Tái cấu trúc các ngành công nghiệp

Trong những năm sắp tới, định hướng của Đồng Nai là sẽ ưu tiên phát triển những ngành nghề, lĩnh vực công nghệ cao, mang lại giá trị gia tăng lớn trên một diện tích sản xuất nhỏ. Do đó, Đồng Nai đang tái cấu trúc lại các ngành sản xuất công nghiệp hiện có và tạo điều kiện cho những ngành mới.

Công nghiệp cơ khí, chế tạo là một trong những trụ cột trong sản xuất công nghiệp sẽ tiếp tục được chọn lọc để hiện đại hóa. Ảnh: V.Gia

Công nghiệp cơ khí, chế tạo là một trong những trụ cột trong sản xuất công nghiệp sẽ tiếp tục được chọn lọc để hiện đại hóa. Ảnh: V.Gia

Bên cạnh đó, việc sản xuất của các cơ sở công nghiệp được sắp xếp lại theo hướng tập trung, tránh phát triển tự phát ảnh hưởng đến tính bền vững về lâu dài.

* Khuyến khích phát triển công nghiệp công nghệ cao

Theo Đề án Quy hoạch Đồng Nai đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Đồng Nai ở trong tốp dẫn đầu cả nước với các ngành công nghiệp công nghệ cao, là động lực tăng trưởng chính của kinh tế. Trong đó, tỉnh chú trọng vào công nghiệp hỗ trợ cho nhóm ngành giá trị cao trong nước và thế giới. Song song đó, duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ các nhóm ngành chủ lực còn lại. Nền tảng cho ngành công nghiệp tỉnh Đồng Nai bứt phá là các bước tiến trong khoa học kỹ thuật, ứng dụng mô hình công nghiệp 4.0, sản xuất thông minh vào hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao giá trị, phát triển bền vững và hướng tới hoàn thiện toàn bộ chuỗi giá trị của các ngành nghề, lĩnh vực thế mạnh.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, chính sách của Đồng Nai là thu hút đầu tư có chọn lọc các ngành nghề, lĩnh vực vào các khu công nghiệp (KCN) hiện hữu và mới thành lập trên địa bàn tỉnh, trong đó, chú trọng thu hút các ngành công nghiệp hỗ trợ, các ngành công nghiệp công nghệ cao và bước đầu hình thành các KCN hỗ trợ, KCN công nghệ cao.

Theo Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 28-2-2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành Công thương đến năm 2030 thì mục tiêu đặt ra là tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt bình quân trên 8,5%/năm; tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 30% vào năm 2030.

Định hướng phát triển công nghiệp của tỉnh sẽ góp phần chọn lọc đầu tư được những dự án với công nghệ mới. Mới đây, khi KCN công nghệ cao Long Thành chính thức được khởi công đã nhanh chóng thu hút nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu, một số doanh nghiệp (DN) đã thuê đất và chuẩn bị triển khai xây dựng nhà xưởng sản xuất. KCN này là hình mẫu đầu tiên để tỉnh phát triển mô hình các KCN khác trong tương lai.

Công ty CP Công nghệ chiếu xạ Ánh Dương (TP.HCM) là một trong những DN đầu tư sớm vào KCN công nghệ cao Long Thành và dự kiến sẽ khởi công dự án trong tháng 7-2023. Dự án ứng dụng công nghệ bức xạ tiên tiến nhất hiện nay trên thế giới vào lĩnh vực thanh khử trùng công nghiệp nông sản, thực phẩm, kiểm dịch trái cây, khử trùng y tế, đồng thời phục vụ nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ bức xạ vào sản xuất chế tạo ra vật liệu mới, vật liệu công nghệ cao…

Ông Nguyễn Quốc Trường, Giám đốc công ty này chia sẻ, Đồng Nai vẫn sẽ có một sức hút mạnh mẽ đối với các DN trong và ngoài nước. Khi quyết định đầu tư vào Đồng Nai, ông tin tưởng và kỳ vọng vào những chính sách của địa phương trong thời gian tới.

* Sản xuất phải vào khu tập trung

Tái cấu trúc, cơ cấu lại sản xuất công nghiệp là nhiệm vụ quan trọng để đáp ứng cho sự hiện đại, bền vững. Nhưng trong thực tế, việc phát triển sản xuất công nghiệp ở Đồng Nai vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết.

Cụ thể, ngoài số lượng nhỏ các DN trong nước và các DN có vốn đầu tư nước ngoài có tiềm lực được vào KCN thì đa phần các đơn vị còn lại quy mô nhỏ và vừa vẫn thiếu đất sản xuất, chưa đủ khả năng vào KCN tập trung. Bên cạnh đó, diện tích đất trong các KCN sẵn sàng cho thuê còn rất ít, đòi hỏi tỉnh phải nỗ lực để có thêm các KCN mới, đón đầu dòng dịch chuyển đầu tư đang diễn ra mạnh mẽ.

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh, thiếu quỹ đất công nghiệp sẽ ảnh hưởng đến thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, giảm sức cạnh tranh của Ðồng Nai. Do đó, các đơn vị liên quan cần có giải pháp tháo gỡ, trước mắt là xử lý ngay những vướng mắc về mặt bằng tại các KCN hiện hữu. Lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu các địa phương có riêng cho mình chương trình phát triển quỹ đất công nghiệp. Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, Đồng Nai sẽ phải di dời các cơ sở sản xuất vào khu quy hoạch tập trung. Theo đó, hạn chế dần và tiến tới chấm dứt cấp phép các dự án nằm ngoài khu, cụm công nghiệp.

Theo các DN trên địa bàn tỉnh, để tạo động lực thúc đẩy DN phát triển và thu hút sản xuất vào khu tập trung thì cần xây dựng chính sách hỗ trợ. Trong đó, đẩy nhanh tiến độ thành lập các khu, cụm công nghiệp mới và hỗ trợ chi phí di dời, phí thuê đất, hạ tầng... một cách
hợp lý.

Văn Gia

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202307/tai-cau-truc-cac-nganh-cong-nghiep-3172321/