Việc cảnh sát sử dụng hơi cay có thể kích động bạo lực là vấn đề đã được cảnh báo, nhưng giới chức tại Indonesia lại phớt lờ.
Sự việc xảy ra hôm 1/10 được coi là một trong những thảm kịch kinh hoàng nhất trên sân cỏ, gây ám ảnh cho những người yêu thể thao trên toàn thế giới. Nhưng đây không phải là lần đầu tiên những CĐV quá khích của Indonesia ẩu đả, tấn công lẫn nhau và đe dọa an ninh trận đấu. Vấn đề bạo lực và quản lý lỏng lẻo đã che phủ nền bóng đá nước này từ lâu.
Một số bên liên quan của bóng đá Indonesia phớt lờ rất nhiều cảnh báo về nguy cơ mất kiểm soát an ninh, trước khi xảy ra sự cố trên sân Kanjuruhan, Malang.
Thảm họa chết người tối 1/10 có thể thay đổi thái độ của Chính phủ, lực lượng an ninh và cả người hâm mộ ở môn thể thao được yêu mến bậc nhất xứ sở vạn đảo.
Nạn nhân trong vụ bạo loạn kinh hoàng tăng lên 182 người, trong đó ít nhất 17 trẻ em, đẩy bóng đá Indonesia rơi vào tình trạng lo âu chỉ một năm trước khi tổ chức U20 thế giới.
Trong 28 năm qua, hơn 200 cổ động viên tại Indonesia đã thiệt mạng. Thảm kịch ở Malang Regency một lần nữa cho thấy sự nguy hiểm rình rập trên các sân bóng của nước này.