Tại Ấn Độ, Việt Nam tuyên bố tham gia Liên minh cơ sở hạ tầng chống chịu thiên tai (CDRI)

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam - Ấn Độ nhất trí thông qua Tuyên bố chung về tăng cường quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ. Việt Nam cũng quyết định tham gia Liên minh cơ sở hạ tầng chống chịu thiên tai (CDRI)

"Năm hơn" để thúc đẩy quan hệ song phương

Trưa 1/8, sau khi hội đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã chủ trì họp báo về nội dung, kết quả hội đàm.

Qua cuộc hội đàm diễn ra trong không khí chân thành, tin cậy, nồng ấm, cởi mở, thiết thực, hiệu quả, hai nhà lãnh đạo cho biết đã cùng các đại biểu cấp cao của hai nước nhất trí thông qua Tuyên bố chung về tăng cường quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ nhân chuyến thăm, và nhất trí thúc đẩy hợp tác hai nước với phương châm "Năm hơn".

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong cuộc họp báo chung (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong cuộc họp báo chung (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Trước hết là tin cậy chính trị - chiến lược cao hơn, trong đó tăng cường trao đổi và tiếp xúc thường xuyên giữa hai nước trên các kênh Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân, phát huy tối đa hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương và triển khai hiệu quả Chương trình hành động giai đoạn 2024-2028 với trọng tâm là đẩy mạnh toàn diện 11 lĩnh vực hợp tác, gồm cả các lĩnh vực truyền thống, nhưng đặc biệt là các lĩnh vực mới.

Hai bên cũng sẽ hợp tác quốc phòng - an ninh rộng mở hơn, sâu sắc hơn, trong đó có việc triển khai hiệu quả Tuyên bố chung về quan hệ đối tác quốc phòng Việt Nam - Ấn Độ đến năm 2030.

Hai nước thống nhất về tầm nhìn, hành động hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư thực chất và hiệu quả hơn, trong đó nhất trí tăng gấp đôi kim ngạch thương mại và đầu tư hai chiều trong 3-5 năm tới.

Về hợp tác khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, hai bên mong muốn đưa lĩnh vực này trở thành động lực mạnh mẽ hơn, trong đó khai thác tối đa những tiềm năng và lợi thế của hai bên, cũng như cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để thúc đẩy hợp tác về nghiên cứu khoa học, năng lượng nguyên tử, đất hiếm, năng lượng tái tạo, các lĩnh vực công nghệ mới như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây...

Về hợp tác văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân, hai bên thống nhất đẩy mạnh kết nối mật thiết hơn, trong đó tăng cường kết nối về văn hóa, văn minh, lịch sử, tôn giáo giữa hai nước, đưa những giá trị này trở thành nền tảng, tạo động lực, truyền cảm hứng để củng cố tình hữu nghị, giao lưu nhân dân giữa hai nước.

Hai bên cũng nhất trí làm sâu sắc hơn nữa hợp tác khu vực và quốc tế. Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ Chính sách hướng Đông của Ấn Độ và ủng hộ vai trò ngày càng quan trọng của Ấn Độ trong các thể chế hợp tác quan trọng ở khu vực và toàn cầu.

Nhân chuyến thăm này, Việt Nam đã quyết định tham gia Liên minh cơ sở hạ tầng chống chịu thiên tai (CDRI) và khẳng định sớm hoàn tất thủ tục để tham gia Liên minh năng lượng mặt trời quốc tế (ISA) do Ấn Độ đề xướng. Hai bên nhất trí thiết lập Tham vấn về ngoại giao kinh tế cấp thứ trưởng ngoại giao.

Hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông; giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982; nhất trí trao đổi, chia sẻ thông tin và tăng cường hợp tác, cùng phấn đấu đưa Biển Đông thành vùng biển của hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Nhân dịp này, các cơ quan chức năng của hai nước đã ký kết các văn kiện hợp tác quan trọng về quốc phòng, ngoại giao, tư pháp, văn hóa, y tế, nghiên cứu khoa học và đào tạo nguồn nhân lực... và nhiều văn kiện hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư của các doanh nghiệp.

Đột phá đưa quan hệ song phương lên tầm cao mới

Phát biểu tại họp báo, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ cảm xúc gần gũi, chân thành khi tới Ấn Độ.

