Tái hiện nghi lễ 'tống cựu nghinh tân' tại Hoàng thành Thăng Long
Để phát huy giá trị các nghi lễ Tết tiêu biểu của cung đình cũng như những phong tục Tết dân gian truyền thống, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức chuỗi hoạt động Tết kéo dài từ 20/1 - 6/2/2025 với nhiều hoạt động đặc sắc.
Đặc sắc không gian Tết truyền thống
Điểm nhấn trong không gian Tết truyền thống là không gian trưng bày “Tết xưa – Tết thời bao cấp”, tổ chức tại khu nhà 19C Hoàng Diệu, từ ngày 20/1. Không gian sẽ đưa du khách ngược dòng thời gian trở về Tết của những năn 70, 80 thế kỷ trước để cùng sống lại một giai đoạn lịch sử đặc biệt của đất nước.
Tết thời bao cấp tuy còn thiếu thốn về vật chất nhưng đầy ắp tình người và thiêng liêng. Gần đến những ngày giáp Tết, các cửa hàng mậu dịch lúc nào cũng đông nghịt người đứng xếp hàng chờ mua hàng Tết bằng tem phiếu. Túi hàng Tết thường có hộp mứt Hà Nội, gói chè Ba Đình, thuốc lá Thăng Long (hoặc Điện Biên/Chiến Thắng/Sông Hồng), chai rượu chanh Thanh Mai (hoặc rượu tằm, rượu cam, rượu cà phê), gói kẹo mềm...
Bên cạnh đó, phong tục dọn dẹp nhà cửa, thú chơi hoa Tết (hoa đào, hoa dơn, thược dược, đồng tiền..), treo tranh Tết (phổ biến là bộ cuốn thư, câu đối, mâm ngũ quả, lục bình...), gói bánh chưng, bao sái bàn thờ, chuẩn bị đồ lễ cúng Ông Công Ông Táo, cúng giao thừa, cúng tổ tiên, chúc tết, du Xuân... vẫn được Nhân dân gìn giữ, tiếp nối. Điều đó cho thấy, dù xã hội có nhiều đổi thay, nhưng Tết nay và Tết xưa vẫn mang trong mình những giá trị chung.
“Tết thời bao cấp” được tái hiện qua 3 không gian trưng bày: Gian hàng mậu dịch quốc doanh, Gian hàng tranh - hoa - pháo Tết và Không gian thờ cúng. Mặc dù không gian trưng bày không lớn nhưng đã làm nổi bật được đời sống vật chất, tinh thần và văn hóa tâm linh của người dân Thủ đô Hà Nội cách đây nửa thế kỷ.
Nghi lễ Tết cung đình ngày Xuân
Trải qua các triều đại Lý, Trần, Lê sơ, trong cung đình thời Lê Trung Hưng đã hình thành nên một hệ thống các nghi lễ Tết cung đình mùa Xuân như: lễ cúng Táo quân, lễ tiến lịch, lễ tiến Xuân ngưu (rước trâu đất và thần Câu mang), lễ phất thức (lau rửa và niêm phong ấn), lễ cáp hưởng (mời các vị tiên đế về ăn Tết), lễ thướng tiêu (dựng cây nêu), lễ trừ tịch (cúng giao thừa), lễ tế tổ tiên, lễ Chính đán, lễ chúc thọ nhà vua, lễ tế giao (tế trời), lễ khai hạ (hạ cây nêu), lễ khai ấn (mở ấn)... Trong đó, có 3 nghi lễ đặc biệt quan trọng là lễ tiến lịch, lễ tiến Xuân ngưu và lễ Chính đán.
Lễ tiến lịch được xem là nghi lễ đầu tiên của triều đình báo hiệu cho Nhân dân cả nước biết về thời khắc Tết đến, Xuân về. Trong các triều đại phong kiến phương Đông, nhà vua coi mình là thiên tử, là người nối giữa trời và dân nên phải có trách nhiệm làm lịch báo cho dân biết thời gian, thời tiết để Nhân dân làm nông vụ, tế lễ và ổn định đời sống. Vào sáng sớm ngày 24 tháng Chạp hàng năm, tại sân rồng điện Kính Thiên, triều đình long trọng tổ chức nghi lễ tiến Ngự lịch lên Hoàng đế và ban lịch cho bách quan, muôn dân.
