Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế nông thôn - Bài 1: Khẳng định vai trò 'trụ đỡ' nền kinh tế
Đối mặt với những thách thức chưa từng có từ biến đổi khí hậu, suy thoái tài nguyên, vấn đề mất an ninh lương thực và áp lực tăng trưởng bền vững, nông nghiệp - ngành vốn được xem là 'trụ đỡ' của nền kinh tế đang đứng trước yêu cầu cấp thiết phải đổi mới toàn diện. Việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được xác định là một hướng đi chiến lược nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và thích ứng linh hoạt với biến động thị trường.

Nông dân xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu thu hoạch khoai sọ nương.
Đối với Yên Bái - tỉnh miền núi có thế mạnh về nông, lâm nghiệp và tiềm năng phát triển sinh thái, yêu cầu cơ cấu lại ngành nông nghiệp được xác định nhất quán quan điểm theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng, đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) bền vững. Kỳ vọng năm 2025 Yên Bái đạt tốc độ tăng trưởng toàn ngành khoảng 5,85%.
Mặc dù chỉ chiếm tỷ trọng 21,84% trong cơ cấu kinh tế song với hơn 70% dân số sống ở khu vực nông thôn và chủ yếu làm nông nghiệp; gần 60% lực lượng lao động làm việc trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản; kim ngạch xuất khẩu năm 2024 chiếm tới trên 37% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh, đạt trên 160 triệu USD…, ngành nông nghiệp Yên Bái đang khẳng định vai trò là "trụ đỡ” vững chắc cho nền kinh tế, góp phần tạo việc làm, bảo đảm sinh kế cho phần lớn người dân khu vực nông nghiệp, nông thôn của tỉnh.
Chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa
Với xuất phát điểm của tỉnh miền núi nghèo, sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ và phân tán, Yên Bái đang phải đối mặt với nhiều thách thức về năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng. Cơ cấu lại ngành đồng nghĩa với việc tái định hình vùng sản xuất, lựa chọn cây trồng, vật nuôi chủ lực có lợi thế cạnh tranh gắn với chế biến sâu và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Đây không chỉ là giải pháp thích ứng với thị trường và biến đổi khí hậu mà còn là vấn đề căn cốt để nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế địa phương.
Nhìn vào thực tế phát triển của ngành nông nghiệp, không khó để nhận ra một sự chuyển đổi mạnh mẽ từ sản xuất truyền thống sang sản xuất hàng hóa ở không chỉ các địa bàn vùng thấp mà rất rõ nét, hiệu quả đối với cả các huyện vùng cao khi tiềm năng, thế mạnh của vùng, địa phương đã và đang được đánh thức. Cây khoai sọ nương ở huyện nghèo Trạm Tấu là một ví dụ.
Từ cây trồng chống đói khi giáp hạt, khoai sọ nương Trạm Tấu đã được quy hoạch phát triển thành vùng sản xuất hàng hóa với diện tích lên tới gần 700 ha, trở thành một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương.
Tại thôn Sáng Pao, xã Xà Hồ - khoai sọ nương đang là cây trồng chính dần thay thế những nương đồi trồng ngô, trồng lúa năng suất thấp với diện tích trên 20 ha. Cả thôn Sáng Pao có gần 200 hộ, khoảng 60% là hộ nghèo. Khoai sọ nương - cây trồng kinh tế bậc nhất ở thời điểm này đang là cứu cánh để nhiều gia đình đồng bào người Mông ở đây vươn lên thoát nghèo.
Tiêu biểu có hộ anh Chớ A Lử. Với diện tích gần 1 ha khoai sọ nương, cho thu 5 tấn củ, một năm gia đình anh cũng có thu nhập gần trăm triệu đồng. Năm 2024, cả xã Xà Hồ đã giảm được hơn 50 hộ nghèo. Chủ tịch UBND xã Xà Hồ Giàng A Sáy cho biết: "Ngoài cây lúa, khoai sọ nương hiện là cây kinh tế cho thu nhập tốt nhất hiện nay đối với người dân ở Xà Hồ. So sánh với lúa - cây chủ lực truyền thống của địa phương thì giá trị kinh tế mà cây khoai sọ nương mang lại thực tế đang cao gấp hai, thậm chí là 3 lần”.
Không còn phải hoài nghi, khoai sọ nương - giống khoai bản địa của huyện Trạm Tấu đã trở thành một mặt hàng nông sản có giá trị như một đặc sản địa phương. Với diện tích trồng khoảng 600 ha, năng suất bình quân 14 tấn/ha, sản lượng trên 11.000 tấn, khoai sọ nương đang mang về giá trị kinh tế trên 200 tỷ đồng mỗi năm cho nông dân địa phương này. Mở rộng diện tích, phát triển vùng chuyên canh khoai sọ nương gắn với xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị nông sản, năm 2025, Trạm Tấu đặt mục tiêu trồng 1.000 ha khoai sọ nương, tập trung chủ yếu ở xã Bản Mù 212 ha, Xà Hồ 188 ha, Bản Công 170 ha, các xã còn lại trồng từ 35 - 110 ha.
Phát triển các vùng chuyên canh, tập trung
Thực hiện Đề án tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, ngành nông nghiệp Yên Bái đã nỗ lực, phát huy mọi lợi thế, chung tay cùng nhân dân thực hiện hoạt động sản xuất nông nghiệp theo định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp. Yên Bái đã xây dựng quy hoạch ngành, quy hoạch sản phẩm nông - lâm nghiệp chủ lực gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh; đồng thời xây dựng, ban hành và triển khai đồng bộ nhiều nghị quyết, đề án, chính sách hỗ trợ sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyên canh, tạo sản phẩm sạch, chất lượng cao, an toàn thực phẩm; khuyến khích phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, tập trung.
