Tại Ngày hội văn hóa dân tộc Tày lần thứ nhất, nhiều hoạt động được tổ chức nhằm tái hiện những nét đặc trưng trong văn hóa dân tộc Tày đang dần bị mai một. Trong đó, múa sư tử mèo là một loại hình nghệ thuật có từ lâu đời của người Tày, thể hiện khát vọng về sự may mắn, sung túc mỗi dịp đầu xuân. Sư tử mèo mang trong mình của biểu tượng của sự may mắn, uy phong tinh thần thượng võ đi đến đâu sẽ mang sự thịnh vượng, no đủ đến đấy.
Múa sư tử mèo thể hiện sức mạnh, tinh thần thượng võ, sự kéo léo, dẻo dai và bản lĩnh, khí phách hiên hang của cộng đồng các dân tộc miền núi.
Nghi thức cúng then cầu an, cầu cho mùa màng bội thu được tái hiện trước không gian ngôi nhà sàn truyền thống giúp nhân dân và du khách hiểu hơn về nét văn hóa tâm linh của người Tày.
Chủ trì Nghi thức Then cầu an là nghệ nhân then Bế Thị Chau (bên phải) và nghệ nhân Trần Thị Lường. Khi làm lễ, thầy Then phải mang theo những vật dụng quan trọng đó là cây đàn tính, chùm quả nhạc, hòm then, khăn, bát nước cây thanh thảo. Nếu thiếu một trong những vật dụng trên, nghi lễ cúng Then sẽ mất đi sự linh thiêng.
Mâm lễ được tái hiện không quá cầu kỳ mà chủ yếu là những sản vật do chính bà con làm ra. Đặc biệt, trong những dịp mừng lúa mới, trên mâm lễ sẽ có đĩa cơm và 3 bông lúa được hấp chín dâng lên các vị thần và tổ tiên để cảm tạ.
Nghệ nhân then Trần Thị Lường (xã Thanh Lâm) và nghệ nhân Bế Thị Chau (xã Đạp Thanh) là những nghệ nhân đạt đến cấp cao nhất trong hệ thống các cấp bậc của thầy then (bao gồm 15 bậc).
Mũ của nghệ nhân có 15 dải lụa tượng trưng cho 15 bậc mà thầy then đã đạt tới.
Nghi lễ cúng Then là sự kết hợp giữa nghệ thuật hát then, đàn tính, diễn xướng, trang phục, lễ vật. Các triết lý nhân sinh sâu sắc đều được đồng bào người Tày gửi gắm vào những lời cúng Then. Khuôn viên ngày hội vốn vô cùng náo nhiệt bỗng trầm hẳn đi khi 2 thầy Then bắt đầu thực hiện nghi lễ. Khói hương thơm ngát lan tỏa hòa vào âm thanh của tiếng đàn tính, tiếng lễ tạo nên một không gian lắng đọng đậm chất tâm linh.
Cũng như các đồng bảo thiểu số khác, người Tày có nền ẩm thực mang đầy đủ đặc trưng riêng mà vẫn đậm nét văn hóa người vùng cao nói chung. Trong khuôn khổ ngày hội đã diễn ra phần trình diễn chế biến các loại bánh của người Tày với sự tham gia của các thôn, xã trên địa bàn huyện Ba Chẽ.
Phần nguyên liệu là xôi đã đồ chín được các đội chuẩn bị để giã và nặn bánh dày.
Dưới tiếng cổ vũ, hò reo rộn ràng theo từng nhịp giã. Không khí nhộn ngày xuân được tái hiện lại ngay trong khuôn viên ngày hội tại chợ xã Đạp Thanh.
Những chiếc bánh dày thành hình dưới bàn tay khéo léo nhào nặn của bà con người Tày. Trong quan niệm của người Tày, đây là món ăn mang ý nghĩa thể hiện lòng thành kính của con cháu với người già và cầu mong cho năm mới mùa màng bội thu.
Quá trình gói bánh chưng cũng được tái hiện trong ngày hội. Khác với các loại bánh chưng ở dưới xuôi, gạo gói bánh chưng của người Tày ở Ba Chẽ là gạo nếp được trồng trên nương. Đây là loại bánh chưng dài, sử dụng cả 2 loại nhân gồm nhân thịt lợn trộn với đỗ xanh cùng nhân thịt lợn và lá cơm lông (lá cây cơm lông được rửa sạch, để ráo nước, thái nhỏ và trộn với thịt lợn, tẩm ướp với muối và hạt tiêu).
Một loại bánh khác, vô cùng đặc sắc của người Tày ở Ba Chẽ là bánh Coóc mò cũng được trình diễn gói tại ngày hội. Coóc mò trong tiếng Tày có nghĩa là sừng bò. Bánh được chế biến từ gạo nếp ngon gói bằng lá dong hoặc lá chuối. Để làm ra những chiếc bánh vừa xinh xắn vừa thơm ngon đòi hỏi rất nhiều từ sự khéo léo, tỉ mỉ của người làm bánh.
Đan lát là nghề thủ công truyền thống có từ lâu đời của người Tày ở huyện Ba Chẽ. Từ những cây tre, dùng, nứa, cọ, mây, nhiều vật dụng thiết yếu trong gia đình đã được người Tày đã tạo ra.
Những chiếc giỏ đan từ tre là vật dụng không thể thiếu của những người đàn ông dân tộc Tày. Đây chính là vật dụng để đựng lễ vật trong các nghi lễ ăn hỏi, lễ cưới, lễ thôi nôi, lễ tang.
Quạt được đan từ nón lá cọ phơi khô từng là vật rất phổ biến trong các gia đình người Tày. Quạt rất nhẹ, có tán rộng; khi quạt tạo gió rất mát mà không cần dùng nhiều sức, nhiều gia đình còn sử dụng chúng để quạt bếp.
Kỹ thuật đan lát của người Tày rất công phu, các sản phẩm tuy đơn giản những đòi hỏi sự khéo léo của đôi tay. Sản phẩm càng có tính thẩm mỹ càng đòi hỏi trí tưởng tượng phong phú của người đan.
Theo thời gian, một số nét văn hóa truyền thống của người Tày đang dần mai một, các thế hệ sau không còn giữ những nét đặc trưng của nhà ở, trang phục truyền thống, tín ngưỡng, ẩm thực, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội… Ngày hội văn hóa dân tộc Tày đã tái hiện một cách sinh động nhiều nét đẹp văn hóa lâu đời của đồng bào dân tộc, đặc biệt là dân tộc Tày trên địa bàn huyện Ba Chẽ.
CTV Tuấn Anh/VOV-Đông Bắc