Tác nghiệp trên sóng Trường Sa: Nước mắt và nụ cười

Thời gian chuyến tác nghiệp tại quần đảo Trường Sa là 18 ngày, nhưng với tôi, cảm xúc trong trái tim mãi đầy theo năm tháng, khi đã được 'chạm' vào thiêng liêng tiếng sóng; rưng rưng ngước lên Quốc kỳ hiên ngang tung bay, in vào sóng bóng hình đất nước; mang theo hình ảnh người lính kiên cường giữa trùng khơi, cất lên giọng hát hào hùng: 'Tiếng Tổ quốc vọng về từ biển cả…'

 Ca nô trung chuyển thành viên của đoàn công tác vào điểm đảo. Ảnh: Đăng Khoa

Ca nô trung chuyển thành viên của đoàn công tác vào điểm đảo. Ảnh: Đăng Khoa

Trước tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, tôi “nhận lệnh” cùng đoàn công tác Vùng 4 Hải quân (thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) và gần 100 phóng viên báo, đài trên mọi miền đất nước ra thăm, chúc tết, trao tình cảm đất liền đến cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân đang sinh sống, thực hiện nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa. Chưa bao giờ rộn ràng, hân hoan đến thế, bởi trong trái tim tôi luôn dành cho Trường Sa một tình yêu đặc biệt. Được đến tác nghiệp tại vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, niềm mơ ước được một lần đặt chân đến của triệu triệu người dân Việt, là niềm vinh dự, tự hào.

 Tác giả phỏng vấn thuyền trưởng tàu 561 (con tàu đưa đoàn công tác và phóng viên ra quần đảo Trường Sa), trên buồng lái

Tác giả phỏng vấn thuyền trưởng tàu 561 (con tàu đưa đoàn công tác và phóng viên ra quần đảo Trường Sa), trên buồng lái

Nhưng bên cạnh niềm vui, trong lòng tôi cũng “miên man” nỗi lo lắng trước những “cảnh báo”, đường đến Trường Sa xa xôi, mùa này sóng to gió lớn, thường có giông tố bất ngờ. Tôi sợ những cơn say vật vã, càng sợ bất trắc. Đã có đồng nghiệp tại Thừa Thiên Huế và một số các tỉnh, thành gặp nạn khi tác nghiệp trong thiên tai, không thể trở về. Nhưng nghề làm báo đã chọn tôi và tôi đã dành cho nghề tình yêu, niềm đam mê, tâm huyết, thì nhất định không lùi bước. Quyết định ký hợp đồng, mua gói bảo hiểm nhân thọ, coi như cũng phần nào lo cho con gái ở nhà, phòng khi bất trắc, tôi yên tâm xách ba lô lên, bước vào chuyến tác nghiệp “để đời” đối với người cầm bút.

 Đảo An Bang quanh năm sóng dữ, công tác vào, ra đảo khó khăn, nguy hiểm

Đảo An Bang quanh năm sóng dữ, công tác vào, ra đảo khó khăn, nguy hiểm

Sau nghi lễ chào bến cảng nghiêm trang, xúc động, tàu 561 Vùng 4 Hải quân, chở đoàn công tác, phóng viên và cán bộ, chiến sĩ ra nhận nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa rẽ sóng ra khơi. Muốn tận dụng mỗi phút mỗi giây quý giá, tôi tìm gặp Đại tá Lê Đình Hải, Phó Lữ đoàn trưởng, Lữ đoàn 146, Trưởng đoàn công tác, xin phỏng vấn. Anh Hải bảo: “Bây giờ em nên về phòng, nằm yên trên giường, nghỉ ngơi cho thật tốt”. Giọng nói dứt khoát, khiến người đối diện đành “tuân lệnh”.

Chưa bỏ cuộc, tôi tìm đến khu vực đảo Trường Sa (cán bộ, chiến sĩ ra các đảo nhận nhiệm vụ, được bố trí ở từng khu vực theo mỗi tầng khác nhau trên tàu). Giữa lúc đang lắng nghe chia sẻ từ Trung tá Trần Quang Phú, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa, tôi hoa mắt chóng mặt, ruột gan cuộn lên những cơn cồn cào. Cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ dìu trở lại phòng B8, nơi tôi được xếp ở cùng bốn nữ phóng viên khác. Sau khi “lao” vào phòng vệ sinh nôn thốc nôn tháo, “định thần” lại, tôi nhận ra không khí trong phòng “lặng như tờ”, bởi tất cả đồng nghiệp đều đã “say bí tỉ”. Bây giờ mới hiểu, vì sao trưởng đoàn công tác nhất quyết khuyên tôi về phòng nằm im trên giường.

 Dầm mình trong sóng kéo xuồng cập đảo

Dầm mình trong sóng kéo xuồng cập đảo

Nhưng nằm im cũng “không yên” với sóng gió cấp 8 - 9. Sóng xô ngang quăng quật con tàu, khiến “bệnh” say sóng không chỉ “hoành hành” phóng viên, mà “lây lan” đến nhiều cán bộ, chiến sĩ. Hết trưa lại chiều, những bữa cơm tại phòng ăn vắng tênh. Nhà bếp lại lọ mọ nấu cháo mang đến tận phòng ở. Trong phòng tôi, nhà báo Phan Thị Trang Đoan (Tạp chí Sông Lam, Nghệ An) và nhà báo Trần Thị Phương Hoa (Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh Bắc Ninh) say nặng nhất. Những trận nôn khiến Hoa kiệt sức, không làm chủ được, ướt đẫm cả quần áo. Đoan thì được y, bác sĩ trên tàu đến trực tiếp chăm sóc. Có hôm, từ sáng đến tối muộn, không người nào ra khỏi giường; không mở mắt, nhưng vẫn biết, chốc chốc cửa phòng lại được khẽ khàng mở ra. Những người lính hải quân đặt nhẹ trên sàn lúc gói cơm cháy, khi dĩa củ đậu, các loại thức ăn khiến cơn say dịu lại...

