Bóng đá Indonesia phớt lờ cảnh báo trước bạo loạn
Một số bên liên quan của bóng đá Indonesia phớt lờ rất nhiều cảnh báo về nguy cơ mất kiểm soát an ninh, trước khi xảy ra sự cố trên sân Kanjuruhan, Malang.
Đêm thứ Bảy vừa qua, sau khi trận đấu giữa Arema FC và Persebaya kết thúc, sân vận động Kanjuruhan, Malang (Đông Java) rơi vào cảnh hỗn loạn.
Cảnh sát bắn hơi cay khi nhiều CĐV quá khích, dẫn đến cuộc hỗn loạn và cảnh giẫm đạp khiến ít nhất 125 người thiệt mạng, trong đó bao gồm nhiều trẻ em.
Akmal Marhali, chủ tịch của Save Our Soccer (SOS - tổ chức phi chính phủ được thành lập với mục đích làm tốt đẹp bóng đá Indonesia), chỉ ra rất nhiều sai lầm là nguồn cơn dẫn đến câu chuyện thương tâm.
Theo Akmal Marhali, ban tổ chức sân Kanjuruhan đã vi phạm rất nhiều quy định an ninh, từ thủ thục đến quy trình vận hành tiêu chuẩn (SOP), cũng như các điều luật FIFA.
Một trong những nguyên nhân được Chủ tịch Akmal nhắc đến là phía Ủy ban tổ chức của Arema FC (Panpel) bán vé không theo hướng dẫn của cảnh sát.
Sân Kanjuruhan có sức chứa 38.000 chỗ ngồi và phía an ninh đưa ra chỉ thị Panpel chỉ bán 25.000 vé. Tuy nhiên, có đến 45.000 vé được in.
Điều này khiến sân Kanjuruhan chật cứng người. Akmal nhấn mạnh: "Sân Kanjuruhan vượt quá sức chứa. Số lượng khán giả không tương ứng với sức chứa của sân, dẫn đến tình trạng chen chúc, chen lấn. Đây là một vi phạm thủ tục rất nghiêm trọng".
Thời gian tổ chức trận đấu là một vi phạm khác, khi những người có liên quan phớt lờ đề xuất tổ chức trận đấu vào buổi chiều.
Ban đầu, Cảnh sát Quốc gia cho rằng trận đấu nên bắt đầu lúc 15h30 địa phương. Tuy vậy, các hướng dẫn đã bị bỏ qua và trận đấu giữa Arema Malang với Persebaya Surabaya diễn ra lúc 20h00.
Về điều này, LĐBĐ Indonesia (PSSI) cũng phải chịu trách nhiệm vì không nghe theo tư vấn của SOS.
"Nhiều lần SOS nói rằng PSSI phải điều chỉnh lại lịch thi đấu bóng đá đêm khuya vì nó gây ảnh hưởng lớn đến an ninh, cũng như gây nhiều khó khăn nếu xảy ra những điều không như mong muốn", Akmal cho biết.
Ông Akmal cho biết, cảnh sát cũng vi phạm vấn đề an ninh bằng việc bắn hơi cay trong sân và hướng về khán đài. Điều này trái với điều luật FIFA.
Dù vậy, theo người đứng đầu tổ chức SOS, việc cảnh sát dùng hơi cay cũng là lỗi của PSSI.
"Sơ suất của PSSI khi hợp tác với cảnh sát là không truyền đạt rằng an ninh bóng đá khác với việc kiểm soát các cuộc biểu tình. Vũ khí và hơi cay không được phép sử dụng trong sân".
Akmal Marhali tuyên bố cần phải xử lý mạnh các bên thiếu trách nhiệm dẫn đến sự cố Kanjuruhan. Điều 359 Bộ luật Hình sự Indonesia (KUHP) nêu rõ những sự cố như thế này có thể nhận án tù lên tới 5 năm, hoặc nộp phạt 1 tỷ Rupiah/
Ông Mahfud MD, Bộ trưởng Bộ Điều phối các vấn đề Chính trị, Pháp lý và An ninh, cũng xác nhận những vi phạm như ông Akmal Marhali đề cập.
"Thực ra, từ trước trận đấu, cơ quan chức năng đã lường trước thông qua các đề xuất phối hợp, kỹ thuật trên sân. Ví dụ, trận đấu nên tổ chức vào buổi chiều và cần điều chỉnh số lượng khán giả phù hợp với sức chứa 38.000 người", Bộ trưởng Mahfud MD viết trên trang cá nhân.
"Nhưng những đề xuất này đã không được BTC thực hiện. Trận đấu vẫn được tổ chức vào ban đêm, và lượng vé bán ra quá cao".
Bộ trưởng Mahfud MD cam kết: "Chính phủ lấy làm tiếc về bạo loạn ở Kanjuruhan. Chính phủ sẽ xử lý tốt thảm kịch này".
Sáng nay, thứ Hai 3/10, Chính phủ Indonesia thông báo thành lập một tổ chức tiến hành điều tra toàn diện thảm kịch Kanjuruhan.
Cảnh sát Quốc gia Indonesia cũng cho biết cơ quan này đang điều tra 18 sĩ quan vì bắn hơi cay lên khán đài gây ra cảnh giẫm đạp.