'Tác dụng phụ' của thể thao: Cẩn trọng để không trả giá đắt
Tập thể dục, chơi thể thao mỗi ngày giúp nâng cao thể lực, phòng ngừa nhiều bệnh lý nguy hiểm và kéo dài tuổi thọ.

Chị Nguyễn Hải Yến (40 tuổi, ngụ TPHCM) tham gia một giải chạy. Ảnh: NVCC
Tuy nhiên, việc luyện tập quá sức, không đúng phương pháp, thiếu chuẩn bị kỹ càng có thể để lại nhiều “tác dụng phụ”, thậm chí dẫn đến tử vong.
Bài học từ những ca đột tử
Mới đây, tại một giải chạy marathon diễn ra ở TP Huế, một người đàn ông 53 tuổi, cư trú tại huyện Quảng Điền, bất ngờ ngã quỵ trong quá trình thi đấu. Dù được đưa đến bệnh viện cấp cứu, nhưng trong tình trạng đột quỵ và ngưng tim, nạn nhân đã không qua khỏi. Trường hợp này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về những rủi ro tiềm ẩn khi vận động thể chất vượt quá giới hạn cho phép.
Là người thường xuyên tham gia các giải chạy trong nước, chị Nguyễn Hải Yến (40 tuổi, ngụ TPHCM) cho rằng, để thi đấu thể thao, nhất là chạy đường dài, cần có quá trình luyện tập bài bản. Với đặc thù công việc văn phòng, chị Yến dành thời gian sau giờ làm để rèn luyện bằng việc đi bộ, chơi tennis hoặc chạy bộ.
“Tham gia các giải chạy không chỉ là để rèn luyện sức khỏe mà còn là dịp giao lưu, kết nối. Tuy nhiên, thật đáng tiếc khi một số người tử vong trong lúc thi đấu. Đó là lời cảnh tỉnh cho những ai có sức khỏe yếu hoặc mắc bệnh nền. Trước khi đăng ký tham gia, cần lượng sức mình và chọn cự ly phù hợp với quá trình luyện tập trước đó. Tuyệt đối không nên gắng sức khi cơ thể có dấu hiệu bất ổn”, chị Yến nhấn mạnh.
Thực tế, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng từng tiếp nhận một nam bệnh nhân 32 tuổi nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, phải thở máy sau khi tham gia một giải chạy marathon. Theo các bác sĩ, người này bị sốc nhiệt nặng, tổn thương gan, thận và rối loạn tri giác. Dù sau một ngày điều trị, tình trạng cải thiện phần nào - bệnh nhân được rút ống nội khí quản, tự thở, huyết áp và mạch ổn định nhưng vẫn tiếp tục phải điều trị suy gan, suy thận và lọc máu.
Theo BS.CKII Võ Thị Đoan Thục - Phó khoa Hồi sức Cấp cứu khu D, Bệnh viện Chợ Rẫy, chạy bộ là môn thể thao phổ biến và mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như cải thiện chức năng tim mạch, kiểm soát đường huyết, giảm cân, ổn định tinh thần và giảm stress. Tuy nhiên, nếu tập luyện sai cách, thiếu chuẩn bị hoặc gắng sức đột ngột, đặc biệt ở người có bệnh lý tim mạch, có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như tổn thương cơ, rối loạn điện giải, đột quỵ tim hoặc đột quỵ não.
“Việc tập luyện nên bắt đầu từ từ, phù hợp với thể trạng. Khi thể lực cải thiện, có thể kết hợp đi bộ và chạy bộ. Tuyệt đối tránh luyện tập cường độ cao đột ngột nếu chưa có sự chuẩn bị bài bản”, BS Thục khuyến cáo.

Bệnh nhân bị vỡ tim được cấp cứu, sau đó trải qua quá trình hồi sức tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Ảnh: BVCC
Không chủ quan
Không chỉ các bộ môn như chạy bộ mới có rủi ro, bất kỳ hoạt động thể thao nào cũng có thể trở nên nguy hiểm nếu người tập mắc bệnh nền hoặc luyện tập không phù hợp. Đơn cử như trường hợp một người đàn ông 59 tuổi (ngụ TPHCM) nhập viện trong tình trạng chèn ép tim cấp do tràn máu màng ngoài tim, dẫn đến vỡ và thủng tim.
Theo TS.BS Bùi Minh Thành - Trưởng khoa Phẫu thuật tim, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, nguyên nhân là do người bệnh đã bị nhồi máu cơ tim trước đó nhưng không phát hiện. Quá trình hoại tử cơ tim âm thầm kéo dài khiến thành tim suy yếu, đến khi người bệnh gắng sức (trong trường hợp này là nâng tạ tại phòng gym) thì xảy ra vỡ tim. Đây là một trong những biến chứng cực kỳ nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao ngay cả sau khi phẫu thuật.
“Ban đầu, bệnh nhân được hồi sức tích cực, chức năng gan, thận và tim dần cải thiện, nhưng lại xuất hiện các triệu chứng loạn thần do thiếu máu não, buộc phải sử dụng thuốc an thần liều cao. Sau 7 ngày điều trị, bệnh nhân hồi phục tri giác, tỉnh táo và được chụp mạch vành để đánh giá chính xác mức độ tắc nghẽn, từ đó đưa ra phương pháp điều trị phù hợp”, BS Thành cho biết.
Bác sĩ cũng thông tin thêm, theo lời kể của bệnh nhân, trước khi nhập viện khoảng 5 ngày đã xuất hiện những cơn đau ngực kéo dài hơn 10 phút - dấu hiệu điển hình của nhồi máu cơ tim thầm lặng. Do không điều trị kịp thời, khi vận động mạnh, đặc biệt là luyện tập thể thao cường độ cao, vùng cơ tim bị hoại tử dễ vỡ, gây ra tai biến nguy hiểm đến tính mạng.
“Luyện tập thể thao là rất cần thiết, nhưng mỗi người cần cân nhắc tình trạng sức khỏe và độ tuổi để chọn phương pháp phù hợp. Khi có dấu hiệu đau ngực kéo dài, khó thở, cần đi khám sớm để tầm soát nguy cơ bệnh lý tim mạch. Người có bệnh nền càng phải cẩn trọng, nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu một chế độ luyện tập thể chất mới”, BS Thành khuyến cáo thêm.
Trong bối cảnh ngày càng nhiều người dân quan tâm đến sức khỏe thể chất, việc rèn luyện thể thao trở thành xu hướng tích cực. Tuy nhiên, tập luyện chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi được tiến hành đúng cách, có nền tảng thể lực phù hợp và tránh tuyệt đối tâm lý “đua thành tích”, “cố gắng bằng mọi giá”. Thể thao cần trở thành bạn đồng hành của sức khỏe - chứ không phải là mối đe dọa tiềm tàng cho những ai thiếu hiểu biết hoặc chủ quan với cơ thể.
Ngoài yếu tố luyện tập, lối sống không điều độ cũng là nguyên nhân gián tiếp khiến hoạt động thể dục thể thao phản tác dụng. Nhiều người duy trì những thói quen xấu như lạm dụng rượu bia, ăn nhiều đồ ăn nhanh, thức khuya thường xuyên, sinh hoạt thiếu khoa học… Các yếu tố này gây rối loạn chuyển hóa, tăng huyết áp, béo phì, xơ vữa động mạch – làm giảm khả năng thích nghi khi vận động, từ đó tăng nguy cơ chấn thương hoặc tai biến trong lúc luyện tập.