Tác phẩm 'Theo dấu chân Người': Bồi dưỡng văn hóa chính trị, đạo đức cho thế hệ trẻ

Chiều 29/8, tại Đại học Sư phạm TPHCM diễn ra buổi tọa đàm giới thiệu tác phẩm 'Theo dấu chân Người' và giao lưu với tác giả GS.TS, nhà văn Trình Quang Phú.

Buổi tọa đàm tại Đại học Sư phạm TPHCM. Ảnh: Nguyễn Ngọc Thiều.

Buổi tọa đàm tại Đại học Sư phạm TPHCM. Ảnh: Nguyễn Ngọc Thiều.

Phát biểu tại tọa đàm, GS, TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường Sư phạm TPHCM cho biết: “Tinh thần của viên chức, giảng viên và sinh viên, học viên Cao học Trường Đại học Sư phạm TPHCM trong những năm qua luôn luôn dõi theo bước chân Người, học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh như là một trong những việc cực kỳ quan trọng”. Ông nhấn mạnh tập thể Trường luôn soi rọi những bài học từ vị lãnh tụ kính yêu.

“Tôi hy vọng hôm nay các bạn học viên cao học, nghiên cứu sinh, các sinh viên và đặc biệt là tân sinh viên, sẽ có những thông tin hữu ích từ buổi trò chuyện này, hiểu được tâm tình của tác giả khi viết tác phẩm, nhớ mãi về 30 năm hành trình của Bác bôn ba ở nước ngoài qua những con số và câu chuyện ấn tượng”, Hiệu trưởng Trường Sư phạm TPHCM chia sẻ.

GS.TS, nhà văn Trình Quang Phú.

GS.TS, nhà văn Trình Quang Phú.

Buổi tọa đàm tại Đại học Sư phạm TPHCM. Ảnh: Nguyễn Ngọc Thiều.

Buổi tọa đàm tại Đại học Sư phạm TPHCM. Ảnh: Nguyễn Ngọc Thiều.

“Sau khi tác phẩm Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng in lần đầu tại Nhà xuất bản Văn học năm 1996, tôi mang sách đến tặng đồng chí Phạm Văn Đồng mà tôi vẫn thường gọi một cách thân thương: chú Tô. Trong cuộc trao đổi thân mật đó, chú Tô dặn tôi: “Cháu nên dành thì giờ nghiên cứu về 30 năm Bác ở nước ngoài. 30 năm tính từ ngày Bác rời Sài Gòn cho đến ngày Bác về nước là một kho tàng rất hấp dẫn đó cháu”. Cũng như vậy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một lần nói chuyện, ông đã nhắc tôi nghiên cứu viết về thời gian Bác ở nước ngoài. Tác phẩm “Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng đã tái bản đến lần thứ 22, nhưng tôi vẫn chưa thực hiện được lời hứa với chú Tô và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Tôi bắt đầu tìm tòi, sưu tập về những tháng năm Bác ở nước ngoài, đến nay cũng đã một phần tư thế kỷ. Tôi đến Pháp, đến Anh, đến Hoa Kỳ, đến Liên Xô ngày trước và nước Nga ngày nay… Đi, sưu tập, ghi chép rồi đối chiếu… Với tất cả tình cảm cao cả với Bác, với sự thôi thúc của một nhà văn, tôi đã xây dựng nên tập truyện ký Theo dấu chân Người. Hy vọng những trang sách này sẽ giúp người đọc hiểu thêm về 30 năm tìm đường cứu nước của Bác và sẽ yêu quí, sẽ học tập phong cách, ý chí cao cả của Bác kính yêu”, GS.TS, Nhà văn Trình Quang Phú chia sẻ về tác phẩm.

Tại tọa đàm, các đại biểu và sinh viên đã chia sẻ những suy nghĩ, tâm tư tình cảm và ấn tượng sau khi đọc tác phẩm “Theo dấu chân Người” của tác giả Trình Quang Phú.

Được tổ chức trong khuôn viên Trường Đại học Sư phạm TPHCM, buổi tọa đàm và giao lưu với sự góp mặt của đông đảo sinh viên, nhất là tân sinh viên, chính là dịp tăng cường bồi dưỡng văn hóa chính trị cho sinh viên, giáo dục đạo đức thanh niên nhằm chăm lo bồi dưỡng, phát huy sức mạnh của thanh niên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hoài Giang

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/van-hoa-giai-tri/gop-phan-tang-cuong-boi-duong-van-hoa-chinh-tri-cho-the-he-tre_166688.html