Tai nạn nhức nhối trên cao tốc 2 làn xe: Áp lực đầu tư có 'nửa tiền'?
Theo chuyên gia, áp lực đầu tư đường cao tốc rất lớn trong khi nguồn lực đầu tư của chúng ta thời điểm cách đây chục năm còn hạn chế. Do đó, việc phân kỳ đầu tư là giải pháp phù hợp với quy hoạch, nhu cầu vận tải trước mắt.
Lời tòa soạn:
Những tuyến cao tốc 2 làn xe từng được kỳ vọng sẽ mở ra động lực phát triển cho nhiều địa phương. Thế nhưng, thiếu làn dừng khẩn cấp, không có dải phân cách cứng đã biến nhiều đoạn đường thành “điểm đen” tai nạn.
VietNamNet đăng tải tuyến bài “Bất cập từ cao tốc 2 làn xe” với mục đích chỉ ra những điểm nghẽn hạ tầng, cảnh báo rủi ro mất an toàn và góp thêm tiếng nói thúc đẩy giải pháp khắc phục, để những cung đường huyết mạch thực sự an toàn cho mọi người dân.
Bài 1: Cao tốc 2 làn xe: 'Điểm đen' mới của tai nạn giao thông
Cả nước hiện có hơn 2.000km đường cao tốc, trong đó 654km thuộc 11 dự án thành phần nằm trên trục Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 (từ 2017-2020) đã được đưa vào khai thác đồng loạt trong những năm gần đây.
Giai đoạn 2 (từ 2021-2025), một loạt tuyến cao tốc mới tiếp tục được triển khai với tổng chiều dài khoảng 721km, trong đó cuối năm nay dự kiến 4 dự án thành phần sẽ hoàn thành.
Theo Bộ GTVT cũ (nay là Bộ Xây dựng), do khó khăn về nguồn vốn, ở giai đoạn một, nhiều đoạn tuyến cao tốc được phân kỳ đầu tư với quy mô 2 làn xe, hoặc 4 làn nhưng chưa có làn dừng khẩn cấp liên tục.

Hiện trường vụ tai nạn giữa 2 xe khách trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết khiến 3 người tử vong hôm 9/7. Ảnh: H.N
Nguyên nhân là do mức vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng giai đoạn này chỉ đạt khoảng 2,18% GDP, thấp hơn nhiều so với mức 3,5 - 4,5% GDP đặt ra trong Chiến lược phát triển giao thông vận tải.
Trong khi đó, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030) xác định mục tiêu: "Đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000km đường bộ cao tốc", tương ứng tốc độ xây dựng đường cao tốc trong giai đoạn 2021-2030 khoảng 380km/năm, gấp hơn 4 lần so với giai đoạn trước.
Trao đổi với PV VietNamNet, một chuyên gia lĩnh vực giao thông cho biết, áp lực đầu tư đường cao tốc rất lớn trong khi nguồn lực đầu tư của chúng ta thời điểm cách đây chục năm còn hạn chế. Do đó, việc phân kỳ đầu tư là giải pháp phù hợp với quy hoạch, nhu cầu vận tải trước mắt, đặc biệt là khả năng cân đối vốn.
Hơn thế nữa, việc phân kỳ đầu tư giúp sớm triển khai xây dựng được nhiều tuyến cao tốc, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh: “Trong bối cảnh đó, chúng ta buộc phải 'liệu cơm gắp mắm', vì thế không nên quy trách nhiệm cho các cơ quan quản lý”.
Nhiều nước từng đầu tư, khai thác cao tốc 2 làn xe
Ông Lê Kim Thành, khi đang là Cục trưởng Cục Đường cao tốc Việt Nam (Bộ GTVT cũ), từng cho biết: Không chỉ riêng Việt Nam đầu tư cao tốc phân kỳ giai đoạn đầu với 2 làn xe, mà trên thế giới đã có nhiều nước đầu tư khai thác cao tốc 2 làn xe ở giai đoạn đầu khi tiềm lực kinh tế và nhu cầu chưa lớn.
Ông Thành dẫn chứng: Giai đoạn kinh tế đang phát triển, nguồn lực đầu tư hạn chế, một số quốc gia đã xây dựng và khai thác các tuyến cao tốc giai đoạn đầu với quy mô 2 làn xe như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ... Khi kinh tế phát triển, các quốc gia này mới nâng cấp lên 4 làn xe.
