Tác nghiệp ở Trường Sa

Đầu năm nay, tôi và một số đồng nghiệp ở nhiều cơ quan báo chí T.Ư, địa phương vinh dự được đến quần đảo Trường Sa tác nghiệp. Trong hải trình gần 20 ngày với muôn trùng sóng gió, chúng tôi đã có những trải nghiệm đáng nhớ trong cuộc đời làm báo.

Gian nan hành trình tới đảo

Chuyến công tác tới quần đảo Trường Sa, ngoài cán bộ sĩ quan còn có gần 100 phóng viên của các cơ quan báo chí T.Ư, ngành, địa phương trên cả nước, chia thành 2 đoàn đi theo 2 hướng khác nhau (mỗi tàu gần 50 phóng viên). Tôi và hơn 40 đồng nghiệp đi trên tàu quân y 561, số hiệu Khánh Hòa - 01, trọng tải hơn 2 nghìn tấn, được mệnh danh là "bệnh viện nổi" trên Biển Đông hiện đại nhất Đông Nam Á. Trước khi tàu rời quân cảng Cam Ranh (Khánh Hòa), chúng tôi được lãnh đạo Vùng 4 Hải quân và trưởng đoàn công tác quán triệt nghiêm quy định khi tác nghiệp. Vì là chuyến đi dài ngày, dịp gần Tết Nguyên đán 2024, nội dung dự kiến thực hiện nhiều nên ai nấy đều chuẩn bị chu đáo thiết bị, từ máy ảnh, máy quay phim, máy ghi âm đến ổ cứng, máy tính, thẻ nhớ, dây sạc…

 Tác giả phỏng vấn các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại đảo Trường Sa.

Tác giả phỏng vấn các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại đảo Trường Sa.

Suốt hải trình, thời tiết bất thường, luôn có sóng to, gió lớn. Mặc dù tải trọng lớn song với sức gió khoảng cấp 6, con tàu vẫn rung lắc mạnh, nghiêng ngả. Nhiều đồ vật trong các buồng nghỉ bị rơi, va loảng xoảng. Tôi nằm trên tầng 3 (giường tầng), người luôn bị lật trái, lật phải trước những đợt sóng dữ, đầu óc quay cuồng. Hai ngày đầu ở trên tàu, dù đã uống thuốc chống say song hầu hết phóng viên trong đoàn bị say sóng, nằm một chỗ, nhiều người bỏ cơm.

Mọi người được các bác sĩ, sĩ quan của tàu đến tận nơi hỏi thăm, động viên, chăm sóc, cho uống thuốc, bổ sung nước điện giải. Tôi nhớ như in hình ảnh phóng viên Đoan Trang (Tạp chí Sông Lam, quê Nghệ An), hai ngày trên tàu hầu như không ăn uống gì, nằm li bì được phóng viên Quỳnh Anh (Báo Thừa Thiên Huế) bón cho từng thìa cháo để lấy sức. Phóng viên Hoàng Lê (Báo điện tử VOV) dành những viên thuốc chống say cuối cùng của mình cho phóng viên Phương Hoa (Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Ninh), Lương Hạnh (Báo Thái Nguyên).

Trong hành trình tác nghiệp, đoàn phóng viên cũng luôn phải đối mặt với nhiều hiểm nguy. Mỗi lần ra vào các đảo, ngoại trừ đảo Trường Sa, chúng tôi đều phải đi xuồng nhỏ. Những cơn sóng to khiến xuồng chao đảo, nguy cơ bị lật có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Trong số các đảo, điểm đảo, An Bang là đảo ra vào khó khăn nhất, xung quanh là những đảo đá san hô sắc nhọn. Tàu quân y 561 neo cách đảo An Bang gần 1 hải lý. Chiếc xuồng bé nhỏ như chiếc lá, tiếp cận tàu trong những cơn sóng dồn dập. Sóng chồm lên, rồi lại ép xuống như muốn nhấn chìm chiếc xuồng xuống biển.

Để vào đảo An Bang, xuồng của đoàn công tác được kéo bởi một xuồng máy khác. Chiếc xuồng này kéo đến gần bãi cát thì đột ngột rẽ để xuồng chở đoàn công tác lao vào bờ theo quán tính. Đây là đặc điểm riêng chỉ có ở An Bang vì không có âu tàu, lối lên duy nhất là bãi cát. Khi xuồng vào gần bãi cát, thủy thủ ném dây thừng về phía đảo, các chiến sĩ trên đảo lao tới, túm chặt lấy dây rồi dùng sức kéo vào phía bờ. Hơn nửa tiếng để cập bến, vượt qua thử thách, đoàn phóng viên "thở phào" khi nhìn thấy những nụ cười chào đón của các chiến sĩ trên đảo.

Ghi lại khoảnh khắc đáng nhớ

Trong số 8 đảo, điểm đảo chúng tôi đặt chân tới, Trường Sa là đảo mà đoàn phóng viên dừng chân lâu nhất. Do phần lớn lần đầu tiên tác nghiệp tại đảo, nhất là vào dịp Tết nên ai cũng háo hức, mong chờ. Lịch tác nghiệp được đoàn công tác và cán bộ đảo sắp xếp, bố trí chu đáo, khoa học theo các khung giờ trong ngày. Rất nhiều chủ đề được phóng viên khai thác thông qua các buổi ghi hình, phỏng vấn, tham quan thực tế, tìm hiểu thông tin như: Xây dựng Đảng; công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, khám chữa bệnh, dạy và học, xanh hóa Trường Sa; cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ, người dân trên đảo; hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển; đón Tết ở Trường Sa…

