Thực hành tín ngưỡng hầu bóng có những thay đổi lớn vào giai đoạn đô thị hóa đầu thế kỷ XX và sau đó bị 'đóng băng' từ giai đoạn 1954 cho đến những năm 1990. Những mốc then chốt này rất quan trọng trong nghiên cứu và phân tích sự biến thân của thực hành tín ngưỡng, bởi những năm cuối thế kỷ trước được coi là điểm ngắt của 'khuôn vàng thước ngọc' trong nghề hát văn và hầu bóng trước khi thực hành tín ngưỡng bùng nổ vào đầu những năm 2000.
'Phạm Văn Kiêm và trăm năm hầu bóng - nhạc – văn' là câu chuyện lịch sử trăm năm về tín ngưỡng hầu bóng và của nghệ thuật hát văn cùng với người truyền lửa và gìn giữ nó: Phạm Văn Kiêm – Con người được toàn bộ cộng đồng tín đồ theo thờ Tứ phủ ở Hà Nội, Nam Định, và sau này ở thành phố Hồ Chí Minh đều nhất trí công nhận là người cung văn giỏi nhất.
Nhà xuất bản Hội Nhà văn vừa ra mắt cuốn sách 'Phạm Văn Kiêm và trăm năm hầu bóng - nhạc - văn' của tác giả Lê Y Linh, con gái nhạc sĩ Hoàng Vân.
Trong gần 40 năm tác giả đã gặp, đã đàm đạo, đã trao đổi với rất nhiều đồng nghiệp, giáo sư, nhà nghiên cứu, đệ tử, cung văn... để hiểu và viết nên công trình nghiên cứu 'Phạm Văn Kiêm và trăm năm hầu bóng - nhạc - văn'