Tác dụng của lá ngải cứu đối với phụ nữ

Dưới đây là những tác dụng của lá ngải cứu đối với phụ nữ bạn không nên bỏ qua.

Ngải cứu còn gọi là ngải diệp, cây thường được trồng trong các gia đình để làm món ăn hoặc làm thuốc chữa bệnh.

Tổng quan về cây ngải cứu

Ngải cứu có tên khoa học là Artemisia vulgaris L. Họ cúc (Asteraceae). Bộ phận dùng làm thuốc cành và lá ngải cứu, có thể dùng tươi, phơi hay sấy khô làm thuốc. Dùng 4-15g một ngày bằng cách nấu, sắc, nghiền ép vắt nước.

Cây ngải cứu mọc hoang ở nhiều nơi trong cả nước, có thể trồng quanh nhà làm thuốc.

Lá ngải cứu phơi khô gọi là ngải điệp. Lá ngải cứu phơi khô vỏ cắt thành bột vụn rây lấy phần lông trắng và tơi gọi là ngải nhung. Dùng tươi, rửa sạch giã, lọc lấy nước uống.

Nếu có điều kiện, bạn có thể tự trồng một vài khóm ngải cứu trong nhà. Cây rất dễ trồng, có thể mọc ở bóng râm, chỉ cần giâm cành.

Khi dùng, có thể cắt cả cây hoặc cành lớn, rửa sạch đất cát, buộc lại từng bó, treo phơi khô trong bóng mát (tránh nắng gắt), khi khô kiệt lá sẽ rụng xuống, gom lại, cho vào túi, cất ở nơi khô ráo, dùng dần.

Theo đông y ngải cứu có vị đắng, tính ấm, mùi thơm, đi vào kinh tỳ, can, thận. Ngải cứu có tác dụng ôn kinh chỉ huyết, tán hàn chỉ thống, lý huyết an thai. Dùng trong các trường hợp nôn ra huyết, ho đờm lẫn huyết, chảy máu cam, đại tiểu tiện xuất huyết, tăng cường sức khỏe sau sinh.

Tác dụng của lá ngải cứu đối với phụ nữ rất nhiều

Tác dụng của lá ngải cứu đối với phụ nữ rất nhiều

Tác dụng của lá ngải cứu đối với phụ nữ

Ngải cứu trị cảm cúm, ho do lạnh: Lấy 300g ngải cứu, 100g lá khuynh diệp, 100g lá bưởi (hoặc quýt, chanh) nấu trong 2 lít nước. Đun sôi 20 phút bắc xuống, xông 15 phút. Làm liên tục 2-3 ngày bệnh sẽ đỡ.

Ngải cứu trị mụn trứng cá: Lá ngải cứu tươi giã nát đắp lên mặt, để khoảng 20 phút rồi rửa lại mặt, làm liên tục sẽ cho làn da mịn màng và trắng hồng.

Ngải cứu điều trị suy nhược cơ thể, kém ăn: Lấy 250g ngải cứu, 2 quả lê, 20g câu kỷ tử, 10g đương quy, 1 con gà ác 350g, hầm trong 0,5 lít nước còn 250ml. Chia làm 5 phần, ăn cả ngày. Làm liên tục 2-3 ngày bệnh sẽ đỡ.

Ngải cứu chữa kinh nguyệt không đều: 8g ngải cứu khô đem sắc với 250ml nước còn 100ml, chia uống 2 lần trong ngày, uống trước khi ăn trưa và ăn tối. Hoặc ngải cứu, ích mẫu, hương phụ mỗi vị 8g. Tất cả đem sắc với 3 bát nước còn 1 bát. Uống khi thuốc còn ấm. Cả hai đơn thuốc trên nên uống trước kỳ kinh khoảng 1 tuần.

Ngải cứu chữa đau bụng do lạnh: Ngải cứu tươi 100g, thịt lợn than 100g. Cách làm: ngải cứu rửa sạch, thịt nạc lợn băm nhỏ, xào qua và cho gia vị vừa đủ, cho khoảng 1 bát nước, đun sôi cho rau ngải cứu vào. Canh sôi khoảng 5 phút bắc ra ăn ngay hoặc có thể dùng làm canh ăn với cơm. Dùng liên tục trong 2 ngày. Hoặc lá ngải cứu tươi 70g, hơ nóng chườm bụng, ngày làm 2-3 lần.

