Tác giả bài thơ được đưa vào SGK đáp trả gay gắt, chê netizen 'mất khả năng cảm thụ'
Phản ứng về việc bài thơ của mình được sử dụng trong sách Ngữ Văn lớp 6 bị một bộ phận cư dân mạng đánh giá '1 sao', tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh đáp trả gay gắt những bình luận công kích, thổi bùng thêm ý kiến phản đối.
Năm học 2021 - 2022 sắp tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ triển khai chương trình - sách giáo khoa (SGK) mới lớp 6. Những ngày qua, bài thơ Bắt nạt của tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh có trong cuốn SGK Ngữ Văn lớp 6 chương trình mới đã vấp phải nhiều ý kiến tranh luận từ cộng đồng mạng.
Trên các diễn đàn dành cho học sinh, một bộ phận netizen để lại bình luận tỏ ý không đồng tình với việc đưa tác phẩm thơ này vào SGK dành cho học sinh lớp 6. Nhiều người cho rằng bài thơ "giống kiểu bài luyện đọc vần cho học sinh tiểu học", với cách gieo vần và thông điệp "không phù hợp với khả năng cảm thụ của học sinh cấp Hai".
Trước những bình luận này, tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh đã đăng bài đáp trả qua mạng xã hội với những từ ngữ rất căng thẳng. Tác giả viết: "Đám đông dốt nát và đầy thủ đoạn hại người thật ảo tưởng khi nghĩ mình có thể thao túng người Việt Nam tinh tế với Tiếng Việt hiểu sai về bài Bắt nạt cũng như năng lực và nhân cách thiên tài thơ ca của họ."
Bên cạnh đó, tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh cũng giải thích thêm rằng Bắt nạt giống như một bức thư, nhằm lan truyền những hiểu biết về hành vi bắt nạt: "Khi sự hiểu đó được lan truyền trong cộng đồng, nhất là trong các bạn học sinh khi cùng đọc bức thư ấy thì một áp lực văn hóa sẽ xuất hiện đối với hành vi bắt nạt. Từ áp lực văn hóa bớt hành hạ nhau đó mà xã hội văn minh hơn. Mình viết bài thơ với mong muốn cung cấp thêm một số kỹ năng mềm để hóa giải việc bắt nạt lẫn bị bắt nạt dưới hình thức nghị luận".
Tuy nhiên, những chia sẻ của nhà thơ vẫn không thể "dập tắt" được làn sóng tranh cãi khi nhiều người bày tỏ sự phẫn nộ, cho rằng cách anh đáp trả ý kiến độc giả khá "trịch thượng", "kiêu ngạo".
Tuy vậy, có vẻ như sau một khoảng thời gian suy nghĩ, tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh đã dịu lại và đăng một bức thư dài xin lỗi gửi đến cộng đồng. Tác giả cũng giải thích thêm về ý nghĩa và thông điệp của bài thơ một cách nhẹ nhàng: "Ai trong chúng ta cũng có phần bắt nạt, có lúc bắt nạt. Các bạn có thể thấy qua mấy ngày vừa rồi, mình cũng không phải là ngoại lệ. Nên bài thơ chỉ có thể cố gắng truyền tải nhẹ nhàng một tư tưởng nhân đạo và tìm một phần giải pháp thôi ạ."
"Khi bạn bắt nạt hay bạn bị bắt nạt có sẵn niềm tin bài thơ dở hay tác giả là người xấu thì sẽ khó thoải mái khám phá bài thơ. Mong các giáo viên có sự chuẩn bị tốt để việc tiếp cận bài thơ thoải mái cho các em, không bị chia phe phái ạ.", tác giả chia sẻ.
Bên cạnh đó, Nguyễn Thế Hoàng Linh cũng tự nhận lỗi về mình: "Một phần phản ứng thiếu tích cực và sai sót sinh ra từ đây. Một phần cũng do hạn chế trong tính cách của mình nữa ạ."
Kết thúc bức tâm thư, tác giả bài thơ Bắt nạt gửi lời xin lỗi đến độc giả và mong muốn cộng đồng "có những cách tiếp cận phù hợp để ngày càng thưởng thức nghệ thuật tốt hơn".
Bài thơ Bắt nạt có phù hợp với học sinh lớp 6?
Bạn Trúc Phương (trường THCS Trường Sơn, Gò Vấp) chia sẻ: “Mặc dù nội dung dễ hiểu nhưng mình cảm thấy có vài chỗ đọc cứ bị gượng gạo. Nhưng sẽ không có gì nếu chú tác giả lên tiếng giải thích một cách nhẹ nhàng và chịu tiếp thu ý kiến hơn”.
Cô Đặng Thị Sang, giáo viên Ngữ Văn tại TP.HCM chia sẻ quan điểm: “Mặc dù về nội dung, đây là một bài thơ chứa đựng thông điệp tốt, nhất là khi hiện tượng bạo lực học đường đang diễn ra nghiêm trọng. Tuy nhiên, thể thơ 5 chữ ngắn gọn, quá dễ hiểu để một học sinh lớp 6 học cách rèn luyện kỹ năng cảm thụ, sáng tạo trong cách nhận định. Chưa kể một tác phẩm văn học cần phải chứa đựng những tầng nghĩa sâu sắc và giá trị thẩm mỹ. Còn đối với bài thơ này thì cô không thấy cảm xúc khi đọc cho lắm”.
Bên cạnh đó, cô Đặng Thị Sang cho rằng “cội nguồn” của làn sóng này chủ yếu không nằm ở độ hay dở của bài thơ mà là thái độ phản ứng gay gắt của tác giả. Theo cô, một nhà thơ, nhà văn chân chính thì phải có sự cẩn thận và chỉn chu trong lời nói. Biết tiếp thu ý kiến, đánh giá của độc giả chứ không nên có thái độ công kích, xúc phạm người khác khi tác phẩm của mình không được đón nhận.