Tác phẩm tham dự giải báo chí Búa Liềm vàng lần thứ IX-2024: Tập trung phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, lợi thế (kỳ 1)
Thực hiện 'Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030' được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1755/QĐ-TTg, ngày 8/9/2016, những năm qua, tỉnh Nam Định đã đẩy mạnh triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm khai thác giá trị kinh tế của các ngành CNVH có tiềm năng của tỉnh, phù hợp với thực tiễn và xu thế xã hội. Chú trọng phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy sáng tạo, đổi mới; ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại để tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần ngày càng cao của nhân dân, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Kỳ I:
Nghệ thuật truyền thống - Nguồn nội lực phong phú
để phát triển công nghiệp văn hóa
Phát triển CNVH là một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 của BCH Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đề ra, thể hiện tư duy đột phá của Đảng ta trong lãnh đạo sự nghiệp phát triển văn hóa của đất nước. Tại Nam Định, việc ưu tiên phát triển các ngành CNVH đi đôi với hoàn thiện thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm nhằm quán triệt, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chiến lược “Phát triển các ngành CNVH Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Tỉnh ủy đã ban hành Kết luận số 75-KL/TU ngày 14/12/2021 tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 9/6/2016 của Tỉnh ủy về “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh” đã cho thấy ý nghĩa, tầm quan trọng của văn hóa và minh chứng cho sự coi trọng văn hóa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh.
Trong 12 ngành CNVH được Chính phủ xác định, có nghệ thuật biểu diễn truyền thống và hiện đại - đây là một trong những ngành CNVH có nhiều lợi thế được tỉnh xác định để khai thác, phát triển. Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn chú trọng quán triệt đến toàn thể cán bộ lãnh đạo các cấp trong tỉnh về vai trò, trách nhiệm, tinh thần tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa phát triển văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội; trong đó việc gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống qua các loại hình nghệ thuật biểu diễn được chú trọng thực hiện với các kế hoạch, giải pháp cụ thể. Các cấp ủy đảng đã làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển văn hóa, nghệ thuật; chú trọng chỉ đạo, quản lý và tổ chức các vệt đợt hoạt động văn hóa, văn nghệ “mừng Đảng - mừng Xuân”, phục vụ các nhiệm vụ chính trị, các sự kiện trọng đại của đất nước, của tỉnh. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trong lễ hội, ngày hội văn hóa - thể thao truyền thống ở các địa phương… đều đảm bảo an toàn, thiết thực, hiệu quả, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa và thuần phong mỹ tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc.
Tỉnh thường xuyên chỉ đạo rà soát và tổ chức thực hiện hiệu quả chính sách, cơ chế khuyến khích, đãi ngộ đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, nghệ nhân dân gian và các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, nhằm phát huy tài năng, năng lực sáng tác, quảng bá văn hóa, nghệ thuật, truyền dạy di sản trong cộng đồng; đồng thời phát triển sâu rộng phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Đặc biệt chú trọng việc phát hiện, lập hồ sơ đề cử phong tặng các danh hiệu Nhà nước cho những nghệ nhân dân gian hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật nhằm động viên, cổ vũ những người có kiến thức, năng lực, tâm huyết với việc bảo tồn, lưu giữ và phát triển văn hóa, nghệ thuật truyền thống. Đến nay, tỉnh có 1 Nghệ nhân Nhân dân, 12 Nghệ nhân Ưu tú thuộc lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể (văn nghệ dân gian, thực hành tín ngưỡng). Trong xây dựng đời sống văn hóa ở các địa phương trong tỉnh, các nghệ nhân tiếp tục khẳng định vai trò của mình trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, phổ biến, trao truyền tới người dân, nhất là thế hệ trẻ, về lòng tự hào, trách nhiệm chung tay gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, địa phương.
Trong “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Nam Định đến năm 2020, tầm nhìn 2030” đã nhấn mạnh đến việc khai thác, phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống nhằm tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo thu hút du khách; đồng thời là giải pháp giúp người dân tham gia làm du lịch vừa có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống vừa bảo vệ, gìn giữ di sản văn hóa truyền thống. Từ đó, hình thành tiềm năng phát triển bền vững đối với các loại hình nghệ thuật biểu diễn, đặc biệt là nghệ thuật truyền thống, góp phần phát triển công nghiệp văn hóa của tỉnh. Xét về khả năng giao lưu văn hóa nghệ thuật truyền thống với các nước trong khu vực, không thể không nói đến Chèo - nghệ thuật sân khấu truyền thống, là “đặc sản” văn hóa và là thế mạnh của Nam Định tại các cuộc thi sân khấu nghệ thuật từ quần chúng đến chuyên nghiệp. Nhằm tôn vinh, bảo tồn và phát huy nghệ thuật trình diễn dân gian tiêu biểu của dân tộc, tăng cường quảng bá đến công chúng yêu nghệ thuật sân khấu truyền thống trên thế giới, Chính phủ đã đồng ý chủ trương đề nghị UNESCO công nhận ghi danh loại hình nghệ thuật này là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại. Từ năm 2021 đến nay, tỉnh Nam Định đã tích cực phối hợp cùng tỉnh Thái Bình và 12 địa phương khác có nghệ thuật Chèo trong vùng đồng bằng sông Hồng xây dựng hồ sơ đệ trình đưa nghệ thuật Chèo vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Qua đó, mở ra cơ hội trong tương lai sẽ thu hút nhiều khách quốc tế đến thưởng thức, nghiên cứu, tìm hiểu nghệ thuật Chèo tại địa phương, góp phần tăng cường giao lưu văn hóa địa phương với thế giới.
