Tái cấu trúc để ổn định lao động - việc làm
Thời gian gần đây, thị trường lao động thế giới và Việt Nam chứng kiến 'làn sóng' sa thải tiếp tục diễn ra mạnh mẽ tại nhiều doanh nghiệp, đặc biệt trong các ngành Công nghệ thông tin, Tài chính, Truyền thông - quảng cáo... Hàng loạt tập đoàn lớn cắt giảm nhân sự nhằm tối ưu hóa chi phí, tinh gọn bộ máy và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu suất làm việc.
Cùng lúc đó, một nghịch lý khác lại xuất hiện, đó là nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong tuyển dụng, thậm chí rơi vào tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng.
Thoạt nhìn, tình trạng này có vẻ đối lập, nhưng thực chất đây là hệ quả của sự tái cấu trúc lao động trên thị trường. Vấn đề không nằm ở việc thiếu hay dư thừa lao động một cách tuyệt đối, mà là sự chênh lệch giữa nguồn cung nhân lực và nhu cầu tuyển dụng thực tế.

Sản xuất chế biến cá hộp xuất khẩu tại nhà máy thực phẩm đóng hộp KTC (khu cảng cá Tắc Cậu) Công ty Cổ phần thương mại Kiên Giang. Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN
Khảo sát mới đây của Vieclam24h (nền tảng việc làm trực tuyến Việt Nam) cho thấy, các đợt cắt giảm chủ yếu diễn ra ở những lĩnh vực dư cung lao động, nơi doanh nghiệp đẩy mạnh tự động hóa và tối ưu quy trình. Ngược lại, những ngành như Logistics và Chuỗi cung ứng, Công nghiệp chế biến - chế tạo lại đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động, đặc biệt là nhân sự có tay nghề cao.
Điều này cho thấy, thay vì chỉ đơn thuần là vấn đề cung - cầu, thị trường lao động đang trải qua sự dịch chuyển lớn về nhu cầu kỹ năng và cơ cấu tuyển dụng, đòi hỏi doanh nghiệp và người lao động phải có những chiến lược thích ứng phù hợp.
Theo bà Nguyễn Văn Hạnh Thục, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm 2025 đến nay, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp nhiều hơn so với người tìm việc. Chỉ riêng khối doanh nghiệp tuyển dụng theo Nghị định 70/2023/NĐ-CP ngày 18/9/2023 của Chính phủ (quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam) có 857 đơn vị thông báo tuyển dụng hơn 4.200 lao động chất lượng cao.
Điển hình, Công ty trách nhiệm hữu hạn phong cách sống Chiro tuyển dụng nhân viên phát triển thị trường; Công ty trách nhiệm hữu hạn Finan tuyển dụng chuyên viên công nghệ thông tin; Công ty trách nhiệm hữu hạn Gaement tuyển dụng kỹ thuật viên vận hành máy in vải công nghiệp... với mức lương từ 20 - 35 triệu đồng/tháng. Tuyển dụng nhiều lao động ở lĩnh vực da giày, dệt may với mức lương từ 7 - 12 triệu đồng/tháng có Công ty trách nhiệm hữu hạn Wordon Việt Nam, Công ty trách nhiệm hữu hạn Pouyuen Việt Nam, Công ty Cổ phần Sản xuất kinh doanh Sơn Kim... nhưng cũng gặp khó trong tuyển dụng.
Liên quan đến vấn đề này, bà Đào Thu Phương, Giám đốc điều hành Siêu Việt Group-Vieclam24h cho rằng, nguyên nhân là do mất cân đối cung - cầu lao động; sự chênh lệch lớn thiếu hụt - dư thừa lao động ở một số ngành làm gia tăng cạnh tranh khiến doanh nghiệp khó tuyển dụng.
Nhiều doanh nghiệp khó tìm được ứng viên phù hợp do công nghệ phát triển nhanh tạo ra nhu cầu về kỹ năng mới hay khoảng cách về chuyên môn cao, kỹ năng mềm, tư duy phản biện, làm việc nhóm, nhất là các lĩnh vực phân tích dữ liệu, công nghệ, logistics…, còn ứng viên chưa sẵn sàng hoặc chưa được đào tạo phù hợp.
“Ngoài ra, xu hướng nghề nghiệp thay đổi nhanh cùng với tác động từ chính sách lao động, tình hình kinh tế làm ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch tuyển dụng của doanh nghiệp. Sự dịch chuyển của thị trường lao động, dưới tác động của công nghệ, xu hướng kinh doanh và các yếu tố kinh tế vĩ mô khiến gia tăng làn sóng lao động rời bỏ công việc. Mức lương không cạnh tranh cũng khiến doanh nghiệp gặp khó trong thu hút, giữ chân nhân tài, nhất là các ngành có nhu cầu tuyển dụng cao”, bà Đào Thu Phương chia sẻ.

Dây chuyền sản xuất linh kiện tại Công ty TNHH Koyo Hà Nội (100% vốn đầu tư của Nhật Bản) tại Khu công nghiệp Thăng Long 2, tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN
Ông Trần Anh Tuấn, chuyên gia dự báo nhu cầu nhân lực cũng nhìn nhận, thị trường lao động liên tục biến động khiến người lao động càng thận trọng hơn khi tìm kiếm việc mới, nhất là trong bối cảnh kinh tế nhiều biến động. Những thay đổi này buộc doanh nghiệp phải linh hoạt và điều chỉnh chiến lược tuyển dụng, bao gồm cải thiện mô hình làm việc, nâng cao trải nghiệm tuyển dụng và phát triển chiến lược thu hút nhân tài đáp ứng nhu cầu thực tế.
Để khắc phục tình trạng này, ông Trần Anh Tuấn khuyến nghị doanh nghiệp cần chú trọng mức lương thưởng, gia tăng phúc lợi dài hạn, tạo môi trường làm việc, cơ hội thăng tiến. Doanh nghiệp cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chú trọng quy trình, phương thức tuyển dụng; xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng để thu hút người lao động quyết định tìm hiểu, lựa chọn ứng tuyển và gắn bó lâu dài với công việc.
Đối với người lao động, ông Trần Anh Tuấn khuyến khích người lao động phải không ngừng học hỏi nâng cao kỹ năng, chuyên môn; thích ứng nhanh, chịu được áp lực với nghề; cần rèn luyện tư duy phản biện, giải quyết vấn đề, làm việc nhóm, ứng dụng công nghệ vào công việc...