Bàn đạo hiếu trong mùa Vu Lan

Tháng bảy âm lịch, theo truyền thống Phật giáo còn gọi là tháng Vu Lan, dân gian gọi mùa báo hiếu, ngày lễ chính được tổ chức vào ngày rằm, mang nguồn gốc từ sự tích Bồ tát Mục Kiền Liên (theo kinh Vu Lan bồn của Bắc tông).

Đạo hiếu người Việt

Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, ca dao chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng. Nó diễn tả vô cùng sinh động về đời sống tinh thần, tư tưởng và tình cảm từ mấy ngàn năm nay của người dân Việt Nam trong các mối quan hệ như: Tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương, đất nước, gia đình... Là người Việt chẳng ai lại không hiểu về câu ca dao: 'Cây có cội, nước có nguồn; Con chim có tổ, con người có tông'. Đây là lời khuyên của người xưa với hậu thế rằng, nhờ có gốc bền rễ sâu mà cành lá mới xanh tươi, đơm hoa kết trái. Nhờ có nguồn mà nước ở sông không bao giờ cạn. Con người cũng vậy, phải có tổ tiên, ông bà mới có cha mẹ và con cháu. Vì vậy, đã là con, cháu thì phải biết hiếu kính tổ tiên, ông bà, cha mẹ.