Tái chế rác thải nông nghiệp, bảo vệ môi trường nông thôn
Nông dân xã Hòa Phong (huyện Tây Hòa) được hướng dẫn thực hành xử lý nguồn rơm rạ và phế thải nông nghiệp đem ủ làm phân bón cho cây trồng. Ảnh: NGỌC HÂN
Để giữ môi trường trong sạch, giảm thiểu tình trạng vứt rác bừa bãi, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đang triển khai mô hình phân loại rác thải tại hộ gia đình, khuyến khích người dân khu vực nông thôn tận dụng tối đa chất thải nông nghiệp làm phân bón hữu cơ cho cây trồng.
Biến rác thải thành phân hữu cơ
Được Hội Nông dân tỉnh hướng dẫn kỹ thuật xử lý nguồn rơm rạ và phế thải nông nghiệp đem ủ làm phân bón cho cây trồng thông qua dự án Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện môi trường, gia đình ông Nguyễn Văn Chức ở xã Hòa Trị (huyện Phú Hòa) dần thay đổi thói quen của mình bằng cách phân loại rác thải ngay tại nhà. Những gì thuộc rác thải hữu cơ, ông mang ủ lấy phân bón cho vườn rau. Các loại rác thải vô cơ được ông thu gom đúng nơi quy định. Cách làm này vừa giúp sạch nhà, đẹp ngõ; vừa giúp cây cối có nguồn phân bón an toàn, bảo đảm.
Ông Chức cho hay: “Trước đây, rác thải hữu cơ của gia đình để trong bếp hay ngoài sân đều bốc mùi, ảnh hưởng sức khỏe. Sau khi xử lý rác bằng chế phẩm sinh học, môi trường không còn mùi hôi thối, giảm ô nhiễm. Nước rỉ thu được từ rác, đem hòa loãng tưới cho cây trồng, cây phát triển xanh tốt, tiết kiệm chi phí mua phân bón. Thấy được tác dụng của mô hình, nhiều gia đình trong xã cũng học theo, tự mua bạt nhựa, chế phẩm sinh học để xử lý rác tại nhà mình”.
Theo bà Nguyễn Thị Sang ở xã Hòa Phong (huyện Tây Hòa), sau khi tham gia lớp tập huấn hướng dẫn cách xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học thành phân bón và ủ rơm bằng urê làm thức ăn cho trâu, bò do Hội Nông dân tỉnh tổ chức, bà con nông dân ở xã không còn đốt rơm rạ gây khói bay mù mịt như trước nữa. “Nguồn phân hữu cơ ủ từ rơm rạ bón cho lúa giúp tiết kiệm nhiều chi phí vì giá bán phân hóa học hiện nay rất cao. Việc này còn góp phần nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, hình thành thói quen phân loại rác, tái chế rác, xây dựng môi trường xanh sạch đẹp tại các vùng nông thôn”, bà Sang phấn khởi nói.
Nhân rộng mô hình
Theo Hội Nông dân tỉnh, rơm rạ sau thu hoạch trên địa bàn tỉnh chủ yếu được xử lý làm thức ăn cho trâu, bò (khoảng 11%); cày mục ủ hoai tại ruộng hoặc ủ thành phân trồng rau (85%) và đun nấu, làm nấm, tiểu thủ công nghiệp (khoảng 4%). Vì vậy, để ngăn chặn tình trạng đốt rơm rạ ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống người dân, từ năm 2021 đến nay, các cấp hội đã chủ động phối hợp các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền và tổ chức tập huấn, xây dựng được hơn 20 mô hình thu gom, phân loại, xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón. Đồng thời khuyến khích tổ chức, hộ gia đình, cá nhân dùng chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ, phụ phẩm cây trồng thân thiện với môi trường nhằm cải tạo đất, tạo nguồn phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Ông Nguyễn Xuân Khiêm, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tuy An cho biết: Rác thải là một trong những vấn đề ảnh hưởng nhiều đến môi trường nông thôn. Hiện nay, không phải địa phương nào cũng thu gom rác thải tập trung hàng ngày, nhiều nơi bà con vẫn chôn lấp là chính. Các loại rác hữu cơ phát sinh trong quá trình sinh hoạt có đặc trưng là gây mùi, thu hút côn trùng. Vì vậy, hội đã hướng dẫn kỹ thuật ủ phân hữu cơ từ khâu chọn và chuẩn bị nguyên liệu, vị trí ủ phân, phương thức trộn phế phẩm và bảo quản sản phẩm phân bón hữu cơ.
Theo ông Khiêm, từ hiệu quả mô hình sử dụng phân chuồng và phụ phẩm trong nông nghiệp tạo phân bón hữu cơ, huyện hội đã phát động phong trào và nhân rộng mô hình này trong 90 chi hội nông dân. Riêng trong năm nay, mỗi chi hội nông dân thực hiện ít nhất một mô hình ủ phân hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Ông Huỳnh Văn Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân và giáo dục nghề nghiệp (Hội Nông dân tỉnh) cho biết: “Với hình thức kết hợp giữa hướng dẫn lý thuyết và thực hành, trong thời gian thực hiện mô hình, cán bộ trung tâm thường xuyên đến các hộ gia đình theo dõi, hướng dẫn cách xử lý rác đúng quy trình để mô hình đạt hiệu quả cao. Thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục tập huấn, hướng dẫn hội viên nông dân nhân rộng mô hình ủ và sử dụng phân hữu cơ để bón cho cây trồng; tuyên truyền để nông dân các địa phương tìm hiểu về quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tác dụng của phân hữu cơ đối với môi trường, cây trồng, biết cách làm và sử dụng phân hữu cơ trong canh tác. Qua đó giúp thay đổi thói quen sử dụng phân hóa học trong sản xuất nông nghiệp của nông dân”.
Thông qua dự án Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện môi trường, có thể thấy, việc sử dụng mô hình phân loại rác thải tại hộ gia đình, khuyến khích người dân khu vực nông thôn tận dụng tối đa chất thải nông nghiệp để làm phân bón hữu cơ cho cây trồng là giải pháp hữu hiệu, vừa khắc phục được tình trạng đốt rác thải không đúng quy định, vừa bảo vệ môi trường và nâng cao hiệu quả sản xuất lúa.