Đối với cây lúa - cây lương thực chủ lực truyền thống của tỉnh với khoảng 42.600 ha, diện tích lúa chất lượng cao đang có xu hướng tăng và tăng nhanh trong những năm gần đây, chiếm gần 39%, tương đương trên 16.500 ha. Yên Bái đã hình thành một số cánh đồng thâm canh lúa lớn, tập trung theo hướng hàng hóa như cánh đồng Mường Lò trên 2.000 ha, sản lượng trên 20.000 tấn/năm; cánh đồng lúa nếp đặc sản Tú Lệ trên 100 ha, sản lượng 450 tấn/năm; cánh đồng Đại Phú An - Đông Cuông, huyện Văn Yên 600 ha; cánh đồng Mường Lai, Vĩnh Lạc, Liễu Đô, Minh Xuân, huyện Lục Yên gần 500 ha, sản lượng 4.500 tấn/năm.
Với nhiều nỗ lực nâng cao chất lượng, Yên Bái đã có trên 8.000 ha sản xuất áp dụng SRI, 600 ha áp dụng IPM và một số diện tích lúa canh tác theo hướng thuận thiên. Đặc biệt, đã có gần 250 ha được chứng nhận và duy trì sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; 56 ha được cấp mã số vùng trồng. Vùng chè ổn định với khoảng 7.400 ha, sản lượng đạt trên 68.000 tấn/năm, trong đó sản lượng chè búp tươi chất lượng cao đạt khoảng 21.000 tấn. Diện tích sản xuất tập trung, chuyên canh đạt 5.000 ha tại các huyện.

Công nhân Công ty TNHH Hương gia vị Sơn Hà sơ chế quế.
Cơ cấu lại các vùng sản xuất chè gắn với công nghiệp chế biến, Yên Bái đã xây dựng được vùng chè thâm canh cao, cung cấp nguyên liệu chế biến chè đen xuất khẩu với quy mô diện tích 2.500 - 3.000 ha gắn với các cơ sở chế biến tại các vùng trồng chè truyền thống ở thị xã Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn, năng suất bình quân đạt trên 15 tấn/ha/năm, sản lượng chè búp tươi đạt 38.000 - 45.000 tấn/năm. Các vùng chè xanh chất lượng cao tại các huyện vùng thấp với một số giống chè nhập nội như Phúc Vân Tiên, Bát Tiên… được quy hoạch chừng 1.500 ha. Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 1.000 ha chè đạt tiêu chuẩn chứng nhận hữu cơ, VietGAP, R.A. Riêng diện tích sản xuất hữu cơ tập trung đạt 1.200 ha, sản lượng 2.000 tấn/năm; diện tích chè được cấp mã số vùng trồng gần 400 ha.
Cũng sau nhiều năm nỗ lực, Yên Bái đã cơ cấu lại các vùng trồng cây ăn quả theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị và hiệu quả với diện tích tập trung, chuyên canh khoảng 5.000 ha, sản lượng gần 40.000 tấn, tập trung ở các huyện: Mù Cang Chải 130 ha, Văn Chấn 1.730 ha, Văn Yên 450 ha, Trấn Yên 600 ha, Lục Yên 600 ha, Yên Bình 1.330 ha…
Trong đó, có gần 400 ha được sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận (VietGAP, bảo đảm an toàn thực phẩm) và được cấp mã số vùng trồng; tổ chức sản xuất theo hướng liên kết hình thành hợp tác xã, nhóm hộ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, tiềm năng thổ nhưỡng và khí hậu đã cho phép Yên Bái phát triển diện tích cây dược liệu trên 4.000 ha, sản lượng gần 11.000 tấn/năm. Tỉnh cũng đã phát triển được vùng cây dâu tằm gần 1.300 ha, liên kết và tiêu thụ sản phẩm ổn định.
Trong đó, Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái tại xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên đã đầu tư nhà máy với công suất 150 tấn tơ sản phẩm/năm, tương ứng với lượng kén thu mua là 1.200 tấn/năm, thực hiện bao tiêu sản phẩm kén tằm cho các hộ nông dân.
Đáng mừng nhất là quế - 1 trong 10 cây trồng chủ lực của Yên Bái với trên 80.000 ha, tập trung tại các huyện Văn Yên, Trấn Yên, Lục Yên; sản lượng vỏ quế khô mỗi năm đạt 22.000 tấn, tinh dầu quế gần 600 tấn và trên 70.000 m2 gỗ quế các loại, mang lại nguồn thu trị giá trên 1.000 tỷ đồng cho nông dân trong tỉnh.
Thực tế, việc quy hoạch và phát triển được các vùng chuyên canh, tập trung đã và đang giúp các địa phương trong tỉnh khai thác tối đa lợi thế nông nghiệp, phát triển sản phẩm đặc trưng, từ đó xây dựng thương hiệu và tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Điều này bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, giảm rủi ro cho nông dân, nâng cao sức cạnh tranh của nông sản Yên Bái. Trong giai đoạn hiện nay, khi tỉnh Yên Bái đang hướng tới chuyển đổi xanh, vai trò "trụ đỡ” của nông nghiệp lại càng được khẳng định rõ nét.