Tác giả 'Khúc thụy du' - nhà thơ Du Tử Lê qua đời
Ca sĩ Lan Ngọc cho biết nhà thơ Du Tử Lê, được biết đến với nhiều tác phẩm nổi tiếng, đã qua đời ngày 7-10 tại Mỹ, hưởng thọ 77 tuổi
Theo ca sĩ Lan Ngọc, nhà thơ Du Tử Lê đã điều trị căn bệnh ung thư tại Garden Grove, miền nam California - Mỹ từ nhiều tháng qua. Sau đó, ông được đưa về nhà riêng và qua đời.
Nhà thơ của bài hát "Khúc thụy du" do nhạc sĩ Anh Bằng phổ nhạc tên thật là Lê Cự Phách, sinh năm 1942 tại Kim Bảng, Hà Nam. Ngoài ra, ông còn có 70 tập thơ, văn xuôi khác.
Du Tử Lê học Đại học Văn khoa Sài Gòn. Ông đạt giải thưởng Văn chương toàn quốc tại Sài Gòn năm 1973 với tập "Thơ tình Du Tử Lê 1967-1972".
Cho tới nay, ông là nhà thơ châu Á hiếm hoi được phỏng vấn và có thơ đăng trên hai nhật báo lớn của Mỹ: Los Angeles Times (1983) và New York Times (1996).
Thơ ông cũng được đưa vào giảng dạy, làm tài liệu nghiên cứu, đọc thêm tại một số trường đại học Mỹ và châu Âu.
Năm 1998, nhà xuất bản W. W. Norton, New York đã chọn Du Tử Lê là một trong năm tác giả Việt Nam để in vào phần "Thế kỉ XX: Thi ca Việt Nam" khi tái bản tuyển tập World Poetry An Anthology of Verse From Antiquity to Our Present Time (Thi ca thế giới từ xưa đến nay).
Trong cuốn Understanding Vietnam, tác giả, giáo sư Neil L. Jamieson đã chọn dịch một bài thơ của Dư Tử Lê viết từ năm 1964. Cuốn sách này sau đó trở thành tài liệu giáo khoa, dùng để giảng dạy tại một số trường đại học ở Mỹ và Châu âu.
Du Tử Lê là nhà thơ có nhiều tác phẩm được phổ nhạc. Trong đó, có nhiều ca khúc nổi tiếng như: "Đêm nhớ trăng Sài Gòn" (Phạm Đình Chương), "Kiếp sau xin giữ lại đời cho nhau" (Phạm Duy), "Trên ngọn tình sầu" (Từ Công Phụng), "Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời", "Em hiểu vì đâu chim gọi nhau" (Trần Duy Đức), "Hiến chương yêu" (Nguyên Bích), "Người về như bụi" (Hoàng Quốc Bảo),... Từ những ca khúc này, ông đã tuyển chọn để thực hiện 3 CD "K Khúc của Lê" năm 2001.
Ca sĩ Lan Ngọc chia sẻ: "Các nghệ sĩ, ca sĩ ở hải ngoại đau buồn khi biết tin nhà thơ qua đời. Ông đã để lại cho đời nhiều vầng thơ hay, trong đó có nhiều bài thơ được phổ nhạc và được công chúng yêu thích".