Tai nạn lao động khiến 10 người thương vong ở Quốc Oai: trách nhiệm bồi thường thiệt hại ra sao?

Luật sư nhận định, nếu kết quả xác minh cho thấy đã có hành vi vi phạm quy định về an toàn lao động dẫn đến vụ tai nạn thì người thực hiện hành vi có thể đối diện án tù lên đến 12 năm.

Hiện trường vụ tai nạn lao động nghiêm trọng ở Quốc Oai khiến 10 người thương vong (Ảnh: Xuân Nguyễn)

Hiện trường vụ tai nạn lao động nghiêm trọng ở Quốc Oai khiến 10 người thương vong (Ảnh: Xuân Nguyễn)

Xác định nguyên nhân vụ tai nạn

Ngày 24/6, Cơ quan CSĐT Công an huyện Quốc Oai, TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án “Vi phạm các quy định về an toàn lao động gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra địa bàn xã Đông Yên, huyện Quốc Oai.

Trước đó, vào khoảng 19h10 ngày 18/6, anh Đỗ Danh Th., SN 1975, trú tại xã Việt Yên, huyện Quốc Oai, là công nhân đang ở dưới lán công trình xây dựng Trường mầm non Đông Yên B thì thấy mất điện.

Khi anh Th. đi lên phía sau công trường (khu vực để thang tời vật liệu) để kiểm tra thì phát hiện có 10 người đang bị thương nằm ở dưới đất. Ngay lập tức, anh Th. gọi một số người khác trong công trường gồm Vương Văn Ng., SN 1991 và Đỗ Thế D., SN 1984, đưa các nạn nhân đi cấp cứu tại Bệnh viện Quân y 105 Sơn Tây.

Đến khoảng hơn 21h cùng ngày, do thương tích quá nặng nên 3 nạn nhân tử vong gồm: Nguyễn Đình Th., SN 1976, trú tại xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai; Lò Văn S., SN 2001, trú tại xã Chiềng Lương, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La và Nguyễn Văn Y., SN 1988, trú tại huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang. Còn 7 nạn nhân bị thương được cấp cứu, điều trị tại Bệnh viện Quân 105 Sơn Tây.

Theo công an, sơ bộ xác định nguyên nhân xảy ra vụ việc là do quá trình 10 công nhân cùng di chuyển bằng máy vận thang nâng hàng từ tầng 3 xuống tầng 1 thì đứt dây cáp, dẫn đến rơi tự do và xảy ra tai nạn.

Hiện giám đốc Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo Công an huyện Quốc Oai phối hợp các đơn vị chức năng thuộc Công an TP Hà Nội khẩn trương điều tra, làm rõ để xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.

Trách nhiệm pháp lý ra sao?

Luận bàn dưới góc độ pháp lý, luật sư Đinh Thị Nguyên, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Đông Á, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, đây là vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng khiến nhiều người thương vong, nguyên nhân ban đầu xác định là do đứt dây cáp của máy vận thang. Trường hợp kết quả xác minh cho thấy đã có hành vi vi phạm quy định về an toàn lao động dẫn đến vụ tai nạn xảy ra, người thực hiện hành vi vi phạm sẽ bị xử lý hình sự về tội “Vi phạm quy định về an toàn lao động” theo Điều 295, Bộ luật Hình sự năm 2015.

“Tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 20 đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 đến 12 năm, nếu gây ra tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng” - luật sư Đinh Thị Nguyên nhận định.

Còn trường hợp vụ tai nạn lao động xảy ra thuộc trường hợp bất khả kháng, không thể lường trước được và không có lỗi của những người có liên quan, mọi quy tắc đảm bảo an toàn đã được tuân thủ, cơ quan điều tra sẽ không khởi tố vụ án hình sự, chỉ xác định là tai nạn rủi ro trong lao động.

Ngoài trách nhiệm pháp lý về hình sự có thể đặt ra, trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tai nạn lao động cũng được đặt ra đối với người có lỗi hoặc đối với người sử dụng lao động. Theo đó, tại khoản 8 Điều 3, Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 nêu rõ, nếu cơ quan chức năng có đủ căn cứ xác định nạn nhân trong vụ đứt dây cáp máy vận thang thuộc trường hợp tai nạn lao động thì dù lỗi thuộc về bên nào thì người sử dụng lao động vẫn phải có trách nhiệm bồi thường.

Nếu lỗi thuộc về đơn vị cung cấp thiết bị máy vận thang nâng hàng không thực hiện việc kiểm tra, sửa chữa kịp thời, đảm bảo sự an toàn của thiết bị khi vận hành thì đơn vị này sẽ phải chịu trách nhiệm. Sau khi có kết luận của cơ quan chức năng liên quan đến yếu tố lỗi, mức độ suy giảm khả năng lao động, nguyên nhân xảy ra tai nạn sẽ xác định mức bồi thường.

Điều 38, Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 quy định, người sử dụng lao động có trách nhiệm bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra và cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp với mức như sau: ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% - 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11 - 80%; ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; ngoài ra, người sử dụng lao động phải trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính họ gây ra một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 4 Điều này với mức suy giảm khả năng lao động tương ứng.

Nếu người lao động đủ điều kiện được hưởng chế độ tai nạn lao động thì sẽ được trợ cấp tùy theo suy giảm khả năng lao động, cụ thể suy giảm khả năng lao động từ 5 - 30% thì được hưởng trợ cấp một lần và từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hàng tháng. Với người lao động tử vong, thân nhân của họ được hưởng trợ cấp một lần bằng 36 lần mức lương cơ sở tại tháng người lao động bị chết và được hưởng chế độ tử tuất.

Thái An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/tai-nan-lao-dong-khien-10-nguoi-thuong-vong-o-quoc-oai-trach-nhiem-boi-thuong-thiet-hai-ra-sao-385436.html