Tác giả giải đáp về nút thắt và cái kết của 'Tết ở làng Địa Ngục'
Truông nhà Hồ, Phá Tam Giang là những nguồn cảm hứng giúp Thảo Trang tạo nên tác phẩm 'Tết ở làng Địa Ngục'.
Trong những ngày gần đây tác phẩm Tết ở làng Địa Ngục của nhà văn Thảo Trang đã tạo nên cơn sốt trong cộng đồng yêu văn học Việt Nam. Sau khi chuyển thể phim, cuốn sách đã trở thành một hiện tượng và in thêm tới hơn 14.000 bản. Dù vậy, đối với một số độc giả, nút thắt và cái kết trong câu chuyện đang được bỏ ngỏ và là một bí ẩn.
Znews đã có buổi trò chuyện với tác giả Thảo Trang để tìm hiểu rõ hơn về quá trình tạo ra tác phẩm Tết ở làng Địa Ngục. Nhân dịp này, tác giả chia sẻ thêm về những kỷ niệm đặc biệt trong hậu trường làm phiên bản chuyển thể và một số thành công nhất định đã đạt được sau khi được công chúng đón nhận.
Gửi gắm thông điệp về thiện - ác trong tác phẩm
- Với tác phẩm Tết ở làng Địa Ngục, cảm hứng viết của Thảo Trang bắt nguồn từ đâu và tại sao chị lại lựa chọn bối cảnh núi rừng Tây Bắc với một toán thổ phỉ?
- Nguồn cảm hứng giúp tôi sáng tác Tết ở làng Địa Ngục bắt nguồn từ bốn câu ca dao sau: “Thương em anh cũng muốn vô / Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang / Phá Tam Giang ngày rày đã cạn / Truông nhà Hồ nội tán cấm nghiêm”.
Khi nghe những câu trên, tôi đã tự hỏi rằng vậy Truông Nhà Hồ ở đâu, chúng gắn với sự kiện gì và tại sao lại đáng sợ đến vậy. Sau khi tìm hiểu, mình được biết câu ca dao kể về một toán cướp thời nhà Hồ có thật trong lịch sử.
Quan Nội tán Nguyễn Khoa Đăng đã đích thân truy lùng, càn quét nhóm cướp này để trả lại bình yên cho dân chúng. Người dân biết ơn và truyền miệng nhau những câu ca dao trên. Hình ảnh vùng đất nguy hiểm xa xôi và toán cướp trong câu chuyện trong Tết ở làng Địa Ngục đã bắt đầu từ đây.
Còn về sự lựa chọn bối cảnh vùng cao, đó không hoàn toàn là một sự tính toán cụ thể nào bởi mình chưa từng đến vùng núi phía Bắc. Thành ra tôi càng tò mò hơn và muốn tìm hiểu viết một tác phẩm về nơi đây. Cũng trùng hợp rằng, buổi đêm mùa đông hôm tôi bắt đầu viết những trang bản thảo đầu tiên của cuốn sách, trời mưa to, sương giá lạnh buốt, tôi chợt nhìn thấy hình ảnh một bông hoa đào mọc lên. Ngay lúc đó, tôi cảm thấy cần phải viết.
- Một số độc giả cho rằng tác phẩm này đã đưa ra hình ảnh cuộc chiến thiện - ác, giữa con người và những thực thể không nằm trong sự kiểm soát của họ. Ở cương vị sáng tác, Thảo Trang nghĩ sao về nhận định trên?
- Đúng, câu chuyện kể về một cuộc chiến thiện và ác, nhưng đó chưa phải tất cả. Người dân của làng địa ngục không phải là những người lương thiện nhưng họ không hoàn toàn ác. Cụ Khảm trong nguyên tác là người không có liên quan tới chuyện cướp bóc nhưng ông sinh ra trong một môi trường như thế nên cái ác trong ông dần lớn lên.
Ban đầu người đọc có thể thấy người làng đã phải sống chui sống lủi tại nơi thâm sơn cùng cốc. Chúng ta có thể nghĩ người làng là phe thiện và Thập Nương phe ác. Nhưng không phải như vậy, người làng đã để cho cái ác trỗi dậy và trở thành người bất nhẫn. Vì vậy, sâu xa hơn một cuộc chiến, tôi muốn nói về ranh giới thiện ác.
Thập nương có ác nhưng bà vẫn có đúng. Vậy tại sao ngôi làng không có luật pháp nào bảo vệ. Bởi chính những người làng này đã trốn tránh luật pháp và quyết định hành xử với nhau theo kiểu mạng đổi mạng. Hơn hết, tôi còn muốn nói về một xã hội đầy hỗn loạn khi không có luật pháp, các vấn đề bất nhân tính tồn tại khắp nơi.
Câu chuyện ở làng Địa Ngục vẫn đang được viết tiếp
- Đối với Thảo Trang, đâu là điều đáng nhớ nhất khi cùng đoàn lên núi thực hiện phiên bản chuyển thể "Tết ở làng Địa Ngục"?
