Tái đàn heo: Chậm nhưng chắc

Sau dịch tả heo châu Phi, việc tái đàn là nhằm tháo gỡ khó khăn cho nông dân. Theo đó, ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai đã nỗ lực hướng dẫn người chăn nuôi tái đàn heo một cách hiệu quả, chậm nhưng chắc, đồng thời đề phòng dịch bệnh tái phát.

Khó khăn khi tái đàn

Theo số liệu thống kê từ Chi cục Chăn nuôi-Thú y (Sở Nông nghiệp và PTNT), trước khi bùng phát dịch tả heo châu Phi, toàn tỉnh có 440-460 ngàn con heo. Trong đợt dịch, có khoảng 39 ngàn con bị chết. Sau dịch, ngành nông nghiệp cùng các địa phương tổ chức tái đàn, hiện tổng đàn heo có khoảng 409 ngàn con.

Nhiều cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang thận trọng tái đàn heo với phương châm “chậm nhưng chắc”. Ảnh: L.G

Nhiều cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang thận trọng tái đàn heo với phương châm “chậm nhưng chắc”. Ảnh: L.G

Ông Nguyễn Ngọc Thanh-Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi-Thú y-cho biết: Do hiện nay chưa có thuốc điều trị bệnh dịch tả heo châu Phi nên việc tái đàn được triển khai thận trọng, đặc biệt việc tổ chức tái đàn heo buộc phải tuân thủ theo hướng an toàn sinh học. Nguyên nhân việc tái đàn heo gặp nhiều khó khăn, theo ông Thanh là do đàn heo chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, tập trung trong hộ dân, ở khu vực đông dân cư nên rất khó kiểm soát dịch bệnh.

Một nguyên nhân nữa cũng thách thức người chăn nuôi là giá heo giống quá cao. Hiện một con heo giống cân nặng khoảng 10 kg có giá dao động trong khoảng 3,1-3,5 triệu đồng, nuôi 4-5 tháng được 1 tạ chi phí hết khoảng 2,5 triệu đồng tiền thức ăn (chưa kể chuồng trại, thuốc thú y, công chăm sóc…). Nếu suôn sẻ thì lãi được vài triệu đồng mỗi con. Nếu gặp dịch bệnh làm heo chết hoặc đến khi xuất chuồng mà giá heo xuống thấp thì người chăn nuôi sẽ bị lỗ nặng. Còn nếu đầu tư bài bản, chăn nuôi tập trung với chuồng trại quy mô lớn, thuốc thú y đầy đủ kịp thời thì chỉ có doanh nghiệp mới làm được, còn hộ gia đình khó thực hiện vì thiếu vốn.

Từng bước tháo gỡ

Toàn tỉnh hiện có trên 200 cơ sở chăn nuôi tập trung. Có 40 dự án của các tổ chức, cá nhân đầu tư trong lĩnh vực chăn nuôi, có những dự án lớn như Dự án của Trung Nguyên (Trường Hải Thaco) với 120 ngàn con bò ở huyện Chư Prông, 480 ngàn con heo ở huyện Ia Pa. Trong đó, có 6 dự án chính thức đi vào hoạt động.

Trước những thách thức đặt ra, ngành nông nghiệp tỉnh đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi tổ chức tái đàn heo. Theo ông Thanh, bên cạnh việc thường xuyên kiểm tra chuồng trại trong hộ dân và trong các trang trại tập trung, kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh đối với động vật ra vào tỉnh thì việc tuyên truyền, vận động cũng hết sức quan trọng.

Cụ thể, ngành nông nghiệp tỉnh thường xuyên tuyên truyền đến các hộ dân, hướng dịch chuyển cơ sở chăn nuôi tránh xa nơi đông dân cư để dễ dàng kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường. Ngoài ra, chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi tập trung, áp dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng đã khuyến khích nông dân chuyển dịch cơ cấu vật nuôi: từ 70% là heo trong tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh (con số hiện tại) chuyển dần sang nuôi các loại gia cầm, gia súc ăn cỏ. Điều này sẽ giảm thiểu rủi ro khi có dịch bệnh, đồng thời làm cân đối cơ cấu cho ngành chăn nuôi của tỉnh.

Ông Thanh chia sẻ: “Gia Lai là tỉnh có khí hậu ôn hòa, đồng cỏ rộng thuộc tốp đầu cả nước, rất thuận tiện cho việc chăn nuôi gia súc và gia cầm ăn cỏ. Theo đó, việc chuyển dịch cơ cấu chăn nuôi trong thời điểm này là rất cần thiết”.

Ngoài ra, Nghị định số 02/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh phần nào đã giúp người dân mạnh dạn hơn trong việc tái đàn. Cụ thể, đối với thiên tai, heo dưới 28 ngày tuổi được hỗ trợ 300-400 ngàn đồng/con, heo trên 28 ngày tuổi được hỗ trợ 400 ngàn đồng-1 triệu đồng/con; đối với dịch bệnh, được hỗ trợ 38 ngàn đồng/kg heo hơi…

Từ việc hỗ trợ của Nhà nước đến việc xắn tay vào cuộc của các ngành chức năng, người chăn nuôi đã phần nào yên tâm, mạnh dạn tổ chức tái đàn theo hướng chậm nhưng chắc. Bà Hoàng Thị Thảo-người có thâm niên nuôi heo ở phường Thống Nhất (TP. Pleiku) cho biết: Sau dịch, được sự hỗ trợ của Nhà nước và sự hướng dẫn tận tâm của các cán bộ ngành nông nghiệp, gia đình bà đã mạnh dạn tái đàn heo. Hiện bà có 6 heo nái và một đàn heo con. Tuy quy mô chưa được như trước khi có dịch nhưng bà yên tâm vì đàn heo của gia đình đang phát triển tốt.

“Con giống do chính heo nái của nhà đẻ ra, tôi để lại nuôi, ngoài ra còn bán giống cho các hộ chăn nuôi khác. Nhờ làm tốt khâu vệ sinh chuồng trại, kiểm tra sức khỏe thường xuyên nên đàn heo không có hiện tượng của dịch bệnh. Nếu cứ đà này, không bao lâu sẽ tổ chức chăn nuôi lại bình thường như trước khi có dịch, còn bây giờ, tôi áp dụng phương châm chậm nhưng chắc!”-bà Thảo chia sẻ.

Nhờ triển khai các biện pháp tái đàn heo thận trọng, có hiệu quả nên chỉ sau một thời gian ngắn, tổng đàn heo của tỉnh đã dần hồi phục, gần bằng đàn heo trước khi có dịch. Theo đó, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2020, tỉnh ta đã xuất bán sang các địa phương khác khoảng 80 ngàn con heo (bình quân 1,1 tạ/con).

Lam Giang

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/8208/202007/tai-dan-heo-cham-nhung-chac-5690684/