Tài nguyên thông tin của cơ quan báo chí là mục tiêu của các cuộc tấn công mạng

Các cơ quan báo chí với tài nguyên thông tin quan trọng, trong đó có những cơ quan thông tin chủ lực của quốc gia, đều có thể là mục tiêu của các cuộc tấn công mạng.

Sự phát triển của khoa học, kỹ thuật và công nghệ cùng với quá trình chuyển đổi số đang diễn ra sôi động đã tạo ra những cơ hội chuyển mình phát triển trong tất cả các lĩnh vực. Báo chí, truyền thông cũng không phải là ngoại lệ, thậm chí đóng vai trò sứ mệnh tham gia mọi tiến trình truyền thông và chuyển đổi số nhằm thay đổi đồng bộ nhận thức, hành vi của người dân, doanh nghiệp, phù hợp với mục tiêu của chuyển đổi số quốc gia. Trong đó báo chí điện tử hiện nay đóng góp rất lớn do sức lan tỏa mạnh.

Cơ hội là rất lớn, nhưng nguy cơ tiềm ẩn cũng rất nhiều, đặc biệt đối với hệ thống truyền thông báo chí trong thời đại số. Một trong số đó là nguy cơ mất an ninh, an toàn thông tin. Các cơ quan báo chí điện tử sẽ là mục tiêu của các kẻ phá hoại thực hiện các hành vi tấn công phá hoại hệ thống, lấy cắp dữ liệu, đòi tiền chuộc, thay đổi nội dung giao diện trang/cổng thông tin điện tử …

Vì vậy, công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho các cơ quan báo chí, truyền thông hết sức quan trọng và cần triển khai một cách liên tục, bài bản, đồng bộ và toàn diện.

Để giúp cán bộ các cơ quan báo chí, truyền thông nhận thức được tầm quan trọng của bảo đảm an toàn thông tin và có thêm những kỹ năng cần thiết để phòng tránh các nguy cơ trên môi trường mạng, ngày 23/10, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam phối hợp với Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) với sự đồng hành của tổ chức Word Vision Việt Nam đã tổ chức buổi hội thảo - tập huấn với chủ đề "Bảo đảm an toàn thông tin cho công tác báo chí, truyền thông".

Ông Lê Văn Tuấn, Cục trưởng Cục An toàn thông tin, nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT chia sẻ tại sự kiện.

Ông Lê Văn Tuấn, Cục trưởng Cục An toàn thông tin, nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT chia sẻ tại sự kiện.

Ông Lê Văn Tuấn, Cục trưởng Cục An toàn thông tin, nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT cho biết, "Hiện nay tại Việt Nam, đại đa số các cơ quan báo chí đều hoạt động trên môi trường mạng, thực hiện loại hình điện tử. Nhiều cơ quan báo chí với tài nguyên thông tin quan trọng, trong đó có những cơ quan thông tin chủ lực của quốc gia, đều có thể là mục tiêu của các cuộc tấn công mạng. Đối tượng bị tấn công có thể là hệ thống thông tin, có thể là người dùng cuối trong hệ thống như cán bộ lãnh đạo, quản lý, biên tập viên, phóng viên cơ quan báo chí, truyền thông.

Vì vậy, hội thảo lần này nhằm giúp cán bộ các cơ quan báo chí truyền thông nhận thức được tầm quan trọng của bảo đảm an toàn thông tin và thêm kỹ năng cần thiết để phòng tránh các nguy cơ trên môi trường mạng."

Tại hội thảo, đại diện đơn vị truyền thông cũng như chuyên gia an toàn thông tin đã chia sẻ về nguy cơ mất an toàn thông tin trên không gian mạng hiện nay rất cao. Con người đóng góp 95% khả năng rò rỉ dữ liệu, tuy nhiên rất ít người biết bảo vệ mình khi online.

Bên cạnh đó, nội dung hội thảo còn đề cập tới một chủ đề khá thời sự hiện nay, đó là vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường internet và vai trò, trách nhiệm của báo chí, truyền thông trong việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng tại Việt Nam.