Ngải cứu trị chứng đau đầu: Lá ngải cứu non, tươi 150g, trứng gà 2 quả. Cách làm: Lá ngải cứu rửa sạch để ráo, thái nhỏ. Cho trứng vào đánh tan cùng với lá ngải cứu đã thái nhỏ, thêm gia vị đem rán với dầu ăn. Ngày làm 1 lần vào buổi sáng hoặc tối. Ăn khi còn nóng. Dùng liên tục trong 7-10 ngày. Hoặc mỗi tháng nên ăn trong 10 ngày có công hiệu giúp lưu thông máu lên não. Bài thuốc này dễ làm và có hiệu quả tốt để trị chứng đau đầu.

Ngải cứu giúp tăng cường sức khỏe cho phụ nữ sau sinh: Ngải cứu tươi 200g, táo đỏ, ý dĩ, câu kỷ tử, hạt sen, tam thất mỗi vị 10g, gà ri 1 con. Cách làm: Gà làm sạch, mổ moi, nhồi tất cả các nguyên liệu vào trong bụng gà, cho gà vào nồi, đổ xâm xấp nước, cho gia vị vừa đủ, đun cho đến khi gà mềm nhừ. Nên ăn nóng, một tuần ăn 1 lần. Bài thuốc này giúp cơ thể khỏe mạnh, xương cốt dẻo dai.

Ngải cứu chữa đau lưng do gai cột sống: Ngải cứu tươi 250g, dấm gạo 150ml, miếng vải mỏng, mềm. Ngải cứu rửa sạch, giã nát trộn với dấm đã đun nóng đem xoa dọc theo xương sống chừng 15 phút, trong quá trình xoa nên hâm nóng thuốc thường xuyên. Nên thực hiện vào buổi tối trước khi đi ngủ. Mỗi liệu trình điều trị trong vòng 15 ngày và thực hiện liên tục từ 3-5 tháng.

Ngải cứu trị động thai hoặc giảm đau thấp khớp: Lá ngải cứu tươi 50g, gạo tẻ 100g, đường đỏ vừa đủ (có thể cho thêm lá lốt). Thái nhỏ ngải cứu, nấu lấy nước để nấu cháo. Khi ăn cho đường vừa phải, ăn nóng. Chia 2 lần ăn sáng, trưa, ăn liên tục 3-5 ngày.

Ngải cứu dùng làm nước tắm: Nấu nước lá ngải cứu, cho vào bồn tắm, nằm ngâm mình vào nước này. Làm như vậy có tác dụng tẩy tế bào chết, làm mềm da và các vết chai, giúp máu lưu thông mạnh hơn, làm dịu các cơ đang bị đau và các chỗ bị sưng hay viêm.

Ngải cứu dùng làm trà uống: Lấy 1 thìa lá ngải cứu khô băm nhỏ cho vào cốc nước mới sôi, đậy kín, sau 3-5 phút có thể uống. Phương pháp uống trà này giúp lưu thông mạch, trừ rôm sảy, giảm viêm sưng, rất tốt cho các bà mẹ đang cho con bú.

Ngải cứu dùng làm gối: Lá ngải cứu khô cho vào một cái vỏ gối để gối đầu. Phương pháp này giúp cho những người thường xuyên bị đau đầu mệt mỏi hoặc do áp lực công việc, dùng gối đầu bằng ngải cứu sẽ thấy đầu óc thoải mái và khoan khoái.

Những điều cần lưu ý khi sử dụng ngải cứu

Tuy ngải cứu có nhiều tác dụng trong điều trị bệnh nhưng không nên dùng nhiều. Khi dùng lá ngải cứu sắc uống thay trà thì chỉ nên sử dụng khoảng 3-5g khô (9-15g tươi) và dùng theo từng đợt, khỏi bệnh thì ngừng.

Với những chị em cần dùng các món có ngải cứu để tẩm bổ hoặc an thai thì chỉ nên dùng 3-5 ngọn nhỏ (9-15g tươi), tránh dùng quá liều.

Không dùng cho những người âm hư huyết nhiệt.

Trên đây là những tác dụng của lá ngải cứu đối với phụ nữ. Ngải cứu là vị thuốc tốt cho phụ nữ, làm đẹp da tuy nhiên cần sử dụng đúng liều lượng.

Vân Anh(Tổng hợp)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/tac-dung-cua-la-ngai-cuu-doi-voi-phu-nu-ar762459.html