tướng Olaf Scholz ủng hộ mức lương tối thiểu từ 14 đến 15 euro. Yêu cầu này được các nhà nghiên cứu thân cận với các công đoàn ủng hộ, vì họ cho rằng sự tăng lương vào cuối năm 2022 chỉ có tác động nhỏ đến lạm phát, trong khi nó đã giúp ổn định sức mua của các nhóm lao động liên quan. Tuy nhiên, hệ quả là mức lương tối thiểu đã tăng 11,6% so với năm 2015 (theo số liệu đã điều chỉnh giá), nhanh hơn nhiều so với các mức lương được các công đoàn đàm phán, vốn đã mất 3,8% giá trị thực tế của chúng, theo kết luận của Viện nghiên cứu thị trường lao động và việc làm Nuremberg.

Kinh nghiệm từ những quốc gia cho thấy việc tăng lương tối thiểu cần được thực hiện một cách cẩn trọng và linh hoạt, dựa trên tình hình kinh tế cụ thể và năng suất lao động. Điều này sẽ đảm bảo rằng các chính sách về lương tối thiểu không chỉ cải thiện đời sống của người lao động, mà còn duy trì sự ổn định và phát triển của nền kinh tế.

Hương Giang (P/v TTXVN tại Brussels)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tac-dong-tu-viec-tang-manh-luong-toi-thieu-tai-chau-au/340521.html