Hiện nay, tỉnh có 2 đơn vị sự nghiệp văn hóa, nghệ thuật thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch gồm: Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh và Triển lãm tỉnh và Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh. Các đơn vị luôn thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, tổ chức sáng tác, dàn dựng nhiều vở diễn, chương trình, tiết mục nghệ thuật chất lượng cả về nội dung và hình thức phục vụ nhiệm vụ chính trị, nhân dịp lễ, tết, chào mừng kỷ niệm các sự kiện lớn của tỉnh và đất nước. Thực hiện nhiệm vụ về “Bảo tồn, phát huy nghệ thuật truyền thống dân tộc kết hợp với các loại hình nghệ thuật đương đại, tạo ra nhiều tác phẩm chất lượng cao, thể hiện được tính sáng tạo, độc đáo của nghệ thuật truyền thống” tại Quyết định số 1755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh xác định nghệ thuật Chèo có vai trò chủ chốt trong việc bảo tồn, phát huy nghệ thuật truyền thống của tỉnh thông qua việc sưu tầm, sáng tác và dàn dựng các vở diễn, trích đoạn chèo cổ, đặc biệt là nghệ thuật diễn xướng tâm linh - hát Chầu văn. Từ năm 2019, Nhà hát đã phối hợp các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực du lịch, ẩm thực trong và ngoài tỉnh tổ chức biểu diễn các vở diễn, trích đoạn kết hợp với tham quan du lịch, góp phần giới thiệu, quảng bá đến du khách trong nước và nước ngoài về truyền thống văn hóa của mảnh đất và con người Nam Định.
Những năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ phục vụ nhiệm vụ chính trị, kỷ niệm các ngày lễ lớn được thực hiện với nội dung và hình thức ngày càng đổi mới, đa dạng, chất lượng nghệ thuật được nâng cao. Công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật tiếp tục được tăng cường, thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị định số 144/NĐ-CP, ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn và các văn bản có liên quan. Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh đã đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo diễn viên, dàn dựng thành công nhiều vở diễn, chương trình nghệ thuật sâu sắc, chất lượng cao phục vụ khán giả trong, ngoài tỉnh; tham gia dàn dựng các tiểu phẩm, trích đoạn có nội dung tuyên truyền về các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của đất nước, của tỉnh góp phần đưa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đi vào đời sống thông qua hoạt động văn hóa nghệ thuật, giúp người dân dễ tiếp nhận, thấm nhuần và tự giác thực hành, xây dựng đời sống, môi trường văn hóa lành mạnh. Các vở diễn đều hướng tới tôn vinh, đề cao chuẩn mực cái đúng, cái tốt đẹp, tích cực, cao thượng, đấu tranh, phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, lạc hậu, chống các quan điểm, hành vi sai trái để từ đó định hướng tư tưởng, bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm, hướng con người đến các giá trị “chân - thiện - mỹ”, lan tỏa các giá trị nhân văn trong cuộc sống.
Phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng trên địa bàn tỉnh không ngừng phát triển sâu rộng. Thông qua công tác quản lý Nhà nước (hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ, tập huấn kiến thức xây dựng và tổ chức hoạt động nhà văn hóa thôn, xóm, tổ dân phố...) và các hoạt động dịch vụ biểu diễn văn hóa nghệ thuật thường xuyên để định hướng hoạt động sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của cộng đồng đảm bảo yêu cầu sinh động, ý nghĩa, phù hợp thuần phong mỹ tục, đáp ứng nhu cầu thưởng thức và sáng tạo văn hóa của cộng đồng. Hiện nay, toàn tỉnh có gần 900 tổ, tốp, đội văn nghệ quần chúng và hơn 60 câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thu hút hơn 3.000 hội viên tham gia, tổ chức hơn 700 buổi hoạt động/năm. Các chương trình liên hoan/hội thi nghệ thuật quần chúng được tổ chức từ cấp tỉnh đến cơ sở, ngày càng nâng cao hiệu quả hoạt động nghệ thuật cho các hạt nhân văn nghệ cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi để các hạt nhân tham gia hội thi, hội diễn cấp tỉnh và khu vực. Đồng thời bảo tồn, khai thác và phát huy vốn cổ các loại hình nghệ thuật truyền thống được lưu giữ, trao truyền trong cộng đồng, thực hiện đúng quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng về vị trí, vai trò của văn hóa: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”. (Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII); hay Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng khẳng định “Làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển, coi con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển” .
(còn nữa), Bài và ảnh: Khánh Dũng
Kỳ II: Khai thác tiềm năng kinh tế của các ngành công nghiệp văn hóa
Kỳ III: Phát triển CNVH góp phần phát huy "sức mạnh mềm" văn hóa, con người Nam Định