Lễ tiến Xuân ngưu được tổ chức vào ngày Lập Xuân. Theo quan niệm của người xưa, một năm có 12 tháng, mỗi tháng tượng trưng cho hình ảnh một con vật thuộc 12 con giáp, tháng cuối cùng của năm biểu tượng là Trâu nên gọi là tháng Sửu. Thời điểm này vẫn là mùa Đông giá rét, làm tượng trâu ban đầu với nghĩa tống tiễn mùa Đông lạnh giá; sau có thêm tục đả Xuân ngưu mang ý trấn át, xua đuổi khí lạnh mùa Đông, đón chào mùa Xuân.
Lễ Chính đán được tổ chức vào sáng sớm ngày mồng Một Tết với nghi thức Đại triều trang trọng, tôn nghiêm, diễn ra tại sân điện Kính Thiên. Lễ Chính đán là một nghi lễ triều hội, là dịp nhà vua, hoàng tộc và trăm quan gặp gỡ nhau ngày đầu năm mới, cùng chúc tụng cho nhà vua trường thọ, Nhân dân ấm no yên vui, xã tắc vừng bền cường thịnh. Trong lễ Chính đán, 12 xứ trong cả nước dâng biểu chúc mừng nhà vua. Nhân dịp này nhà vua cũng ban yến, ban tiền thưởng Xuân cho văn võ bá quan. Việc ban yến, ban tiền là một phong tục có từ thời Lý - Trần, thể hiện sự quan tâm của người đứng đầu đất nước đối với thần dân của mình.
Cả 3 nghi lễ đều được trưng bày thông qua hình thức giới thiệu tư liệu, diễn giải bằng tranh vẽ phỏng dựng và hiện vật mô hình, giúp du khách có thể hình dung ra được phần nào đời sống chính trị, văn hóa, lịch sử quá khứ vàng son hoàng cung xưa kia. Trưng bày được tổ chức tại khu nhà N14, từ ngày 20/1.
Trình diễn tái hiện nghi lễ “tống cựu nghinh tân”
Chương trình thể nghiệm những lễ nghi trong dịp Tết Nguyên đán đã từng diễn ra trong cung đình Thăng Long xưa, thể hiện mong muốn hưng thịnh cho quốc gia, bình an, no ấm cho Nhân dân, “tống cựu nghinh tân” tiễn năm cũ đón năm mới. Trong đó có các nghi lễ tiêu biểu như nghi lễ Tiến lịch, nghi lễ thả cá chép tiễn Ông Công Ông Táo về trời, lễ dựng cây nêu, lễ đổi gác.
Nghi lễ thả cá chép vào ngày Ông Công Ông Táo là một phong tục truyền thống của người Việt Nam, thể hiện lòng thành kính với các Táo quân được tổ chức vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch hàng năm. Sau một thời gian tìm hiểu, sưu tầm và nghiên cứu kỹ lưỡng, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội đã phỏng dựng nghi lễ này với mong muốn lưu giữ một nét đẹp văn hóa truyền thống độc đáo của đất Hà thành trong những dịp Tết đến, Xuân về.
Cây nêu được dựng vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch, sau lễ tiễn Ông Táo về trời và hạ xuống vào ngày mùng 7 tháng Giêng, kết thúc kỳ nghỉ Tết. Việc dựng cây nêu mang ý nghĩa xua đuổi tà ma, bảo vệ gia đình khỏi những điều xấu xa và cầu mong một năm mới bình an, may mắn.
Với lễ đổi gác, theo Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội, đổi gác là một nghi thức quan trọng diễn ra hàng ngày trong cấm thành Thăng Long. Để đảm bảo nhiệm vụ canh giữ, luật quy định binh lính phải đến đúng giờ, đúng quân số và chuẩn bị đầy đủ các công cụ hỗ trợ.
Sau một thời gian tìm hiểu kỹ lưỡng thông tin và tài liệu lịch sử còn lưu lại, dựa trên việc sưu tầm, nghiên cứu nhiều nguồn tư liệu khác nhau, nhân dịp đón năm mới Ất Tỵ, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội giới thiệu màn tái hiện nghi thức đổi gác mang tính phỏng dựng và có yếu tố sáng tạo, đem tới cho công chúng những trải nghiệm độc đáo trong không gian thiêng liêng của Hoàng thành Thăng Long với hơn 1000 năm lịch sử.