Tách vụ án nhằm thực thi hiệu quả chính sách nhân văn

Sáng 23/10, thảo luận về dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên, nhiều đại biểu ủng hộ quan điểm phải tách vụ án có người chưa thành niên phạm tội trong giai đoạn điều tra để giải quyết, nhằm bảo đảm thực thi đầy đủ, hiệu quả các chính sách nhân văn, thân thiện, tiến bộ của dự thảo luật. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến đại biểu đề xuất nên giao thẩm quyền tách vụ án cho các cơ quan có liên quan quyết định.

Cho rằng việc tách vụ án hình sự có người phạm tội là người chưa thành niên là cần thiết, tuy nhiên, các đại biểu cho rằng không nên quy định cứng 100% vụ án này phải được tách ra. Bởi, khi tất cả các vụ việc được tách ra sẽ phát sinh thêm nhiều vụ án, thêm nhiều thủ tục tố tụng không cần thiết và gây lãng phí về nhân lực, thời gian, kinh phí, có thể gây quá tải cho các ngành làm công tác tố tụng. Vì, cùng một vụ án có thể phải mở nhiều phiên tòa khác nhau và người chưa thành niên sẽ phải tham gia vào nhiều quy trình tố tụng.

Chia sẻ một số kinh nghiệm của Quốc tế, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa cho biết, một số quốc gia cũng ko tách vụ án, tuy nhiên với đặc thù của Việt Nam, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu và có quy định về thời gian chuyển tiếp.

Theo báo cáo tiếp thu giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình trước Quốc hội, để thực hiện được đầy đủ các chính sách nhân văn này, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao đều thống nhất việc tách vụ án trong trường hợp vụ án có bị can là người chưa thành niên và người trưởng thành.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chi tiết!

Thùy Linh

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/tach-vu-an-nham-thuc-thi-hieu-qua-chinh-sach-nhan-van-240597.htm