Việt Nam hiện có khoảng 2 triệu người mù lòa và 1/3 trong số đó là những người nghèo không có tiền điều trị mang lại ánh sáng. Trước thực trạng nói trên, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chọn ngày thứ năm tuần thứ hai của tháng 10 hằng năm là Ngày Thị giác thế giới, nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc chăm sóc mắt tốt trên toàn cầu.
Theo Bệnh viện Mắt Trung ương, nước ta hiện có khoảng 2 triệu người mù lòa và 1/3 trong số đó là những người nghèo không có tiền điều trị. Đáng lưu ý, trên 80% người mù ở Việt Nam có thể phòng, chữa được nếu thực hiện các biện pháp phòng chống có hiệu quả.
Các nguyên nhân gây mù chính hiện nay là đục thủy tinh thể (chiếm tới 66%), tiếp đó là các bệnh lý đáy mắt, bệnh glôcôm, tật khúc xạ...
Theo các chuyên gia nhãn khoa, tình hình mù lòa tại Việt Nam qua thập niên gần đây đã có nhiều thay đổi. Các bệnh lý nhiễm trùng có xu hướng giảm, sẹo giác mạc do mắt hột và chấn thương hiếm gặp dần trong khi đục thể thủy tinh, tật khúc xạ, bệnh võng mạc do đái tháo đường lại có xu hướng tăng. Các bệnh mắt do rối loạn dinh dưỡng, chuyển hóa và lối sống công nghiệp cũng ngày càng nhiều lên. Trong đó cận thị, bệnh võng mạc đái tháo đường, thoái hóa hoàng điểm người già( AMD) trở thành những nguy cơ gây mù lòa mới bên cạnh những căn bệnh cũ.
Chương trình VISION 2020 sẽ kết thúc vào cuối năm nay - 2020, theo báo cáo của WHO, ngành nhãn khoa có thể ăn mừng các thành tựu đã có và hướng tới xây dựng một hệ thống chăm sóc mắt bền vững trên phạm vi toàn cầu.