Tuy nhiên, thực tế tại Việt Nam, quá trình khai thác phát sinh nhiều bất cập. Ví dụ: Cao tốc 2 làn xe không bố trí dải phân cách giữa, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông; đường 4 làn xe với dải dừng xe khẩn cấp không liên tục có nguy cơ gây ùn tắc trong trường hợp xảy ra sự cố nếu không xử lý kịp thời. Đặc biệt, do chưa đạt chuẩn, nên tốc độ tối đa nhiều tuyến chỉ dừng ở 60-90km/h (tương đương với đường quốc lộ).
Còn theo TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, tình trạng tai nạn giao thông trên các tuyến cao tốc, đặc biệt là các tuyến đường được xây dựng phân kỳ (chỉ có 2 làn xe, không có làn dừng khẩn cấp), đang là vấn đề nhức nhối.
Nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra trên các tuyến đường này như Cam Lộ - La Sơn và La Sơn - Túy Loan.
Trước thực trạng này, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nghiên cứu phương án mở rộng, trong đó tính đến việc triển khai theo phương thức đối tác công tư (PPP) sau khi nhiều doanh nghiệp tư nhân đề xuất tham gia.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Xây dựng đã đề xuất mở rộng 15 đoạn cao tốc Bắc - Nam, hình thức là đầu tư công, thuộc 2 giai đoạn: giai đoạn 1 (từ 2017-2020) và giai đoạn 2 (từ 2021-2025), ngoài 2 đoạn Cao Bồ - Mai Sơn và Cam Lộ - La Sơn đang được nâng cấp.
Tại Mục 3 của Tiêu chuẩn TCVN 5729:2012 về đường cao tốc đã quy định các tiêu chuẩn về tốc độ để áp dụng phù hợp cho từng tuyến đường. Theo tốc độ tính toán, đường cao tốc được phân làm 4 cấp:
· Cấp 60: tốc độ tính toán 60 km/h
· Cấp 80: tốc độ tính toán 80 km/h
· Cấp 100: tốc độ tính toán 100 km/h
· Cấp 120: tốc độ tính toán 120 km/h
Trong đó, cấp 60 và 80 được áp dụng cho các khu vực có địa hình khó khăn như vùng núi, đồi cao hoặc những vùng có điều kiện hạn chế khác. Cấp 100 và 120 được áp dụng cho các khu vực đồng bằng.
Lâm Đồng đề nghị đầu tư làn dừng khẩn cấp tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết
Ngày 15/7, ông Nguyễn Hồng Hải - Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng ký văn bản gửi Bộ Công an và Bộ Xây dựng về việc xử lý, khắc phục hậu quả vụ tai nạn giữa hai xe khách trên cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết qua địa bàn tỉnh, khiến 3 người tử vong hôm 9/7.
Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, ngay sau khi xảy ra tai nạn, địa phương đã chỉ đạo các lực lượng chức năng khẩn trương phối hợp giải quyết hiện trường, cứu hộ, đảm bảo giao thông và khắc phục hậu quả.
Để hạn chế các vụ tai nạn tương tự, UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị Bộ Công an chỉ đạo Cục CSGT (C08) tăng cường kiểm tra tốc độ lưu thông trên tuyến, đặc biệt vào ban đêm đối với xe khách giường nằm và xử lý nghiêm các trường hợp dừng, đỗ sai quy định.
Tỉnh kiến đề nghị Bộ Công an đầu tư hệ thống camera giám sát toàn tuyến nhằm kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm giao thông.
Về phía Bộ Xây dựng, UBND tỉnh đề nghị xem xét đầu tư làn dừng khẩn cấp liên tục trên toàn tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, dài hơn 100km. Lý do, hiện nay toàn tuyến cao tốc này chưa có làn dừng khẩn cấp liên tục, mỗi 5km mới có một điểm dừng khẩn cấp. Khi có làn dừng khẩn cấp sẽ giúp các phương tiện dừng đỗ khi gặp sự cố mà không gây cản trở, nguy hiểm cho phương tiện khác.
Đồng thời, chính quyền Lâm Đồng đề nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo các đơn vị chuyên môn như Cục Đường bộ Việt Nam kiểm tra tổng thể hệ thống an toàn giao thông trên tuyến, đánh giá những tồn tại, bất cập để có giải pháp khắc phục kịp thời, hiệu quả.