Tái cơ cấu để ứng phó rủi ro, phát triển bền vững

Từ đầu năm đến nay, nắng nóng, hạn hán khốc liệt kéo dài và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 gây ra 'thiệt hại kép' đối với ngành nông nghiệp các tỉnh Tây Nguyên (trung tuần tháng 4, khu vực này mới bắt đầu có những cơn mưa 'vàng' trái mùa). Cùng với ứng phó hiệu quả với rủi ro, giới chuyên gia cho rằng, khu vực Tây Nguyên cần liên kết đổi mới mô hình sản xuất, tái cơ cấu ngành nông nghiệp...

Nỗ lực vượt qua “cú sốc kép”

Hạn hán nghiêm trọng khiến hàng loạt sông hồ trơ đáy, hằng trăm nghìn héc-ta cây trồng của các tỉnh: Đắc Lắc, Gia Lai, Lâm Đồng... chết và khô héo do thiếu nước tưới. Trong khi các địa phương đang phải căng mình khắc phục hạn hán thì dịch Covid-19 xảy ra, đẩy giá các mặt hàng nông sản xuống mức thấp kỷ lục. Hàng chục nghìn tấn rau, hoa phải tiêu hủy do không thể tiêu thụ. Nhiều doanh nghiệp và hộ nông dân đứng trước nguy cơ nợ nần, thua lỗ, phá sản.

 Sơ chế hoa tươi tại Công ty TNHH Dalat Hasfarm, TP Đà Lạt (Lâm Đồng).

Sơ chế hoa tươi tại Công ty TNHH Dalat Hasfarm, TP Đà Lạt (Lâm Đồng).

Những cơn mưa "vàng" trái mùa đã cứu cánh cho bà con nông dân. Hơn một tuần nay, ngày nào chị Nguyễn Thị Thanh Liêm ở làng hoa Vạn Thành, phường 5, TP Đà Lạt (Lâm Đồng) cũng tất bật từ sáng đến tối với công việc tỉa cành, bón phân, phun thuốc, tưới nước… nhằm “tái sinh” hàng trăm nghìn gốc hoa hồng trong khu nhà kính rộng hơn 4.000m2 đã khô héo vì thiếu nước. Anh Mai Văn Khẩn, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Tân Tiến cũng xắn quần ra tận trang trại hướng dẫn công nhân cày bỏ những vườn xà lách, cải thảo đã úa vàng để trồng các giống rau mới. “Chúng tôi phải chớp thời cơ tái sản xuất ngay khi có điều kiện. Tôi tin sau khi dịch bệnh được khống chế, nhu cầu tiêu thụ rau trên thị trường sẽ tăng cao”, anh Khẩn nói.

Cùng với tận dụng thời cơ về thời tiết, nhằm đối phó với “cú sốc kép”, thời gian qua, các địa phương đã đẩy mạnh thi công, hoàn thành nhiều công trình thủy lợi trữ nước, tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ nông sản, hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp bị thiệt hại. Tỉnh Lâm Đồng đã ra lời kêu gọi toàn xã hội đồng lòng chiến thắng đại dịch Covid-19, trong đó nhấn mạnh “phòng, chống dịch bệnh đi đôi với ổn định sản xuất”. Tỉnh ủy Đắc Lắc ban hành Kết luận số 904/KL-TU khẳng định phương châm vừa chống dịch vừa sản xuất kinh doanh, bảo đảm phát triển an toàn, bền vững. UBND tỉnh Đắc Nông ban hành Công văn số 1733/UBND-KTN về thực hiện tốt nhiệm vụ kép "chống dịch và đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm”...

Tái cơ cấu để phát triển bền vững

Tây Nguyên là vùng sản xuất cà phê, hồ tiêu, cao su, hạt điều, chè, rau, hoa lớn nhất cả nước. Đây là những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đồng thời là "xương sống" của kinh tế vùng Tây Nguyên. Diện tích cà phê toàn vùng hiện khoảng 580.000ha, sản lượng đạt khoảng 2 triệu tấn/năm. Hồ tiêu khoảng 80.000ha, sản lượng 120 nghìn tấn/năm. Cao su khoảng 260.000ha, trong đó diện tích cho thu hoạch khoảng 150.000ha, sản lượng 200.000 tấn/năm. Những năm qua, mặc dù đã bước đầu hình thành những vùng chuyên canh quy mô lớn với trình độ cơ giới hóa cao, năng suất, sản lượng, giá trị nông sản không ngừng tăng lên nhưng nông nghiệp Tây Nguyên còn tồn tại nhiều yếu kém, bất cập. Tác động từ “cú sốc kép” vừa qua khiến vùng Tây Nguyên phải đổi mới mô hình sản xuất, tái cơ cấu nông nghiệp để phát triển bền vững.