 Phóng viên cùng đoàn công tác Vùng 4 Hải quân trước cột mốc chủ quyền đảo Đá Tây A

Phóng viên cùng đoàn công tác Vùng 4 Hải quân trước cột mốc chủ quyền đảo Đá Tây A

Say sóng “chết đi sống lại”, nhưng mỗi khi nghe hệ thống phát thanh trên tàu thông báo chuẩn bị lên đảo, tất cả phóng viên lại tràn đầy sức sống, cười tươi rói, bật dậy nhanh nhẹn chuẩn bị lên đảo. Trong hành trình 18 ngày đến các hòn đảo, chỉ đảo Trường Sa có cầu cảng đảm bảo, để cập trực tiếp; những đảo khác, tàu 561 phải neo giữa biển, hạ ca nô, xuồng nhỏ để di chuyển người, quà tết. Có một số hòn đảo quanh năm sóng dữ, thời tiết lúc đó lại không thuận lợi, công tác cập đảo tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Để đảm bảo an toàn, đoàn công tác chỉ thu xếp cho 1/3 hoặc 1/2 số lượng phóng viên lên đảo (tính toán thời gian thủy triều lên xuống để đưa được bao nhiêu chuyến ca nô vào ra đảo “trót lọt”).

Vậy nên có quy định, đối với những đảo khó, phóng viên nào đã được vào đảo này, thì đảo kế tiếp ở lại tàu. Đến Đá Đông C, đang buồn xo vì nghĩ tới lượt “ở nhà”, tôi tròn mắt nghe tên mình và các đồng nghiệp phòng B8 được xướng trên hệ thống loa phát thanh, thông báo chuẩn bị lên đảo. Nhà báo Phương Hoa tủm tỉm: “Em tìm gặp riêng trưởng đoàn, năn nỉ xin cho cả phòng mình”.

Thì ra vậy. Nữ nhà báo từng “chết đi sống lại” vì say sóng, cũng từng sợ hãi đến run người trước những cơn sóng dữ trùm qua xuồng, nhưng lại “đi cửa sau” để “xin xỏ” được lên đảo, dù điều đó đồng nghĩa với tiếp tục đối mặt sóng gió, nguy hiểm. Xúc động đến lặng người, chúng tôi nhìn nhau không nói, nhưng ai cũng hiểu, được đặt chân lên những hòn đảo hiên ngang giữa trùng khơi, được gặp gỡ những cán bộ, chiến sĩ kiên cường trước phong ba nơi đầu sóng, vững chắc tay súng, ngày đêm giữ gìn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, là sức mạnh chiến thắng mọi sự yếu mềm, sợ hãi. Để người cầm bút thực hiện những bài báo, phóng sự thấm đẫm hơi thở cuộc sống hào hùng từ biển, đảo tiền tiêu.

Tôi nhận ra đồng nghiệp của mình, lúc say sóng vật vã: Không khóc. Hoang mang khi giông gió bất chợt nổi lên tưởng chừng “nuốt” chiếc ca nô nhỏ bé: Vẫn không khóc. Nhưng trong buổi chào cờ đầu năm trên đảo Trường Sa, đảo Song Tử Tây, đảo Cô Lin…, những giọt nước mắt đã rơi, khi ngước lên Quốc kỳ hiên ngang tung bay, in vào sóng bóng hình đất nước. Nước mắt nhạt nhòa khi “chạm” tiếng sóng hòa cùng tiếng hồn thiêng; khi kính cẩn thả Quốc kỳ, hoa tươi và hạc giấy trên sóng, trước vùng biển Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma, tại lễ tưởng niệm 64 Anh hùng liệt sĩ Gạc Ma, trong trận chiến chống quân xâm lược năm 1988.

Người lính hải quân mặt sạm đen bồng súng đứng gác dưới cái nắng gay gắt trên đảo Đá Đông B, với khẳng định trong ca trực “không thể một giây một phút buông súng xuống”, dù chỉ để nhận chiếc khăn rằn mà nhà báo Phí Hoàng Lê (Báo điện tử VOV) trao tặng, cũng đã lấy rất nhiều nước mắt yêu thương, kính phục. Sau chuyến tác nghiệp tại quần đảo Trường Sa, nhà báo Phan Thị Trang Đoan đã viết: Đây là hành trình đầy nụ cười và nước mắt. Nụ cười của niềm vui và nước mắt của hạnh phúc lớn lao, nhận ra Tổ quốc mình đẹp đến thế, hùng vĩ đến thế. Những người lính trung kiên và nghĩa tình đến thế.

Trước hình ảnh trong lúc những đợt sóng dữ “bao vây” chiếc ca nô nhỏ bé đang đưa phóng viên từ đảo về lại tàu, Thượng tá Dương Chí Nguyện, Phó Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân, cất tiếng hát: “Tôi đang nghe Tổ quốc gọi tên mình/ Bằng tiếng sóng Trường Sa Hoàng Sa/ Dội vào ghềnh đá/ Tiếng Tổ quốc vọng về từ biển cả…”, xóa tan nỗi lo sợ, thắp lên niềm tin, vững lòng, tin rằng khi tác nghiệp tại Trường Sa, có lúc chẳng cần sổ, bút, máy ghi âm, máy ảnh, bởi có những “tư liệu” được chuyển tải từ trái tim đến trái tim.

Quỳnh Anh

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/tac-nghiep-tren-song-truong-sa-nuoc-mat-va-nu-cuoi-142158.html