Tài chính xanh góp phần quan trọng để đổi mới mô hình tăng trưởng xanh

Tài chính xanh đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế xanh bằng cách hướng nguồn vốn vào năng lượng tái tạo, giao thông sạch và công trình xanh. Tại Việt Nam, các chính sách tài chính xanh đang được hoàn thiện, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng bền vững, giảm thiểu khí thải các-bon.

Nỗ lực hoàn thiện các chính sách

Theo Viện Chiến lược và chính sách tài chính - Bộ Tài chính, để thúc đẩy mô hình tăng trưởng xanh, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 về “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050”.

Cùng với đó, Quyết định số 882/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030 và Quyết định số 368/QĐ-TTg ngày 21/3/2022 phê duyệt Chiến lược Tài chính đến năm 2030 đã tiếp tục nhấn mạnh hoàn thiện chính sách ngân sách, xây dựng khung pháp lý cho trái phiếu xanh và phát triển thị trường các-bon. Trong đó, tài chính xanh sẽ đóng vai trò quan trọng, bao gồm các nguồn lực từ ngân hàng, tín dụng vi mô, bảo hiểm và đầu tư, để hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng bền vững.

 Sự phát triển của Sáng kiến TTCK bền vững – SSE (2012-2023).

Sự phát triển của Sáng kiến TTCK bền vững – SSE (2012-2023).

Nhằm hướng đến thị trường tài chính xanh, Viện Chiến lược và chính sách tài chính cho biết, các chính sách về thu ngân sách nhà nước (NSNN) đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tăng trưởng xanh.

Bên cạnh đó, chính sách thuế bảo vệ môi trường (BVMT) khuyến khích tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường bằng cách đánh thuế các sản phẩm gây ô nhiễm. Chính sách thuế tài nguyên thúc đẩy quản lý tài nguyên hiệu quả, trong khi thuế thu nhập doanh nghiệp cung cấp ưu đãi cho doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực môi trường và công nghệ xanh.

Để hỗ trợ đầu tư, Chính phủ cũng đã ban hành các chính sách hỗ trợ kinh tế như miễn giảm thuế, phí và tiền thuê đất, cùng với các biện pháp giảm thuế giá trị gia tăng và thuế BVMT.

Chính sách phát triển bảo hiểm xanh và thị trường tín chỉ các-bon cũng được chú trọng. Các doanh nghiệp bảo hiểm đã bắt đầu cung cấp sản phẩm bảo hiểm xanh, tuy nhiên, hiện tại mới chỉ dừng lại ở bảo hiểm trách nhiệm môi trường. Thị trường tín chỉ các-bon sẽ được phát triển qua hai giai đoạn, với mục tiêu xây dựng và vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon nhằm giảm phát thải khí nhà kính.

Chính sách chi NSNN cho BVMT và phát triển bền vững được ưu tiên với các khoản chi cho các hoạt động bảo vệ môi trường, nghiên cứu công nghệ và ứng dụng tiết kiệm năng lượng. Các chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và tiêu dùng bền vững đã được triển khai, kết hợp với các quy định về mua sắm công xanh và đầu tư công cho cơ sở hạ tầng môi trường.

Thị trường chứng khoán (TTCK) xanh tại Việt Nam cũng đã có những bước phát triển đáng kể. Từ năm 2015, TTCK xanh đã được hình thành với các cổ phiếu và trái phiếu xanh. Các quy định pháp lý liên quan đến phát hành trái phiếu xanh và báo cáo bền vững đã được xây dựng. Chỉ số phát triển bền vững (VNSI) và cam kết ESG (môi trường - xã hội - quản trị) của doanh nghiệp niêm yết đều cao.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Giải pháp tài chính xanh toàn diện

Tại diễn đàn "Hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh tại Việt Nam: Thúc đẩy dòng vốn xanh" diễn ra ngày 10/9/2024, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho biết, tài chính xanh bao gồm các chính sách và công cụ tài chính nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, chuyển đổi năng lượng, và ứng phó với biến đổi khí hậu. Ở Việt Nam, hệ thống quy định pháp lý về tín dụng xanh, trái phiếu xanh, cổ phiếu xanh đã được ban hành khá đầy đủ theo hướng tiếp cận thông lệ quốc tế.

Tuy vậy, để đổi mới mô hình tăng trưởng xanh, Viện Chiến lược và chính sách tài chính, Bộ Tài chính cho biết, Việt Nam cần triển khai các giải pháp tài chính xanh toàn diện. Đầu tiên là cần mở rộng đối tượng chịu thuế BVMT để bao quát tất cả các nguồn ô nhiễm, xác định mức thuế phù hợp và rà soát chính sách ưu đãi cho các dự án xanh.

Đồng thời, tăng cường chi ngân sách cho BVMT thông qua việc nâng cao thu từ các sắc thuế và phí liên quan, cũng như cần rà soát đầu tư công để huy động nguồn vốn từ các nguồn khác như ODA và đầu tư tư nhân.

Cùng với đó, theo iện Chiến lược và chính sách tài chính, thời gian tới cần hoàn thiện quy định về mua sắm công xanh bằng cách cụ thể hóa các tiêu chí và cơ chế báo cáo.

Riêng đó với phát triển TTCK xanh cần cải thiện hơn nữa cơ sở pháp lý và khuyến khích phát hành trái phiếu xanh, cổ phiếu xanh. Song song với đó, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc công bố thông tin bền vững và khuyến khích nhà đầu tư tổ chức tham gia vào thị trường tài chính xanh.

Ngoài ra, để phát triển bảo hiểm xanh, cần hoàn thiện hệ thống pháp lý, đánh giá hiện trạng sản phẩm bảo hiểm xanh, và khuyến khích đa dạng hóa sản phẩm. Mặt khác, cần xây dựng hành lang pháp lý cho thị trường tín chỉ carbon, thúc đẩy giao dịch và kết nối với thị trường quốc tế./.

Mặc dù Việt Nam đã đạt một số kết quả tích cực trong việc triển khai chính sách tài chính – ngân sách cho tăng trưởng xanh nhưng trên thực tế vẫn một số hạn chế.

Cụ thể, chính sách thuế BVMT chưa đủ mạnh, mức thuế và phí còn thấp, không tương xứng với tổn hại gây ra và chưa bao quát hết các sản phẩm gây ô nhiễm. Dù có sự ưu tiên nguồn lực cho tăng trưởng xanh, ngân sách nhà nước chỉ đáp ứng khoảng 25% nhu cầu, dẫn đến tình trạng nợ chính sách và thiếu vốn cho các dự án lớn.

Quy định về mua sắm công xanh trong Luật Đấu thầu năm 2023 còn thiếu hướng dẫn cụ thể và cơ chế đánh giá chưa hoàn thiện.

Thị trường vốn xanh phát triển còn chưa có các tiêu chuẩn chung về tiêu chí xanh, với sự tham gia của các nhà đầu tư tổ chức còn hạn chế. Đồng thời, việc phát triển bảo hiểm xanh cũng mới chủ yếu chỉ cung cấp các sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm môi trường mà chưa đa dạng hóa.

Diệu Khiết

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tai-chinh-xanh-gop-phan-quan-trong-de-doi-moi-mo-hinh-tang-truong-xanh-159159.html