Tái cấu trúc hoạt động chợ truyền thống

Khi sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, TP HCM có thể có tới 500 chợ

Ngày 22-4, tại hội thảo "Hệ thống chợ dân sinh - Nhìn về tương lai" do Sở Công Thương TP HCM tổ chức, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc sở, cho biết thành phố hiện có 232 chợ. Sau dịch COVID-19, hoạt động kinh doanh tại chợ truyền thống gặp nhiều khó khăn. Do đó, TP HCM cần các giải pháp toàn diện nhằm nâng cấp mô hình chợ, thu hút đầu tư và huy động nguồn lực xã hội cùng tham gia phát triển.

Theo các chuyên gia, khi sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, TP HCM có thể có tới 500 chợ, đòi hỏi mở rộng tầm nhìn và quy hoạch đồng bộ. Nhiều ý kiến đề xuất sửa đổi Nghị định 60/2024 về quản lý chợ, đặc biệt là phân loại và gắn kết chợ dân sinh với hệ sinh thái thương mại gồm siêu thị, trung tâm thương mại, du lịch và xuất nhập khẩu.

Việc xác định rõ nhóm khách hàng mục tiêu là yếu tố quan trọng, như: người thu nhập thấp phù hợp với chợ vỉa hè, người cao tuổi có nhu cầu riêng, còn giới trẻ sẽ quan tâm hơn nếu chợ kết nối thuận tiện và hiện đại.

Việc tiểu thương ứng dụng công nghệ như thanh toán không tiền mặt, giao hàng nhanh sẽ giúp tăng trải nghiệm mua sắm. Ngoài ra, cần kết nối chợ với hệ thống giao thông công cộng như metro để hình thành trung tâm mua sắm hiện đại.

Cuối cùng, vai trò của chính quyền trong việc quản lý, hỗ trợ tài chính và quảng bá là rất cần thiết. Những chợ truyền thống như Bến Thành, Bình Tây cần được bảo tồn như di sản văn hóa của TP HCM.

T.Nhân

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tai-cau-truc-hoat-dong-cho-truyen-thong-196250422202019915.htm