- Tôi có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ cùng đoàn phim. Đây là một công việc thú vị, tôi được tham gia vào nhiều khâu mà trước đây chưa được thực hiện. Nhưng có lẽ đêm khai máy là kỷ niệm khó quên nhất với tôi và hàng trăm người trong đoàn làm phim.
Vào lúc 12 giờ đêm hôm đó, trời giá rét chỉ còn 1-2 độ C, sương mù bao phủ, chỉ cần cách nhau hai bước chân của người lớn là không thể nhìn rõ nhau. Với vai trò là biên kịch và tác giả nguyên tác tôi phải có mặt tại buổi khai máy để khấn lễ. Chỉ trong khoảng gần 30 phút làm lễ, thời tiết lại quang hẳn. Tôi cảm thấy khởi đầu như vậy là rất suôn sẻ.
Còn với bản tiểu thuyết, trong quá trình viết Tết ở làng Địa Ngục, tôi có tham khảo nhiều ý kiến và tài liệu từ pháp y, văn hóa để làm sao dựng lên những cái chết có tính logic, người xem sẽ không bị gợn.
Tôi cũng tự trau dồi thêm vốn văn hóa về vùng cao, đặc điểm địa lý để làm sao khắc họa rõ nét nhất chân dung hậu duệ của một toán cướp sống chui lủi. Còn về trang phục, trang điểm, mình cũng ghi chú và cùng cả bộ phận phụ trách lên ý tưởng. Rất may là tạo hình nhân vật được khán giả đón nhận. Tôi thậm chí còn thấy rằng có những bạn trẻ còn cosplay vai Thập Nương và chụp ảnh lên mạng xã hội.
- Cái kết mở ở phần một để lại nhiều suy đoán cho công chúng. Tác giả có thể chia sẻ thêm về ý đồ khi để cái kết như vậy?
- Tôi hiểu còn nhiều điều chưa được lý giải từ phần một ở cả phiên bản tiểu thuyết lẫn khi lên màn ảnh rộng. Do đó, Trang để lại kết mở và tiếp tục viết thêm phần hai để trả lời với độc giả toàn bộ câu hỏi mọi người đang thắc mắc. Kể cả ở trong bản truyện lẫn bản phim, tôi đều sẽ giải đáp trong phần tiếp theo.
Thông qua cái kết mở này, tôi có thể thấy được phản hồi của độc giả cũng như khán giả của phiên bản chuyển thể để tôi định hình rõ hơn hướng đi tiếp theo xem mọi người cần được giải thích thêm những gì. Câu chuyện tại làng Địa Ngục sẽ không thể khép lại ở đó và có thể sẽ có thêm cả những phần ngoại truyện về một nhân vật nào đó.
Cả nguyên tác lẫn phim đều cần phải giải thích nhiều vấn đề. Việc lão ăn mày què từng luyện rượu sọ người là một lời nói dối vô hại hay một quá khứ đen tối mà lão từng giấu sẽ đc giải thích rõ ràng hơn trong những phần sau.
- Theo Trang, đâu là điểm bản chuyển thể khác với nguyên tác nhất?
- Tôi xin chia sẻ rằng kết cấu thời gian trong tiểu thuyết được tôi sắp xếp rất chặt chẽ mà nhiều khán giả vẫn nói rằng trên phim lúc tối lúc sáng. Lý do là thời tiết tại điểm quay rất khắc nghiệt, đôi khi xuống dưới 0 độ C. những máy móc thiết bị ở đó không được tạo ra để hoạt động trong điều kiện thời tiết như vậy. Hơn nữa, mỗi khi sương giăng hay có đám mây đi qua lập tức chỗ đó tối hẳn đi. Nhiệt độ giảm quá sâu cũng là nguyên nhân thiết bị hoạt động kém hiệu quả hơn.
- Việc phim chuyển thể gây sốt có tác động ra sao tới phát hành sách?
- Tôi cũng thấy rất bất ngờ. Điều đặc biệt nhất là khi phía nhà phát hành có thông bào rằng họ đang in thêm bản mới và cần chữ ký của tôi vào một số cuốn sách giống như phiên bản đặc biệt vậy.
Tôi đã ngồi ký tay hết 2.000 cuốn, dù có hơi đau tay nhưng tôi vẫn rất vui vì biết độc giả Việt đón nhận mình nhiều như này. Bên cạnh đó, tôi cũng được thông báo rằng tổng số bản in thêm đã lên tới khoảng 14.000-15.000 bản. Tôi nghĩ đây là một con số cho thấy cuốn tiểu thuyết có sức ảnh hưởng. Mong rằng trong thời gian tới, khi tôi ra mắt cuốn tiểu thuyết Quỷ Nhân Ngư, tác phẩm sẽ tiếp tục được mọi người đón đọc.