Theo đó, hiện nay ngày càng nhiều trẻ em sử dụng internet hàng ngày nhưng kiến thức bảo vệ trên mạng của trẻ em cũng như gia đình rất hạn chế. Trong khi trên môi trường mạng hiện nay, các công ty bảo mật đã phát hiện không ít mã độc, phần nhiều liên quan đến các ứng dụng cho trẻ em. Những nội dung độc hại với trẻ em được lồng ghép rất tinh vi, nếu chỉ nhìn thoáng qua, phụ huynh sẽ chỉ thấy là con đang xem điện thoại, tivi, máy tính... từ đó quên mất sự cảnh giác.

Những điều này càng đặt ra yêu cầu cần thiết phải bảo vệ bản thân trên môi trường mạng tại Việt Nam; trong đó có trách nhiệm của báo chí, truyền thông.

Cùng chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục an toàn thông tin (Bộ TT&TT) cho biết, báo chí truyền thông đóng vai trò thiết yếu trong việc cung cấp thông tin, phản ánh đời sống xã hội, góp phần không nhỏ vào việc định hình nhận thức của công chúng. Tuy nhiên cùng với sự phát triển không ngừng không gian mạng, những mối đe dọa về an toàn thông tin đối với cơ quan báo chí truyền thông ngày càng trở nên phức tạp hơn.

Ông Trần Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục an toàn thông tin cho biết, những mối đe dọa về an toàn thông tin đối với cơ quan báo chí truyền thông ngày càng trở nên phức tạp.

Ông Trần Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục an toàn thông tin cho biết, những mối đe dọa về an toàn thông tin đối với cơ quan báo chí truyền thông ngày càng trở nên phức tạp.

Trong những năm gần đây, các cơ quan báo chí, truyền thông ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào công nghệ để sản xuất, lưu trữ và phân phối nội dung. Một điểm yếu của các cơ quan báo chí đó là dựa vào các thiết bị truyền thông được kết nối, có ngưỡng bảo mật thấp. Sự chuyển đổi sang các nền tảng kỹ thuật số đồng thời mang lại tính linh hoạt và khả năng mở rộng cao cũng khiến ngành này phải đối mặt với nhiều mối đe dọa mạng hơn. Từ tấn công mạng và vi phạm dữ liệu đến đến vi phạm bản quyền kỹ thuật số, các mối đe dọa rất đa dạng và không ngừng phát triển.

Do vậy, ông Trần Quang Hưng khuyến cáo, các cơ quan báo chí phải thực hiện đồng thời hai trách nhiệm và sứ mệnh lớn đó là tự bảo vệ cơ quan, tổ chức khỏi tấn công mạng, các rủi ro an toàn thông tin mạng và truyền thông nâng cao nhận thức cho toàn xã hội về an toàn thông tin mạng, góp phần xây dựng không gian mạng Việt Nam an toàn, lành mạnh rộng khắp.

An toàn toàn thông tin không chỉ là trách nhiệm của một số ít cơ quan chuyên trách hay các doanh nghiệp an toàn thông tin mạng. Mỗi cá nhân và tổ chức đều phải chịu trách nhiệm bảo vệ thông tin, hệ thống thông tin của mình, coi đây là tài sản vô giá và cần phải bảo vệ. Đây là một quá trình liên tục và cần phải cùng nhau hợp tác để ứng phó với mối đe dọa ngày càng phức tạp.

Đồng thời, cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan báo chí truyền thông và các bộ, ngành, địa phương. Sự phối hợp này không chỉ mở ra cơ hội chia sẻ thông tin mà còn giúp tăng cường khả năng đáp ứng nhanh chóng và hiệu quả đối với các mối đe dọa. Các cơ quan báo chí truyền thông thể hiện trách nhiệm cũng như phát huy thế mạnh và vai trò của mình, đó là nâng cao năng lực an toàn thông tin của các cơ quan báo chí và song hành cùng nhà nước trong tuyên truyền nâng cao nhận thức về an toàn thông tin trong cộng đồng.

Tú Diệp

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tai-nguyen-thong-tin-cua-cac-co-quan-bao-chi-la-muc-tieu-cua-cac-cuoc-tan-cong-mang-169241023141655695.htm