Tai họa không muốn và muốn không tai họa
Hai Phiếm buồn bã:
- Cây phượng sân trường là hình ảnh đẹp nhưng cây phượng già rất nên thơ tại một sân trường ở TP.HCM đã bất ngờ đổ xuống làm một cháu lớp 6 bị tử vong, vài cháu khác bị thương...
- Quá đau xót trước tai họa bất ngờ không ai muốn...
- Nhưng có ai chịu trách nhiệm về tổn thất này?
- Bác định quy trách nhiệm cho ai? Nhà trường ư? Ban giám hiệu làm sao biết cây có thể đổ. Công ty cây xanh ư? Cây trong trường thuộc quyền quản lý của trường đâu phải ở bên đường có đánh số mà công ty phải lo cắt tỉa phòng mưa gió làm đổ?
- Thế sao Bộ GD-ĐT phải có thông báo cho các trường trên toàn quốc lưu ý rút kinh nghiệm từ vụ tai nạn này? Nếu Bộ và Thành phố nghĩ đến tai họa có thể xảy ra và lưu ý trước chắc tai họa khó xảy ra.
- Ờ ờ... Những tai họa như lở đất ven sông hay lở đá trên núi hoặc mưa bão lũ lụt cũng là tai họa từ trên giời nhưng đã có cảnh báo trước nên có thể giảm thiệt hại. Vấn đề là lường trước mọi chuyện có thể xảy ra chứ không phải xảy ra rồi mới nghĩ đến nó.
- Tai họa chả ai muốn nhưng muốn không tai họa đều phải có biện pháp đề phòng từ thiên tai tới tai nạn giao thông, tai nạn lao động. Từ trong nhà ra ngoài đường, tới cơ quan trường học đều phải nghĩ xung quanh mình những gì có thể gây họa để phòng đều không thừa.
- Đó là ý thức trách nhiệm của những người quản lý chăng.
Hai Phiếm thở dài:
- Giá mà nhà trường biết lo xa đề nghị bên quản lý cây xanh cắt tỉa. Giá mà bên công ty cây xanh thừa kinh nghiệm lo cây đổ cũng tham gia với nhà trường và yêu cầu cắt tỉa như cảnh sát phòng cháy chữa cháy đến các cơ quan lo chuyện cháy nổ...
- Lạy giời để mọi chuyện “giá như” không xảy ra khi trước đó “phải như”...
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tai-hoa-khong-muon-va-muon-khong-tai-hoa-n174693.html