Tái cấu trúc hệ thống giáo dục, tháo gỡ 'nút thắt' phân luồng học sinh sau THCS
Do những sai lệch trong quản lý hệ đào tạo cao đẳng hiện nay mà hoạt động phân luồng học sinh sau THCS cũng như sau THPT đang gặp phải nhiều khó khăn, trở ngại.
Công tác phân luồng gặp phải nhiều vướng mắc
Qua 35 năm đổi mới, các nhà hoạch định chính sách giáo dục đều nhận thấy muốn phát triển nền kinh tế đất nước, Việt Nam không phải chỉ cần có các nhà khoa học, các giáo viên, kỹ sư, các nhà kinh doanh, nhà quản lý... mà còn phải có đội ngũ đông đảo các công nhân, kỹ thuật viên lành nghề, các nhà công nghệ, nghĩa là cần phải có một đội ngũ nhân lực phong phú, thạo việc và đồng bộ trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội.
Chính vì vậy, việc phân luồng học sinh khi tốt nghiệp trung học cơ sở và sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông có vai trò vô cùng quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu nguồn nhân lực.
Song, thực tế công tác phân luồng học sinh hiện còn gặp phải nhiều vướng mắc.
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nói rằng, do những sai lệch trong quản lý hệ đào tạo cao đẳng hiện nay mà hoạt động phân luồng học sinh sau trung học cơ sở cũng như sau trung học phổ thông đang gặp phải nhiều khó khăn, trở ngại.
Cụ thể, việc rẽ nhánh học sinh sau trung học cơ sở đang đi vào “ngõ cụt” vì người học không có hướng học lên cho dù là cao đẳng, bởi lẽ, muốn học lên cao đẳng còn cần phải có cả bằng tốt nghiệp trung học phổ thông.
Do đó, xu hướng chung, như từ trước đến nay, sau trung học cơ sở, người học đều cố đi vào trung học phổ thông (78%, số liệu năm học 2019-2020). Còn sau trung học phổ thông, người học thường có xu hướng đi vào đại học.
Lý do là nếu đi vào cao đẳng thì sau này sẽ rất khó học tiếp lên đại học, do cấu trúc chương trình ở hai trình độ này lại do hai cơ quan quản lý Nhà nước khác nhau, quy định theo những định hướng khác nhau, rất khó để liên thông với nhau.
Hoạt động phân luồng học sinh thất bại, đây là nguyên nhân chủ yếu của dẫn tới tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” hiện nay.
Khẩn trương tái cấu trúc hệ thống giáo dục
Để khắc phục hạn chế trên, việc cấp bách cần làm là tái cấu trúc hệ thống giáo dục. Sơ đồ tái cấu trúc chủ yếu liên quan đến các phân hệ đào tạo nguồn nhân lực, với giả định giữ nguyên phân hệ giáo dục phổ thông (theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW).
Nét cơ bản của sơ đồ tái cấu trúc là việc thực hiện triệt để phân luồng học sinh sau trung học cơ sở theo hai hướng: 50% theo hướng trung học phổ thông (General Secondary) và ít nhất 30% theo hướng trung học hướng nghiệp, bao gồm trung học nghề/trung học kỹ thuật (Vocational/ Technical Secondary).
Bên cạnh đó, cần có chính sách ưu đãi khuyến khích học sinh đi vào hướng trung học nghề/trung học kỹ thuật.
Khi vào khu vực giáo dục đại học, hai hướng phân luồng tiếp theo và liên thông với hai hướng trên là: hướng nghiên cứu (Academic) và hướng ứng dụng-thực hành (Professsional), bảo đảm tỷ lệ sinh viên giữa hai hướng này là 20-30:80-70.
Để cấu trúc lại hệ thống giáo dục quốc dân cho đồng bộ với thực trạng phát triển của đất nước mình và phù hợp với xu hướng quốc tế, thì trước hết phải triển khai một loạt các giải pháp cấp bách.
Thứ nhất, Nhà nước chỉ đạo tập trung ở tầm vĩ mô, kết hợp với phân cấp hợp lý cho các địa phương, Bộ, Ngành.
Thứ hai, cần trả trình độ cao đẳng trở lại bậc giáo dục đại học.
Thứ ba, tổ chức xây dựng hệ thống trường trung học nghề/trung học kỹ thuật bảo đảm học sinh tốt nghiệp vừa có trình độ học vấn vừa có nghề thành thạo.
Cụ thể thực hiện bằng các giải pháp: đổi tên và chức năng trường trung cấp nghề thành trường trung học nghề, chuyển đổi các trường trung cấp chuyên nghiệp thành trường cao đẳng thực hành hoặc trường trung học nghề/trung học kỹ thuật; hợp nhất một bộ phận trường trung học phổ thông với các trung tâm dạy nghề địa phương thành trường trung học nghề/trung học kỹ thuật.
Thứ tư, quy hoạch lại các trường đại học theo hai hướng: hướng nghiên cứu và hướng ứng dụng-thực hành; ban hành các chuẩn quốc gia về giáo dục (trong đó có khung trình độ quốc gia, các chuẩn chương trình); xây dựng mạng lưới các trung tâm kiểm định độc lập chất lượng giáo dục; ...
Về lâu dài, phải từng bước sáp nhập một số viện nghiên cứu khoa học vào các trường đại học trọng điểm để hình thành các đại học nghiên cứu; từng bước xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản, tập trung chức năng quản trị cho hội đồng trường, trao quyền tự chủ thực sự cho cơ sở giáo dục đại học.
Đồng thời chuyển một bộ phận cơ sở giáo dục đại học công lập qua cơ chế tự chủ, tự hạch toán tài chính; xây dựng một số học viện công nghệ dựa trên việc hợp nhất và tổ chức lại các cơ sở giáo dục và các viện nghiên cứu chuyên ngành theo hướng công nghệ mũi nhọn trực thuộc trung ương.
Tổ chức lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại từng địa phương để hình thành các cao đẳng/đại học cộng đồng; củng cố và nâng cao năng lực cho hai trường đại học mở,chủ yếu triển khai phương thức đào tạo từ xa.
Ngoài ra, rất cần thường xuyên điều chỉnh cơ cấu phân luồng người học dựa theo sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế cả ở tầm quốc gia lẫn tầm địa phương, để đảm bảo chuyển đổi cơ cấu nguồn nhân lực cho phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế đất nước.