Tác nghiệp nơi đầu sóng

Tác nghiệp báo chí trên hải trình thăm các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) là chuyến công tác rất đặc biệt với nhiều cảm xúc thiêng liêng.

Tác nghiệp báo chí trên hải trình thăm các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) là chuyến công tác rất đặc biệt với nhiều cảm xúc thiêng liêng, mà bất kỳ phóng viên, nhà báo nào đều mong muốn được vinh dự tham gia. Với thực tế sinh động mà các phóng viên ghi nhận được, hải trình công tác ra Trường Sa trở thành chuyến đi trao gửi tình cảm và niềm tin yêu sắt son.

Hành trình của niềm tự hào

Trên hải trình cùng đoàn công tác do Quân chủng Hải quân tổ chức ra thăm huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa) từ ngày 23 đến 29/5, Đại tá Cao Văn Sơn, Phó Chủ nhiệm Hậu cần Quân chủng Hải quân, Trưởng đoàn công tác đã có những chia sẻ, dặn dò và động viên kịp thời đoàn công tác cũng như các phóng viên, nhà báo trong đoàn.

Sau khi quán triệt nội dung, quy định của chuyến công tác, chúng tôi xuống tàu kiểm ngư KN-491 để khởi hành. Tại quân cảng Cam Ranh, các chiến sĩ hải quân chỉnh tề trang phục, đứng theo đội ngũ tiễn đoàn công tác chúng tôi rời cảng. Trong lòng mỗi phóng viên đều lâng lâng cảm giác tự hào, xúc động trong hành trình đầy thiêng liêng này.

Ca nô đưa các phóng viên trở lại tàu KN- 491 sau khi tác nghiệp trên đảo.

Ca nô đưa các phóng viên trở lại tàu KN- 491 sau khi tác nghiệp trên đảo.

Trong hải trình 7 ngày, trải qua hơn một nghìn hải lý, chúng tôi thăm 7 đảo và một nhà giàn. Để đến được nhà giàn và các đảo: Song Tử Tây, Sinh Tồn, Cô Lin, An Bang, Đá Đông C, Đá Tây A, đoàn công tác phải trung chuyển từ tàu KN-491 sang ca nô theo từng nhóm khoảng 10 người, mỗi chuyến. Các nhà báo được Ban chỉ huy tàu ưu tiên sắp xếp xuống ca nô trước để lên đảo sớm hơn, đáp ứng nhiệm vụ tác nghiệp báo chí.

Trên chiếc ca nô bồng bềnh theo những con sóng biển dềnh cao cả mét, các phóng viên báo chí dũng cảm và luôn tìm cách xoay xở, kịp chớp được những khoảnh khắc ảnh đẹp nhất, ấn tượng nhất để có tư liệu cho các tác phẩm báo chí của mình. Để chụp được nhiều góc ảnh đẹp, các phóng viên thường chọn vị trí ngồi gần rìa ca nô. Nhiều lúc sóng biển dâng trào, đánh ướt cả người, cả máy ảnh, nhưng có sá gì, miễn sao có được những tấm ảnh sinh động, ghi lại những khoảnh khắc chân thực nơi đầu sóng ngọn gió, biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc mến yêu.

Phóng viên trên hải trình ra đảo Cô Lin.

Phóng viên trên hải trình ra đảo Cô Lin.

Đúng ngày chúng tôi lên thăm Nhà giàn DK1, cũng là hôm biển động mạnh, nhưng các nhà báo vẫn hăng hái theo Trưởng đoàn công tác tiên phong đi trước. Chiếc ca nô dềnh lên, gần tiếp cận được bậc thang lên Nhà giàn thì cơn sóng lớn lại kéo ra. Sau nhiều lần thử thách sự kiên trì, ca nô mới bắt đúng được nhịp sóng để các thành viên lên được bậc thang chênh vênh nơi biển cả mêng mông, rồi leo lên Nhà giàn. Do biển động, Đại tá Cao Văn Sơn- Trưởng đoàn quyết định, chỉ một số đồng chí đại diện đoàn công tác, văn nghệ sĩ và nhà báo lên Nhà giàn thăm, tặng quà và giao lưu văn nghệ với các chiến sĩ.

