Từ chốn rừng thiêng, trập trùng núi của miền đất huyền ảo, những bài sử thi, dân ca, dân vũ ra đời hòa cùng điệu chiêng, nhịp trống, điệu rơkel, m'buốt... Người Tây Nguyên có thể một mình lang thang đi tìm lời ru nguồn cội, rong chơi tháng ngày trong mùa lữ hành; trong những mùa đi, mùa ở, họ đều cất lên những lời tình tự.
Dòng Đa Nhim khởi nguồn từ cao nguyên Lang Biang, uốn lượn theo chân đồi rồi hợp lưu với dòng Đạ Dâng xuôi về vùng Đông Nam Bộ thành sông Đồng Nai. Dọc con sông ấy là nơi chứng kiến những cuộc gặp gỡ giữa văn hóa các tộc người Chu Ru, Cơ Ho, Tày, Thái, Kinh... cùng dấu ấn những làng nghề thủ công độc đáo.
Người đàn ông Cơ Ho đứng cùng tôi bên mép buôn Đưng K'Nớh trong buổi chiều buốt giá này là Rơông Ha Tin. Chỉ tay lên dãy núi sừng sững trước mặt, anh nói: 'Từ xưa nay, người trong buôn mình biết, đỉnh cao Ỹu Till trên núi Yàng Hău là nơi có rừng thiêng, ở đó có ngọn giáo thần cắm sâu trên tảng đá khổng lồ. Không ai dám leo lên Ỹu Till chặt cây, săn thú. Nếu ai vào đó lấy gì của rừng thiêng thì Yàng sẽ phạt, bắt phải chết đấy...'.
Tôi hỏi: 'Thời bây giờ, vai trò của già làng còn thật sự quan trọng nữa không?'. Ông K'Điệp, một trí thức người Cơ Ho nói rằng: 'Già làng nói - dân làng nghe; già làng hô - dân làng hưởng ứng; già làng làm - dân làng làm theo. Có nghĩa là vai trò của già làng vẫn rất quan trọng, nhất là trong việc hỗ trợ cấp ủy, chính quyền vận động quần chúng…'.
Qua những tháng gió, mùa đi, những bước chân phiêu lãng, phóng khoáng như tiếng trống già làng Tây Nguyên tạm nương náu không gian buôn làng. Bên sườn đồi cha cất lời của núi, bên hiên nhà mẹ hát điệu yal yau, gái trai buông lời lah long tình tự. Cung thanh, cung trầm đong đưa trao gửi, cầu mong và mời gọi.