Tác giả phải kiêm nghề KOL để bán sách trong tương lai?
Sự nổi lên của BookTok đang khiến trang The Bookseller đặt câu hỏi: Liệu các tác giả trong tương lai nếu muốn bán sách thì phải trở thành ngôi sao TikTok?
"Tôi xuất bản được cuốn sách này là nhờ mạng xã hội", TikToker, nhà báo kiêm tác giả sắp xuất bản sách Ruby Cline cho biết. Cline thường được mọi người biết đến với tài khoản @conversationswithruby, có hơn 47,1 nghìn người theo dõi. Gần đây bà công bố ra mắt cuốn sách đầu tay All The Work You Shouldn’t Do, dự kiến ra mắt ngày 10/7. Cline được nhà xuất bản Bloomsbury biết tới nhờ sự nổi tiếng trên Tiktok.
"Mạng xã hội đã cho tôi cơ hội viết sách", Cline cho hay.
Với sức ảnh hưởng ngày càng tăng của TikTok, ranh giới giữa người có sức ảnh hưởng và người sáng tạo nghệ thuật đang ngày càng trở nên mờ nhạt. Đầu năm nay, nữ diễn viên của Stranger Things, Maya Hawke đã phàn nàn rằng Hollywood đang chọn diễn viên dựa trên sức hút trên mạng xã hội.
Và dường như hiện tượng này cũng xảy ra trong thế giới xuất bản. Nhiều nhà văn được thế hệ Z yêu thích nhất hiện nay như Rebecca Yarros, 1,4 triệu người theo dõi trên Instagram, Colleen Hoover, 1,9 triệu người và Sarah J Maas, 2,2 triệu người theo dõi. Tác giả ăn khách Alex Aster, có 1,4 triệu người hâm mộ trên TikTok, cũng đã ký được hợp đồng cho tiểu thuyết Lightlark sau khi một đoạn clip Aster chia sẻ ý tưởng về cuốn sách này lan truyền.

Mạng xã hội trở thành tiêu chí chọn nhà văn. Ảnh: Shutterstock.
Thực tại phũ phàng với các nhà văn
Zoe Ross đến từ công ty đại diện văn học United Agents cũng phát hiện ra rằng những người có sự hiện diện đáng kể trên phương tiện truyền thông xã hội thường xuyên được các đại diện văn học tiếp cận.
Nếu nhà văn nào muốn đề xuất với Ross một "cuốn sách nấu ăn thú vị" nhưng "lượng người theo dõi trực tuyến thực sự không đáng kể", Ross hiểu rằng việc xuất bản cuốn sách này sẽ là "quá khó".
Các tác giả đang cảm nhận xu hướng này ngày càng rõ và có chiến lược của riêng mình. Emily McIntire, nhà văn ăn khách của Sunday Times kiêm tác giả của tiểu thuyết lãng mạn đen Never After, nói rằng mạng xã hội đã đóng một vai trò quan trọng trong thành công của bà.
"Việc xuất bản sẽ khó khăn hơn 1000% nếu không có mạng xã hội [...] Cuốn sách đầu tay của tôi thành công như vậy là nhờ tôi có sự hiện diện trên mạng xã hội", McIntire chia sẻ.
Để thực hiện mơ ước trở thành một nhà văn, McIntire đã sử dụng TikTok để kết nối với cộng đồng. Tài khoản của bà đã thu hút hơn 185.000 người theo dõi và đủ đảm bảo McIntire thành công với tác phẩm đầu tay. "Trong thời đại ngày nay, việc bạn có sự hiện diện trên mạng xã hội thực sự quan trọng, ngay cả khi bạn không nhất thiết thích điều đó", McIntire nói.
Kirsty Hulse, một nhà văn đang cố gắng xuất bản các tác phẩm của mình, cũng cho biết các nhà xuất bản bà liên hệ đã bày tỏ lo ngại rằng "lượng người theo dõi của bà quá ít".
Hulse nói: "Điều này thực sự gây khó chịu cho một nhà văn có lượng người theo dõi nhỏ nhưng rất trung thành. Tôi biết vì tôi đã tổ chức một hội nghị thường niên chào đón hơn 700 người và tất cả đều đã mua sách của tôi. Đang có vấn đề về việc hiểu đúng chất lượng và số lượng người theo dõi".
Hulse hiện có hơn 6.000 người theo dõi trên Instagram, một con số khá đông nhưng chưa là gì trên mạng xã hội. Cuốn sách sắp ra mắt của bà, Don’t Swear at Work: The Rule Breakers’ Guide to Workplace Brilliance sẽ được xuất bản vào ngày 6/5.
Dù đã có hợp đồng, Hulse vẫn lo ngại việc giới xuất bản quá quan tâm vào nhu cầu phổ biến trên phương tiện truyền thông xã hội sẽ dẫn đến việc giảm bớt "số lượng sách mang lại yếu tố 'độc đáo'".

Ảnh: NYP.
Mạng xã hội quan trọng nhưng không phải là yếu tố duy nhất
Trong khi số người theo dõi trên mạng xã hội có thể chứng minh rằng một nhà văn có sẵn độc giả, Vicki Willden-Lebrecht, Giám đốc điều hành kiêm nhà sáng lập công ty đại diện văn học Bright Agency, lại cho rằng con số đó chỉ đơn giản là một trong nhiều yếu tố cần xem xét. Và rằng, việc không có yếu tố đó cũng không khiến các nhà xuất bản nản lòng với những tác giả hay.
Là một người đại diện văn học, Willden-Lebrecht cho biết cá nhân bà không tìm kiếm nhà văn có lượng người theo dõi lớn, nhưng coi đó là một điểm cộng. Theo bà, truyền thông xã hội không phải là công cụ để tìm kiếm các nhà văn mà là để tìm hiểu nhu cầu của độc giả. Việc hiểu được độc giả quan tâm đến tác giả nào, đề tài nào cũng chính là một mục tiêu của giới xuất bản.
Biên tập Bekkii Paley từ nhà xuất bản độc lập Dead Ink Books cũng đồng tình với ý kiến này. Paley giải thích rằng họ sẽ không bao giờ chọn một nhà văn nào đó dựa trên tài khoản truyền thông xã hội, tuy nhiên, con số người theo dõi vẫn là một "công cụ hữu ích" để "thúc đẩy doanh số bán hàng".
Dù vậy, trong bối cảnh "các phương tiện truyền thông xã hội đang thay đổi, trở nên thù địch hơn và mọi người bắt đầu xa lánh nó [...], tôi thực sự không biết liệu đầu tư để phát triển trên đó còn đáng không", Paley nghi ngại.
Và khi mạng xã hội trở thành "công việc toàn thời gian", chất lượng viết cũng có thể bị ảnh hưởng. "Nếu bạn sử dụng mạng xã hội, thích nó và bạn muốn phát triển trên đó thì cũng là điều tốt. Nhưng tôi khuyên bạn không nên dồn hết mọi thứ vào đó vì nó thay đổi rất nhanh", Paley nhận định.