Lịch trình thăm quân, dân các đảo của đoàn công tác rất khít thời gian. Do đó anh em báo chí ai nấy đều tranh thủ từng phút để thu thập hình ảnh, tư liệu. Trên các đảo, đại diện đoàn công tác sẽ phát biểu, tặng quà, giao lưu văn nghệ, thăm hỏi quân, dân; đoàn được chỉ huy tại các đảo báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ của đơn vị làm nhiệm vụ trên đảo… Tham dự ủ chừng ấy sự kiện, các nhà báo lại nhanh chóng đi khám phá những đề tài riêng trên đảo như phỏng vấn cán bộ, chiến sĩ, tìm hiểu đời sống cư dân, chuyện học hành của con em, giao lưu với trẻ em và chiến sĩ, trò chuyện về quá trình đến với biển, đảo của các chiến sĩ, những câu chuyện về tình đoàn kết quân- dân,…

Trong chuyến đi thực tế đặc biệt này, báo chí luôn phát huy được tinh thần tiên phong, lăn xả và nhiệt huyết. Bên cạnh đó, tác nghiệp trong môi trường thời tiết khắc nghiệt cũng là một thử thách lớn về sức khỏe và khả năng thích nghi với điều kiện thời tiết. Trong hải trình đến các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa, các chiến sĩ cho biết, đã lâu đảo chưa có mưa, thời tiết nhiều lúc rất khắc nghiệt. Điều này làm tôi liên tưởng tới bài hát “Sức sống Trường Sa” do Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn sáng tác (phổ thơ của Đoàn Vũ Vinh), bài hát có đoạn miêu tả rất chân phương sự khắc nghiệt mà các chiến sĩ nơi đảo xa phải đối mặt: “Nắng gió thiêu thịt da những ngày khát mưa/ Muối đắng môi cười thèm cọng rau xanh”...

Tác nghiệp trên đảo Đá Tây A

Tác nghiệp trên đảo Đá Tây A

6h sáng, trên đảo, trên biển đã nắng chói chang như 11h trưa; đầu giờ chiều, nhiệt độ càng như thiêu như đốt nhưng anh em báo chí vẫn hăng hái di chuyển, liên tục tác nghiệp. Hôm lên đảo Trường Sa Lớn, vào lúc 13h30 giữa cái nắng chói chang, các cán bộ, chiến sĩ trên đảo đã hàng ngũ chỉnh tề chờ đoàn tham dự lễ chào cờ và diễu hành. Các sự kiện diễn ra trong không khí trang nghiêm, xúc động và tràn đầy khí thế quyết tâm giữ gìn, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Do sự khắc nghiệt của thời tiết, cũng có thành viên trong đoàn bị say do sóng lớn. Lúc biển lặng, bữa cơm trên tàu KN-491 thường có 6 người mỗi bàn ăn, phải hôm biển động, nhiều bàn chỉ có 3 hoặc 4 người, số người vắng là do say sóng. Đại tá Cao Văn Sơn, Phó Chủ nhiệm Hậu cần Hải quân, Trưởng đoàn công tác đến thăm các phòng trên tàu để nắm bắt sức khỏe các thành viên. Có phóng viên dù bỏ ăn hai bữa liền vì say sóng vẫn vui vẻ, tự tin báo cáo: Em vẫn tác nghiệp được.

Niềm tin sắt son

Trong câu chuyện với Trưởng đoàn, nhiều nhà báo bày tỏ cảm xúc thiêng liêng khi được tác nghiệp trên các đảo cách xa đất liền hàng trăm hải lý, được hồi hộp ngóng nhìn những đảo của Tổ quốc mỗi khi chỉ huy tàu thông báo đoàn công tác sắp tới đảo này, đảo kia; được hòa vào tình đoàn kết quân- dân trên đảo, dù mới gặp lần đầu nhưng mọi người trên đảo và người từ đất liền ra thăm đều niềm nở, thân tình như trong một gia đình. Câu chuyện trầm xuống ít phút khi phóng viên mở những ảnh chụp lại phút thiêng liêng của lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh để bảo vệ biển, đảo mà đoàn công tác tổ chức rất trang nghiêm. Lễ tưởng niệm diễn ra ngay trên sân đáp trực thăng của tàu KN-491, giữa biển trời bao la của Tổ quốc.

Các phóng viên giao lưu với các chiến sĩ hải quân trên đảo An Bang sau giờ làm nhiệm vụ.

Các phóng viên giao lưu với các chiến sĩ hải quân trên đảo An Bang sau giờ làm nhiệm vụ.

Sau hải trình dài ngày, chúng tôi thu nhận được thành quả là những bài báo sinh động và nhiều hình ảnh rất có giá trị làm tư liệu tuyên truyền. Nhưng với tôi, điều ý nghĩa hơn cả, đó là tình yêu Tổ quốc, tình yêu biển, đảo và lòng tin yêu các cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ giữ gìn, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc nơi đầu sóng được nhân lên trong mỗi nhịp đập trái tim. Hải trình đến với Trường Sa vì thế trở thành chuyến đi trao gửi tình cảm và mang về niềm tin. Niềm tin vững vàng, sắt son vào những cán bộ, chiến sĩ ngày đêm bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.

Bài, ảnh: An Luých

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tac-nghiep-noi-dau-song-a669311.html