Để tận dụng tối đa thời gian cũng như lưu lại những khoảnh khắc quý giá, tránh chồng chéo, chúng tôi họp chia nhóm, hỗ trợ nhau về tư liệu, hình ảnh. Nếu phóng viên nào đó không kịp ghi lại được khuôn hình, chụp được bức ảnh như mong muốn hoặc khai thác thông tin còn thiếu, mọi người sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ. Không khí tác nghiệp của phóng viên khẩn trương, sôi nổi. Mỗi cán bộ, sĩ quan, chiến sĩ, bác sĩ, thầy giáo, người dân... mà chúng tôi gặp gỡ, tiếp xúc tại Trường Sa đều để lại ấn tượng tốt đẹp với nhiều chi tiết hay, câu chuyện cảm động cuốn hút phóng viên. Mặc dù ở xa đất liền, quanh năm sóng gió, thời tiết khắc nghiệt; sống xa gia đình, người thân nhưng mọi người đều toát lên vẻ lạc quan, yêu đời, tình yêu với biển đảo, coi đảo là nhà, biển cả là quê hương. Tình quân dân ở đây luôn keo sơn, thắm thiết.

 Buổi tuần tra của các chiến sĩ đảo Trường Sa.

Buổi tuần tra của các chiến sĩ đảo Trường Sa.

Trung tá Phạm Tiến Điệp, Chính trị viên đảo Trường Sa chia sẻ: "Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng với ý chí quyết tâm của toàn quân, toàn dân, đảo Trường Sa ngày càng phát triển. Trên đảo có nhiều cây xanh, hệ thống điện gió, điện năng lượng mặt trời. Các doanh trại được xây dựng chính quy, hiện đại. Đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân từng bước được nâng cao. Hệ thống cáp truyền hình, sóng điện thoại bao phủ giúp bà con kết nối gần hơn với đất liền".

Xúc động nhất là khoảnh khắc chúng tôi tác nghiệp về lễ chào cờ ở đảo Trường Sa. Hàng ngũ chỉnh tề, quân và dân trên đảo hát vang bài Quốc ca hòa trong tiếng sóng biển, lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên cột mốc chủ quyền. Trong giây phút trang trọng, thiêng liêng, 10 lời thề danh dự, 12 điều kỷ luật của Quân đội nhân dân Việt Nam được sĩ quan của đảo đọc dõng dạc, đanh thép. Các khối diễu hành lần lượt tiến qua lễ đài trong tiếng nhạc duyệt binh hùng tráng, đầy kiêu hãnh, tự hào.

Lắng đọng nhiều cảm xúc

Mỗi lần đến các đảo, tôi đều cố gắng hỏi đoàn công tác xem có sĩ quan, chiến sĩ nào là người Bắc Giang không để gặp gỡ, hỏi thăm, viết bài. Thật may mắn, ở đảo Trường Sa, tôi gặp được một số đồng hương Bắc Giang. Dù lần đầu gặp gỡ nhưng tôi và các sĩ quan, chiến sĩ vui mừng khôn xiết. Những câu chuyện về biển đảo, quê hương được mọi người dốc bầu tâm sự. Những ngày ở trên các đảo, chúng tôi thường đến nhà dân chơi, hỏi thăm đời sống, sinh hoạt; được các gia đình mời ăn cơm, tặng nhiều kỷ vật (ốc, san hô, bàng vuông) làm quà.

Đoàn phóng viên thường xuyên giao lưu văn hóa, văn nghệ với cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo, được thưởng thức chương trình văn nghệ do các đảo tổ chức. Những ca khúc ca ngợi biển đảo quê hương, tình quân dân, tình yêu Tổ quốc luôn cất lên, xua tan nỗi nhớ nhà, tiếp thêm niềm tin, sức mạnh để các chiến sĩ thêm vững tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Tôi nhớ hôm ở đảo Đá Tây A, đơn vị tổ chức đêm giao lưu văn nghệ giữa cán bộ, chiến sĩ, phóng viên và người dân. Trời đầy sao, sóng biển rì rào, cột mốc chủ quyền là sân khấu biểu diễn.

Đêm đó, tôi hát ca khúc “Tổ quốc gọi tên mình” - một sáng tác nổi tiếng về biển đảo của nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn. Dù đã cố giữ bình tĩnh song khi hát, trong lòng trào dâng cảm xúc, tôi vẫn không khỏi nghẹn ngào. Tôi được MC dẫn chương trình tặng cành bàng vuông nhỏ, phỏng vấn ngắn về cảm xúc khi hát bài hát này. Còn nữa, mỗi khi rời đảo, các đơn vị đều tổ chức tiễn đoàn công tác với những cái ôm, bắt tay ấm nồng và cả những giọt nước mắt lưu luyến khi còi tàu ngân vang. Đó là những kỷ niệm, hình ảnh đáng nhớ mà tôi không thể nào quên.

Hành trình gần 20 ngày trên biển và các đảo không dài song cũng đủ để tôi và các đồng nghiệp phần nào cảm nhận được những gian khổ, hy sinh của những chiến sĩ nơi biển đảo xa xôi. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, các anh vẫn luôn vững vàng ý chí, son sắt niềm tin để thực hiện nghĩa vụ cao cả, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Trở về đất liền, mỗi khi xem lại những bức ảnh, video về Trường Sa, trong lòng tôi lại trào dâng cảm xúc, bao kỷ niệm thân thương ùa về. Đó cũng là nguồn cảm hứng, thôi thúc từ tiếng lòng để tôi gửi gắm tâm tư, tình cảm của mình trong mỗi bài viết về Trường Sa.

Bài, ảnh: Công Doanh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/tac-nghiep-o-truong-sa-081026.bbg