Tái hiện hồi ký người anh hùng tình báo Tư Cang qua kịch nói

Lấy cảm hứng từ hồi ký 'Nước mắt ngày gặp mặt' của Đại tá tình báo, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang), tối 6/5, nhóm sinh viên ngành Báo chí, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, ĐHQG TP Hồ Chí Minh đã tổ chức chương trình kịch nói 'Để dành ngày mai ấy' nhằm lan tỏa những giá trị lịch sử.

Chương trình vinh dự được đón tiếp Đại tá, Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang); bà Đặng Thị Thiệp - Phu nhân của Anh hùng LLVTND Trần Văn Lai; ông Lâm Quốc Dũng - người chuyên làm căn cước “rồng xanh”, cùng gần 300 khán giả tham dự.

 Chương trình có sự tham gia của các diễn viên chuyên nghiệp là sinh viên/ cựu sinh viên Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP Hồ Chí Minh và thành viên nhiều đội kịch tại thành phố mang tên Bác. (Ảnh do Ban Tổ chức cung cấp)

Chương trình có sự tham gia của các diễn viên chuyên nghiệp là sinh viên/ cựu sinh viên Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP Hồ Chí Minh và thành viên nhiều đội kịch tại thành phố mang tên Bác. (Ảnh do Ban Tổ chức cung cấp)

Theo anh Nguyễn Viết Âm, Trưởng Ban tổ chức, với mong muốn tìm kiếm một câu chuyện vừa mang giá trị lịch sử, vừa lay động cảm xúc khán giả, Ban Tổ chức đã quyết định lựa chọn hồi ký “Nước mắt ngày gặp mặt” của Đại tá Tư Cang làm chất liệu cho chương trình.

“Không khí thiêng liêng khi cả nước hướng về kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) chính là động lực đầu tiên để chúng tôi khởi xướng dự án”, anh Nguyễn Viết Âm cho biết.

Trong quá trình chuẩn bị, Ban Tổ chức cũng đã có nhiều buổi gặp gỡ với Đại tá Nguyễn Văn Tàu, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân và PGS.TS Hà Minh Hồng để lắng nghe kinh nghiệm, góp ý về kịch bản và các yếu tố lịch sử.

Vở kịch diễn ra trong gần 2 giờ, tái hiện một phần trong hành trình hoạt động tình báo của Đại tá Tư Cang.

Sau khi theo dõi, Đại tá Tư Cang xúc động chia sẻ, tiết mục đã gợi cho ông nhiều ký ức về những năm tháng khốc liệt của chiến tranh. “Trước khi đi, tôi giã cho má một thúng gạo, chẻ cho má một mớ củi, nói với má rằng tôi đi vài tháng rồi về. Vậy mà lúc tôi đi vợ đang mang bầu, lúc về thì đứa con gái đã 28 tuổi…chiến tranh kéo dài quá, ta hy sinh nhiều quá”, ông nghẹn ngào nói.

 Các khách mời trong phần giao lưu của chương trình. (Ảnh do Ban Tổ chức cung cấp)

Các khách mời trong phần giao lưu của chương trình. (Ảnh do Ban Tổ chức cung cấp)

Còn với ông Lâm Quốc Dũng, chiến tranh đã để lại cho ông nỗi nhớ về những người đồng đội. Ông kể: “Lúc làm giấy tờ giả cho các đồng chí, tôi phải cầm tay để lăn dấu vân tay, chụp hình. Tôi đâu có ngờ rằng dán mái tóc, cầm bàn tay đó là lần cuối cùng. Trước khi đi thì kẻ ở người đi hẹn gặp lại nhau ngày chiến thắng, nhưng ra đi rồi thì ước mơ đó không thành được”.

Là khán giả tham dự chương trình, bạn Nguyễn Quốc Toàn, sinh viên năm đầu Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, bày tỏ: “Chương trình đã giúp mình hiểu hơn về cuộc đời các chiến sĩ tình báo, đồng thời nhận thức rõ giá trị của hòa bình. Để có được hòa bình như hôm nay, cha ông ta phải đánh đổi bằng biết bao cuộc chia ly”.

Sự kiện thu hút đông đảo các bạn trẻ tham dự. (Ảnh do Ban Tổ chức cung cấp)

Sự kiện thu hút đông đảo các bạn trẻ tham dự. (Ảnh do Ban Tổ chức cung cấp)

Được biết, toàn bộ lợi nhuận từ chương trình sẽ được Ban tổ chức trao tặng các thương bệnh binh tại Trung tâm điều dưỡng thương binh và người có công Long Đất. Đây là nơi đang chăm sóc và điều trị nhiều anh hùng cách mạng, người có công với đất nước.

Đại tá, Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Tàu còn được biết đến với biệt danh Tư Cang. Ông sinh năm 1928 tại Bà Rịa - Vũng Tàu, là Đại tá tình báo của Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên Cụm trưởng Cụm tình báo quân sự chiến lược H63 hoạt động trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Ông tham gia cách mạng từ năm 1945, đến năm 1947 là chiến sĩ quân báo của Việt Minh ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, đổi tên là Trần Văn Quang và làm Trung đội trưởng trinh sát kiêm chính trị viên đại đội đặc công, Sư đoàn 338. Năm 1961, ông quay lại hoạt động tại chiến trường miền Nam. Tháng 5/1962, ông chính thức được giao nhiệm vụ chỉ huy cụm H63.

Sau khi đất nước thống nhất năm 1975, Đại tá Tư Cang trở về đoàn tụ với gia đình.

Nhật Linh - Hải Dương - Trúc Linh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tai-hien-hoi-ky-nguoi-anh-hung-tinh-bao-tu-cang-qua-kich-noi-313594.html