Tái áp thuế giá trị gia tăng 5% với mặt hàng phân bón
Mặt hàng phân bón sẽ chịu thuế suất thuế GTGT 5% cùng với nhóm quặng để sản xuất phân bón; thuốc phòng trừ sâu bệnh và chất kích thích tăng trưởng vật nuôi, cây trồng.
Bộ Tài chính dự kiến trình Quốc hội thông qua Nghị quyết về chính sách thuế giá trị gia tăng (GTGT) để hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp sản xuất phân bón.
Không chịu thuế khó khăn hơn chịu thuế
Theo đó, nếu được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 10 tới đây thì kể từ ngày 1/1/2021, mặt hàng phân bón sẽ được loại ra khỏi đối tượng không chịu thuế GTGT. Như vậy, mặt hàng không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT chỉ còn máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ; thức ăn gia súc, gia cầm và thức ăn cho vật nuôi khác.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng không đưa mặt hàng này vào đối tượng chịu thuế GTGT với thuế suất 0% mà kiến nghị đưa mặt hàng phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT với thuế suất 5% cùng với nhóm quặng để sản xuất phân bón; thuốc phòng trừ sâu bệnh và chất kích thích tăng trưởng vật nuôi, cây trồng như quy định trước ngày 1/1/2015.
Trước ngày 01/01/2015, mặt hàng phân bón phải nộp thuế GTGT với thuế suất 5%. Nhưng trước bối cảnh nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết, sản phẩm nông nghiệp phải cạnh tranh gay gắt với hàng nhập khẩu và trên thị trường xuất khẩu. Để góp phần hỗ trợ tối đa cho nông dân qua việc giảm chi phí sản xuất thông qua việc không đánh thuế GTGT nhằm góp phần làm giảm giá bán phân bón, Quốc hội đã quyết định đưa mặt hàng phân bón vào đối tượng không chịu thuế GTGT, áp dụng đối với cả phân bón sản xuất trong nước và phân bón nhập khẩu, cả ở khâu sản xuất, nhập khẩu, lưu thông và đưa đến tay người nông dân.
Do không thuộc đối tượng nộp thuế GTGT nên doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước không được khấu trừ thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào, kể cả thuế GTGT của hàng hóa mua vào hoặc nhập khẩu để tạo tài sản cố định. Số thuế GTGT đầu vào này được tính vào chi phí khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Quy định nêu trên, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Đinh Tiến Dũng đã hỗ trợ giá đầu vào cho nông dân nhưng doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước gặp khó khăn.
Hiện tại doanh nghiệp sản xuất phân bón không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào nên sản phẩm khó cạnh tranh với hàng nhập khẩu
Ưu đãi thành… ngược đãi
Việc không đánh thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón ở tất cả các khâu: nhập khẩu, sản xuất, bán buôn, bán lẻ đến tay người tiêu dùng là một chính sách ưu đãi, tuy nhiên, trong nhiều kỳ họp Quốc hội, các đại biểu Quốc hội cho rằng, chính sách ưu đãi này đã trở thành… ngược đãi vì doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước gặp khó khăn do không được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ (bao gồm cả hoạt động đầu tư; mua sắm, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ để tạo tài sản cố định) phục vụ cho hoạt động sản xuất phân bón mà phải tính vào chi phí sản phẩm, khiến giá thành tăng và lợi nhuận giảm; bất lợi trong cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu cùng loại do phân bón nhập khẩu cũng không phải nộp thuế GTGT trong khi tại khâu sản xuất (ở nước ngoài), doanh nghiệp sản xuất phân bón nước ngoài được khấu trừ thuế GTGT đầu vào.
Đây là một trong những nguyên nhân khiến khiến phân bón sản xuất trong nước khó cạnh tranh với phân bón nhập khẩu (do toàn bộ chi phí phát sinh, trong đó có thuế GTGT đầu vào được tính vào chi phí sản xuất, làm tăng giá thành sản phẩm), mỗi năm Việt Nam phải bỏ ra hàng tỷ USD để nhập khẩu hàng triệu tấn phân bón.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng đầu năm, cả nước đã nhập khẩu 2.928.000 tấn phân bón trị giá 722 triệu USD. Trong đó tháng 9 nhập khẩu 300.000 tấn với kim ngạch nhập khẩu 73 triệu USD, tăng hơn 18% về lượng và 12% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2019. Còn năm 2019 nông dân Việt Nam phải sử dụng 3.722.000 tấn phân bón nhập khẩu trị giá 1.019 triệu USD.
Nếu được Quốc hội thông qua, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, kể từ ngày 1/1/2021, doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ được khấu trừ thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ mua vào, kể cả thuế GTGT của hàng hóa mua vào hoặc nhập khẩu để tạo tài sản cố định dùng cho sản xuất phân bón, tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa phân bón sản xuất trong nước với phân bón nhập khẩu cùng loại.
Tuy nhiên, theo ông Dũng, giá mặt hàng phân bón được hình thành theo cơ chế thị trường; doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mặt hàng này được quyền tự định giá theo tín hiệu khách quan trên thị trường. Do đó, để không làm tăng chi phí đầu vào cho nông dân thì doanh nghiệp phân bón phải hạ giá thành sản phẩm để không tăng giá bán mặt hàng phân bón.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tai-ap-thue-gia-tri-gia-tang-5-voi-mat-hang-phan-bon-d130999.html