"Trong gần hai ngày qua, tôi đã được Thủ tướng Narendra Modi và các bạn Ấn Độ đón tiếp hết sức chân thành, chu đáo, quý mến, trọng thị và thân tình, tin cậy. Trở lại thăm đất nước của các bạn, tôi cảm thấy gần gũi, ấm áp như trở về nhà. Xin hết sức chân thành cảm ơn Thủ tướng và các bạn Ấn Độ", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp báo (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp báo (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Về các văn kiện được ký kết, Thủ tướng khẳng định hai bên đã nhất trí giao các cơ quan, doanh nghiệp liên quan chủ động, tích cực triển khai thực hiện với tinh thần "đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện", "cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển".

"Chúng tôi tái khẳng định sự ưu tiên và coi trọng mà Việt Nam và Ấn Độ dành cho nhau trong chính sách đối ngoại; nhất trí sẽ tiếp tục trân trọng, gìn giữ, củng cố, tăng cường quan hệ truyền thống giữa Việt Nam và Ấn Độ với tư cách là những người bạn chân thành, tin cậy, thủy chung son sắt, cùng sát cánh bên nhau trong suốt chiều dài lịch sử, hiện tại và trong tương lai.

Hai bên cũng nỗ lực tìm ra điểm đột phá đưa quan hệ song phương phát triển lên tầm cao mới, tăng cường quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện giữa hai nước trong giai đoạn chiến lược mới, vì sự thịnh vượng, hùng cường của mỗi nước, vì đời sống hạnh phúc về vật chất và tinh thần của nhân dân hai nước", Thủ tướng nói.

Thủ tướng bày tỏ tin tưởng rằng với những kết quả thực chất nêu trên, quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ sẽ bước sang một giai đoạn phát triển mới ngày càng sâu sắc và tin cậy, đáp ứng lợi ích và nguyện vọng của nhân dân hai nước, vì sự hùng cường, thịnh vượng của mỗi nước và hòa bình, vì hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính trân trọng mời Thủ tướng Modi thăm lại Việt Nam trong thời gian sớm nhất có thể.

Về phần mình, Thủ tướng Narendra Modi một lần nữa nhiệt liệt chào mừng Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu Việt Nam tới thăm Ấn Độ, khẳng định chuyến thăm đã mở ra một chương mới cho quan hệ giữa hai bên.

Thủ tướng Modi đánh giá, trong 10 năm qua, quan hệ hai bên đã ngày càng sâu sắc hơn, nâng cấp lên Đối tác Chiến lược toàn diện.

Thủ tướng Modi cũng nhắc tới việc hiện có hơn 50 chuyến bay thẳng hằng tuần giữa hai nước; hợp tác du lịch được đẩy mạnh với thị thực điện tử. Việc hợp tác phục hồi các ngôi đền cổ tại Mỹ Sơn được thực hiện thành công.

Thủ tướng Modi nhấn mạnh, Việt Nam là đối tác quan trọng, trụ cột mạnh mẽ trong Chính sách hành động hướng Đông của Ấn Độ (Ảnh: VGP).

Thủ tướng Modi nhấn mạnh, Việt Nam là đối tác quan trọng, trụ cột mạnh mẽ trong Chính sách hành động hướng Đông của Ấn Độ (Ảnh: VGP).

Cho biết hai bên đã thảo luận chi tiết về tất cả các lĩnh vực hợp tác song phương và chuẩn bị phương hướng hợp tác trong tương lai, Thủ tướng Modi cho rằng tầm nhìn phát triển tới năm 2047 của Ấn Độ và mục tiêu phát triển tới năm 2045 của Việt Nam sẽ mở ra các kênh hợp tác mới có lợi cho cả hai nước. Trên cơ sở đó, hai Thủ tướng đã thông qua kế hoạch hành động mới để thúc đẩy những bước tiến mới trong quan hệ song phương trên tất cả các lĩnh vực.

Thủ tướng Modi nhấn mạnh, Việt Nam là đối tác quan trọng, là trụ cột mạnh mẽ trong Chính sách hành động hướng Đông của Ấn Độ; hoan nghênh quyết định của Việt Nam tham gia Liên minh cơ sở hạ tầng chống chịu thiên tai do Ấn Độ đề xướng.

Đánh giá Phật giáo là sợi dây quan trọng kết nối tinh thần giữa nhân dân hai nước, Thủ tướng Modi mời gọi người dân Việt Nam tham gia hành hương tới Ấn Độ và mong ngày càng có nhiều thanh niên Việt Nam học tập về Phật giáo tại nước này.

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/tai-an-do-viet-nam-tuyen-bo-tham-gia-lien-minh-co-so-ha-tang-chong-chiu-thien-tai-cdri-192240801164708846.htm