 Sơ chế hoa tươi tại Công ty TNHH Dalat Hasfarm, TP Đà Lạt (Lâm Đồng).

Sơ chế hoa tươi tại Công ty TNHH Dalat Hasfarm, TP Đà Lạt (Lâm Đồng).

Một trong những trở ngại lớn nhất của nông nghiệp vùng Tây Nguyên là sản xuất tự phát, không theo quy hoạch. Theo quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đến năm 2020, toàn vùng sẽ ổn định ở mức 447.000ha cà phê nhưng đến nay, con số thực tế đã vượt 580.000ha. Tỉnh Đắc Lắc lập quy hoạch đến năm 2020, diện tích hồ tiêu khoảng 16.000ha thì đến năm 2017 thực tế đã lên tới 42.000ha. Tình trạng phát triển tự phát, thiếu kiểm soát đã gây ra tình trạng "cung" vượt "cầu", đẩy nông dân và doanh nghiệp vào vòng luẩn quẩn “được mùa-mất giá”, “trồng-chặt”. Đơn cử vào năm 2015, khi “cơn sốt” hồ tiêu lên đến đỉnh điểm với mức giá 220.000 đồng/kg, người dân ồ ạt phá bỏ cà phê và các loại cây trồng khác để trồng hồ tiêu nhưng từ đó đến nay, giá hồ tiêu liên tục lao dốc. Khi dịch Covid-19 xảy ra, giá hồ tiêu chỉ còn 30.000 đồng/kg, nhiều hộ dân lại phá bỏ hồ tiêu để chuyển sang trồng các loại cây khác.

Bên cạnh đó, việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao và sản xuất an toàn còn nhiều hạn chế; công nghệ sau thu hoạch, chế biến lạc hậu; hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng nhãn hiệu chưa được quan tâm đúng mức đã ảnh hưởng tới chất lượng, sức cạnh tranh của nông nghiệp Tây Nguyên.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng cho rằng, “cú sốc kép” vừa qua là bài học để các địa phương khẩn trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm gia tăng giá trị và phát triển bền vững. “Bên cạnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, Lâm Đồng sẽ phải tính toán lại việc chuyển đổi diện tích lúa, cà phê sang phát triển rau, hoa, bởi trong đợt dịch Covi-19 vừa qua, ngành hàng rau, hoa của địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất”, ông Sơn khẳng định.

Thực tế cho thấy, nhờ thực hiện chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nhiều doanh nghiệp và hộ nông dân tại Tây Nguyên đã giảm thiệt hại do thiên tai và dịch bệnh gây ra. Ông Mai Văn Tuân, thành viên HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Tân Tiến (Lâm Đồng) chia sẻ: “Thời gian cách ly xã hội bởi dịch Covid-19, nhiều hộ nông dân phải tiêu hủy rau, hoa do không bán được thì chúng tôi vẫn được HTX bao tiêu sản phẩm. Lý do vì các nhà phân phối lớn như BigC, MM Mega Market, KFC… hiện là đối tác của HTX. Tất nhiên, khi thực hiện liên kết thì xã viên phải bảo đảm sản phẩm luôn đạt chất lượng cao”.

Ông Lê Quang Thành Liêm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH nông sản Trình Nhi (Lâm Đồng) cho biết, công ty của ông vẫn duy trì công suất 20 tấn thành phẩm/ngày, bao gồm các loại trái cây sấy, rau-củ sấy khô, rau-củ dạng bột. Cùng với việc vận hành ổn định và sản xuất đều đặn, công ty còn duy trì việc thu mua nông sản cho gần 200 hộ nông dân liên kết. “Thị trường nội địa của Việt Nam rất lớn và tiềm năng. Nhiều doanh nghiệp phân phối nông sản trước đây chủ yếu mua hàng từ nước ngoài mà đặc biệt là của Trung Quốc, nhưng khi có dịch Covid-19 họ lại quay về mua hàng từ các nông trại, nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Khó khăn nhưng không phải không có những cơ hội”, ông Liêm nhận định.

Tại các diễn đàn, hội thảo về phát triển nông nghiệp vùng Tây Nguyên thời gian gần đây, nhiều chuyên gia cho rằng, cần có giải pháp, chế tài đủ mạnh nhằm ngăn chặn tình trạng phát triển "nóng", tự phát, phá vỡ quy hoạch trong sản xuất nông nghiệp; thay đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu vật nuôi, cây trồng nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và nhu cầu thị trường; tăng cường đầu tư công nghệ chế biến sâu, sản xuất ra những sản phẩm tinh chế, có giá trị thương mại cao giúp nông sản Tây Nguyên tham gia hiệu quả vào chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu...

Bài và ảnh: VŨ ĐÌNH ĐÔNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/tai-co-cau-de-ung-pho-rui-ro-phat-trien-ben-vung-616370