Tắc đường
Chỉ cần một trận mưa là Hà Nội tắc đường. Hiện tượng này khá kỳ lạ. Lý giải đầu tiên là vì ngập. Ngập thì đi làm sao được. Ôtô 4 chỗ có thể lao vào chỗ ngập là nổi phềnh lên và trôi đi trên dòng sông lơ đãng.
Các phương tiện từ ôtô tới xe máy đều như đàn kiến men theo đường cao mà đi, lắm khi phải vòng vèo như con kiến leo cành cây cụt.
Với những nơi ngập quá ống xả thì tất cả cùng dừng lại và bắt đầu ca cẩm phê bình về ngành thoát nước với ngôn ngữ ngoài luồng. Tất nhiên, người ta chê các dòng mương, lạch nhỏ bị cống hóa, rải nhựa làm đường bên trên.
Nếu là trận mưa lớn thì chỉ cần một giờ đồng hồ là Hà Nội đã biến thành đại dương. Có bài nhạc chế từ tác phẩm “Từ một ngã tư đường phố” thành “lụt từ ngã tư đường phố” có câu thế này:
“Nhà nhà bắt cá từ nơi ngã tư này/ Hình ảnh của quê xa nay lại bỗng nhiên hiện ra/ Ở giữa thủ đô xa hoa tráng lệ đàn cá tung tăng bơi trên vỉa hè/ Hòa nhịp xe qua, nước cuộn sóng vô nhà ta”.
Tất cả các phương tiện có thể trở thành thuyền hoặc tàu lặn, những ngôi nhà có thể trở thành “bến cảng quê hương tôi”. Với những dạng mưa thế này thì báo đài sẽ tưng bừng nêu kỷ lục rằng 50 năm, 70 năm, 100 năm mới có một trận mưa như thế. Lúc đó trên mạng xã hội sẽ í ới hỏi nhau để cập nhật thông tin về “huyện đảo” Thanh Xuân, “làng chài” Cầu Giấy, “vịnh” Mỹ Đình, “công viên nước” Tràng Tiền, “khu đua thuyền” Đội Cấn thế nào rồi? Nhưng không hẳn vậy. Chỉ cần một trận mưa vừa, không đủ ngập, thậm chí mưa khá nhỏ thì đường vẫn ùn tắc như thường. Sao thế nhỉ?
Bạn hãy dành chút thời gian quan sát. Khi trời mưa thì các phương tiện mặc nhiên không nhường nhau nữa. Khi mưa bắt đầu trút xuống là lúc mất an toàn một cách đặc biệt. Đây là thời điểm tai nạn xảy ra nhiều nhất. Một số người đi bộ không tìm cách trú mưa mà chạy băng qua đường không thèm nhìn xung quanh. Một số xe máy thì tăng ga xuyên mọi ngã tư với “tốc độ bàn thờ”.
Tại các điểm ùn tắc thì không còn hàng lối nữa. Còn kẽ hở nào là xe máy nêm kín như mạch vữa thợ xây. Ôtô cũng đè, lấn, tạt đầu chả kém. Lỗi hành xử này không phải vì xe máy, ôtô mà từ đi bộ. Hãy xem khi đi bộ, người ta cũng không mấy khi nhường nhau. Sau khi không cựa nổi thì chỉ còn nhìn nhau hoặc mở điện thoại lên chơi game giải trí.
Chúng ta đã rời xa thời xếp hàng lâu rồi. Thời ấy người ta ngán trật tự hàng lối bởi vì sốt ruột lắm. Nếu không đi xếp hàng từ gà gáy thì biết bao giờ mới đến lượt mình.
Đến việc nâng lương, bổ nhiệm cũng theo văn hóa này, gọi là “sống lâu lên lão làng”. Đến thời đổi mới thì thoáng hơn cứ “còi to” là “cho vượt”. Anh nào khỏe sẽ về đích trước. Thế là cuộc đua sẽ sôi nổi lấn làn, tạt đầu hoặc ít nhất là không di chuyển được thì cũng xoay ngang tạo chướng ngại vật. Bây giờ có xăng là mua nhanh nhất, nhưng người mua ít khi đứng thành hàng dọc mà thường xếp hàng hai hoặc chèn so le nên lốp xe sau luôn có xu thế làm bẩn quần, váy khách đứng trước.
Giữa lúc kinh tế thị trường bưng tận miệng thì lại có một số hàng quán có thương hiệu lớn phục chế mô hình kiểu mậu dịch xưa. Phương châm của họ là bình dân hóa về hình thức nhưng giá tiền không bình dân tý nào. Khách hàng thay vì được phục vụ thì trở thành tự phục vụ. Mô hình ở đây là xếp hàng. Khách hàng ở những hàng quán này phần lớn là người trẻ. Tuổi chủ yếu 9X trở đi. Họ thích thú được đứng xếp hàng dài cổ, gọi món, rồi được phát một cái nút chuông mang về bàn của mình. Bao giờ chuông kêu thì ra thanh toán tại quầy và tự bưng.
Cách này như quá khứ 40 năm trước trở về. Có khác chăng là ngày xưa đi lĩnh cái tích kê chứ không phải cái nút chuông. Bây giờ khi chuông kêu lại lật đật tự bưng đồ về. Lớp trẻ bây giờ thích thú với kiểu tự phục vụ.
Lớp trẻ văn minh không đứng chờ thang máy ở trước cửa mà đứng hai bên. Người trong thang máy đi ra sẽ không bị va chạm. Chờ người cuối cùng ra hết rồi bước vào buồng thang máy đâu có muộn.
Xếp hàng, không chen lấn đã từng tồn tại một cách hiển nhiên. Bất kỳ ai lệch chuẩn đều bị phản ứng và không dám ngang nhiên nữa.
Hy vọng văn hóa xếp hàng sẽ lan tỏa dần và ảnh hưởng tích cực tới giao thông. Tại sao không?
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nhan-dam/tac-duong-i661337/