Tắc hàng sang Trung Quốc: Báo cáo toàn cảnh lên Quốc hội

Bộ NN-PTNT vừa có báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế Quốc hội về tình hình ùn tắc nông sản xuất khẩu tại cửa khẩu biên giới suốt một tháng qua.

Báo cáo nêu rõ, tại Lạng Sơn lượng xe tồn ở 3 cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma đến sáng 25/12 còn 4.204 xe. Mặt hàng nông sản ùn ứ chủ yếu là dưa hấu của tỉnh Quảng Ngãi, thanh long của Bình Thuận, chuối xanh của Tiền Giang, mít của Đắk Lắk và Tiền Giang, xoài của Bình Định. Ngoài ra, còn có nhiều mặt hàng nông sản khô.

Nguyên nhân chính dẫn đến ùn ứ là do phía Trung Quốc kiên quyết thực hiện chính sách “Zero Covid” nên siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch trên cả người và hàng hóa. Việc này kéo theo thời gian thông quan tăng lên, trong khi lượng xe từ các tỉnh trong nước lên Lạng Sơn vẫn gia tăng, tạo áp lực lớn về bến bãi và khả năng thông quan.

Ngoài ra, nhu cầu tiêu dùng dịp lễ, tết của thị trường Trung Quốc tăng vào những tháng cuối năm, nhưng nay họ tạm dừng nhập khẩu một số mặt hàng qua cá cửa khẩu biên giới khác khiến lượng hàng đổ dồn về cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn nhiều hơn.

Tính đến 25/12, tại các của khẩu còn tồn đọng khoảng gần 6.000 xe container nông sản chờ xuất khẩu sang Trung Quốc

Tính đến 25/12, tại các của khẩu còn tồn đọng khoảng gần 6.000 xe container nông sản chờ xuất khẩu sang Trung Quốc

Từ ngày 8/12 cửa khẩu Chi Ma tạm dừng thông qua do phía Trung Quốc nghi phát hiện 3 ca F0 tại thị trấn Ái Điểm. Ngày 15/12 tiếp tục dừng thông quan tại cửa khẩu Tân Thanh do gặp trục trặc về hệ thống mạng.

Nghiêm trọng hơn, cơ quan chức năng phía Trung Quốc thông báo dự kiến tạm dừng nhập khẩu đối với hàng hóa bảo quản lạnh trong dịp Tết Nhâm Dần. Thời gian tạm dừng là trước Tết 14 ngày và sau Tết 14 ngày.

Tại cửa khẩu Bắc Luân II (Quảng Ninh), từ ngày 25/11 cũng diễn ra ùn ứ do các doanh nghiệp đưa hàng về cửa khẩu Móng Cái - Đông Hưng thông quan, bởi phía Trung Quốc siết chặt kiểm soát Covid-19 ở cả người và hàng.

Trong khi đó, tại lối mở Km3+4 Hải Yên, lượng xe nông sản, thủy sản chờ thông quan cũng tăng lên. Nguyên nhân từ ngày 25/11 do cửa khẩu Kim Thành tạm dừng thông quan, các cửa khẩu tại tỉnh Lạng Sơn ùn tắc nên hàng dồn về đây.

Tính đến 24/12, lượng nông sản, trái cây, thủy sản còn tồn đọng tại các cửa khẩu tỉnh Quảng Ninh là 1.678 container.

Để giải quyết tình trạng ùn tắc, thời gian qua các Bộ ngành đã tích cực vào cuộc, khuyến cáo các địa phương hạn chế đưa hàng lên cửa khẩu. Cùng với đó, điện đàm với phía Trung Quốc để đàm phám mở cửa, tăng thời gian thông quan, giải quyết số xe hàng còn tồn đọng.

Bộ NN-PTNT kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng xem xét có chính sách ưu đãi, ưu tiên ngân sách nhà nước theo kiến nghị của địa phương khu vực biên giới cho phòng chống dịch Covid-19 (khử khuẩn, kiểm tra, tiêm vắc xin); hỗ trợ địa phương đầu tư hạ tầng cửa khẩu, kho bãi, trung tâm trung chuyển, logistics, bảo quản nông sản tại cửa khẩu.

Các mặt hàng bị ùn ứ nhiều nhất là mít, thanh long, dưa hấu, xoài (ảnh: Kiên Trung)

Các mặt hàng bị ùn ứ nhiều nhất là mít, thanh long, dưa hấu, xoài (ảnh: Kiên Trung)

Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương khẩn trương rà soát, khảo sát, thiết lập vùng đệm với hàng hóa trao đổi với Trung Quốc để quản lý, kiểm soát chặt tình hình dịch Covid-19, cách ly người/hàng hóa mắc Covid-19 ngay tại đầu vùng đệm, không để phát hiện ở điểm giáp biên dẫn đến “đóng biên tức thời”.

Bộ NN-PTNT cũng kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo các Sở ngành thông báo cho các doanh nghiệp xuất khẩu về tình hình ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu và về việc phía Trung Quốc thực hiện lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 trên bao bì sản phẩm. Theo đó, kiểm soát chặt từ khâu thu hoạch, phân loại bóc xếp hàng hóa...

Đồng thời, khuyến cáo các doanh nghiệp chỉ vận chuyển hàng lên cửa khẩu khi đã ký hợp đồng mua bán với đối tác Trung Quốc và sau khi đã giải quyết cơ bản tình trạng ùn tắc tại các cửa khẩu.

Đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo các cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc kịp thời nắm bắt thông tin, phối hợp với các địa phương ở cửa khẩu biên giới với quốc gia này để cung cấp, cập nhật thương xuyên các quy định, yêu cầu từ thị trường Trung Quốc với mặt hàng nông sản. Thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản, kích cầu tiêu dùng trong nước.

Các địa phương cần theo dõi, dự báo và lập kế hoạch sản xuất, tiêu thụ, nhất là thời điểm Tết Nguyên đán 2022 nhằm điều tiết cung cầu hàng hóa nông sản. Cùng với đó, quy hoạch và thu hút đầu tư xây dựng các trung tâm logistics nông sản, kho lạnh nhằm phân loại, bảo quản, sơ chế, nâng cao giá trị và giữ được chất lượng nông thủy sản trước khi tiêu thụ, xuất khẩu.

T.An

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/thi-truong/bo-nong-nghiep-bao-cao-toan-canh-ve-un-tac-nong-san-o-cua-khau-805675.html