Tác phẩm sân khấu 'Khát vọng ngày mai': Dung dị tình yêu Tổ quốc

Dựng kịch về đề tài cách mạng và gắn kết gần gũi với cuộc sống, vở diễn đã thu hút người xem

Tối 29-12, vở kịch "Khát vọng ngày mai" (đã được trao giải A cuộc vận động sáng tác với chủ đề "Mãi mãi một tình yêu" của tác giả Trần Văn Hưng, đạo diễn - NSND Trần Minh Ngọc) do các nghệ sĩ Sân khấu Kịch Trịnh Kim Chi biểu diễn đã ra mắt công chúng tại sân khấu Nhà Thiếu nhi TP HCM.

Hướng tới tương lai tốt đẹp

NSND Trần Minh Ngọc phấn khởi khi đón nhận đứa con tinh thần của tác giả Trần Văn Hưng, vì kịch bản nói về công trình xây dựng tuyến metro của TP HCM. Sau khi đã trao đổi, sửa chữa, cập nhật những thông tin mới nhất về đời sống, sinh hoạt của đội ngũ công nhân, kỹ sư và cả những ghi nhận về góc nhìn của người dân đối với công trình mang tính biểu tượng của thành phố mang tên Bác, vở diễn đã được ra mắt với dàn diễn viên chắc tay nghề. Nhạc sĩ - NSND Hồ Văn Thành là người sáng tác âm nhạc đã viết nhiều ca khúc thật xúc động hỗ trợ đắc lực cho diễn xuất của diễn viên.

Điều khiến khán giả thích thú là đạo diễn đã dàn dựng vở kịch cách mạng thật trẻ trung, thật đời để các bạn trẻ có thể thấy được chính mình trong những tấm gương của người chiến sĩ cách mạng đi trước. Câu chuyện kể về những người cách mạng đã từng sát cánh bên nhau trong chiến đấu, trong đó có chiến sĩ Nguyễn Minh Hòa - nhà khoa học, vừa chiến đấu cùng đồng đội vừa tìm mọi cách liên kết với nhà khoa học người Mỹ nghiên cứu về hệ thống giao thông của TP HCM.

Một cảnh trong vở kịch“Khát vọng ngày mai”

Một cảnh trong vở kịch“Khát vọng ngày mai”

Nhân vật Nguyễn Minh Hòa khát khao xây dựng TP HCM thành một đô thị đáng sống. Từ ước mơ đó, những đồng đội của ông đã cố gắng thực hiện, trong đó có Tư Lê, Trưởng Ban Quản lý công trình xây dựng tuyến metro của thành phố, đã tiếp sức để đội ngũ kỹ sư trẻ, trong đó có con gái của chiến sĩ Nguyễn Minh Hòa sau khi du học quay về cống hiến cho đất nước. Kịch về đề tài chiến tranh cách mạng được lồng ghép thật sinh động với hơi thở thời đại, với tư tưởng xóa bỏ hận thù trong quá khứ, hướng tới tương lai tốt đẹp nên đã chinh phục người xem.

Với thế hệ diễn viên trẻ tham gia vở diễn, khi chiến tranh đã lùi xa thì không phải ai cũng có thể hiểu về đề tài chiến tranh cách mạng. Nhưng qua cách dàn dựng, gửi gắm nhiều điều trăn trở vào tác phẩm của bậc thầy dàn dựng như NSND Trần Minh Ngọc, ông đã giúp dàn diễn viên hòa mình vào câu chuyện kịch được kể mạch lạc, đan xen giữa quá khứ, hiện tại và có cả hình ảnh rất đời từ nhịp sống hối hả của thành phố, từ niềm tin yêu của người dân đối với công trình trọng điểm của thành phố.

Gần gũi với đời sống

Điều đáng ghi nhận là ê-kíp thực hiện đã rất khéo léo, tinh tế khi không dùng ngôn từ quá chuyên sâu, khô khan về chính trị, mà mạch kịch cứ len lỏi vào trong cảm xúc khán giả, trong không gian thật trẻ và gần gũi với đời sống. "Tôi muốn để chính các bạn trẻ có thể thấy được mình trong những tấm gương của người đi trước. Mỗi công trình xây dựng đều mang tâm huyết làm cho thành phố giàu đẹp, nghĩa tình" - NSND Trần Minh Ngọc bày tỏ.

Trong "Khát vọng ngày mai", những tình cảm riêng - chung của những người chiến sĩ cộng sản đã được thể hiện tinh tế. Dấu ấn đẹp thuộc về vai diễn của NSND Trịnh Kim Chi, mẹ của liệt sĩ Nguyễn Minh Hòa, nhân vật đại diện cho những người dân sẵn sàng hy sinh tất cả để bảo vệ tự do, độc lập và ngay trong thời bình, khi tuyến metro được xây dựng đi ngang căn nhà, bà đã chấp nhận di dời, chỉ xin bứng gốc vú sữa mà thời chiến tranh, những quả ngọt trên cành đã từng giúp các chiến sĩ cách mạng vượt qua cơn đói khi bà che giấu họ dưới căn hầm bí mật của gia đình.

Ở đó còn có cô kỹ sư Linda, anh chàng Nghĩa chạy xe ôm - đại diện cho những người dân khát khao xây dựng thành phố ngày càng phồn thịnh.

Thủ pháp dàn dựng của NSND Trần Minh Ngọc đã hòa quyện nên những cảm xúc giản dị, chân thật, sâu sắc và không kém phần hào hùng. Tất cả nói lên thông điệp: Dù khó nhọc đến mấy, những chiến sĩ cách mạng vẫn son sắt một niềm tin vào Đảng, trước họng súng quân thù vẫn hiên ngang ngẩng cao đầu tin vào thắng lợi vẻ vang của cách mạng và trong thời bình, họ đương đầu với nhiều thử thách nhưng vẫn quyết tâm xây dựng đất nước vững mạnh, tự cường.

Vở kịch còn nhấn mạnh thông điệp rất ý nghĩa, đó là thời nào cũng có những người trẻ và những người trẻ yêu nước bằng cách này hay cách khác - dẫu ở xa quê nhà nhưng vẫn khao khát được cống hiến, tận lực vì đời sống cộng đồng tươi đẹp của một thành phố văn minh.

NSND Trịnh Kim Chi bộc bạch: "Sân khấu Kịch Trịnh Kim Chi được Liên hiệp Các hội văn học - nghệ thuật TP HCM và Hội Sân khấu TP HCM tín nhiệm giao trọng trách thực hiện tác phẩm "Khát vọng ngày mai" nhằm thông tin, tuyên truyền cho thông điệp cùng chung tay xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Với ý nghĩa đặc biệt của vở diễn nên các diễn viên như: Trung Dũng, Vân Anh, Phương Bình, Thụy Mười, Nam Cường, Trọng Hiếu... đã chắt lọc từ trái tim và khối óc làm nên những vai diễn xuất thần".

Bài và ảnh: THANH HIỆP

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tac-pham-san-khau-khat-vong-ngay-mai-dung-di-tinh-yeu-to-quoc-196231229211519255.htm