Tài sản trí tuệ, cơ hội thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển cho doanh nghiệp

Trong thời kỳ kinh tế hội nhập, xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ được xem là giải pháp nâng cao giá trị sản phẩm và năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, đồng thời mở ra cơ hội thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, gia tăng giá trị tài sản trí tuệ cho xã hội.

Nâng giá trị sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh

Từ sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Sóc Trăng, năm 2022, Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Cẩm Thiều ở thị xã Ngã Năm hoàn thành đăng ký bảo hộ logo cho các sản phẩm sản xuất từ mãng cầu của Cẩm thiều. Đến năm 2023, đơn vị này tiếp tục được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm trà mãng cầu. Anh Dương Minh Trung - Giám đốc Công ty TNHH Cẩm Thiều chia sẻ: “Đăng ký logo bảo hộ cho sản phẩm sẽ giúp cho doanh nghiệp khẳng định sản phẩm, chống được vấn nạn hàng giả, hàng nhái, tạo lòng tin cho khách hàng trong việc sử dụng sản phẩm. Từ khi đăng ký nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp, sản phẩm trà mãng cầu từng bước tiếp cận thị trường, nâng giá trị thương hiệu. Việc bảo hộ các tài sản trí tuệ mang lại lợi ích rất lớn, giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất ổn định, bền vững”.

Công ty TNHH Yến Sào Quốc Tín là một trong những doanh nghiệp đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm yến sào năm 2023. Ảnh: XUÂN NGUYÊN

Công ty TNHH Yến Sào Quốc Tín là một trong những doanh nghiệp đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm yến sào năm 2023. Ảnh: XUÂN NGUYÊN

Thông tin từ Sở KH&CN Sóc Trăng, từ đầu năm 2024 đến nay, Sở KH&CN đã tư vấn hướng dẫn cho 4 doanh nghiệp đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, 2 doanh nghiệp sửa đổi giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, 1 doanh nghiệp gia hạn giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, 5 doanh nghiệp có các nội dung liên quan đến sở hữu công nghiệp.

Có thể nói, phát triển tài sản trí tuệ sẽ nâng cao tính đồng bộ, hiệu quả trong hoạt động sở hữu trí tuệ ở tất cả khâu sáng tạo, xác lập, khai thác và bảo vệ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Từ đó, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, đưa sở hữu trí tuệ trở thành công cụ quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Nói về phát triển tài sản trí tuệ, ông Trương Hải Hấu - Giám đốc Công ty TNHH Bánh pía - lạp xưởng Hải Sơn nhận định: “Ngay từ khi khởi nghiệp, công ty đã có chiến lược bảo hộ nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp cho tất cả sản phẩm không chỉ hướng tới thị trường trong nước mà còn vươn ra ngoài nước. Do đó, xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ là một trợ lực quan trọng giúp cho doanh nghiệp tự tin sản xuất, cạnh tranh. Trong năm 2023, Hải Sơn đã đăng ký thành công bảo hộ logo cho các sản phẩm tại Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Qua đó, sản phẩm của chúng tôi có được chỗ đứng ở thị trường nước ngoài, tiếp thêm động lực để chúng tôi mở rộng phát triển sản xuất, kinh doanh”.

Theo Sở KH&CN Sóc Trăng, sau khi Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 có hiệu lực đã đánh dấu sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của cơ quan quản lý trong triển khai các hoạt động liên quan đến sở hữu trí tuệ. Báo cáo thống kê từ Cục Sở hữu trí tuệ, toàn tỉnh Sóc Trăng hiện có 1.281 đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Số đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp của tỉnh ngày càng tăng. Hàm lượng sáng tạo trong xây dựng nhãn hiệu của doanh nghiệp ngày càng nhiều hơn, thể hiện qua tính thẩm mỹ, nội dung ý nghĩa của nhãn hiệu. Một số doanh nghiệp còn thể hiện được tầm nhìn của mình thông qua kết cấu từng chi tiết của nhãn hiệu.

“Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng quan tâm hơn với việc xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm của mình, một số doanh nghiệp có sự liên kết giữa nhãn hiệu với kế hoạch, chiến lược kinh doanh, chiến lược marketing. Bên cạnh đăng ký bảo hộ trong nước, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có sự quan tâm đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài, như: Công ty Cổ phần Thủy sản Sóc Trăng, Công ty TNHH Chế biến thực phẩm bánh pía - lạp xưởng Tân Huê Viên, Công ty TNHH Bánh pía - lạp xưởng Hải Sơn, Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí... đăng ký mở rộng sang châu Âu và các nước Anh, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Đài Loan (Trung Quốc), khu vực Đông Nam Á. Trong xu thế toàn cầu hóa, để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, các doanh nghiệp đã nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng một thương hiệu mạnh, bền vững, dần thay đổi cách nhìn nhận về tài sản trí tuệ” - đồng chí Dương Vĩnh Hảo - Phó Giám đốc Sở KH&CN Sóc Trăng cho biết.

Nỗ lực thúc đẩy phát triển và hội nhập sở hữu trí tuệ

Trong những năm qua, Sóc Trăng luôn tích cực quan tâm, thúc đẩy phát triển và hội nhập về lĩnh vực sở hữu trí tuệ. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 110/KH-UBND về thực hiện Chiến lược Sở hữu trí tuệ và Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu đưa sở hữu trí tuệ trở thành công cụ quan trọng nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm chủ lực, đặc trưng của địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ không chỉ nâng giá trị sản phẩm, tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp mà còn góp phần gia tăng giá trị tài sản trí tuệ cho xã hội. Ảnh: XUÂN NGUYÊN

Đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ không chỉ nâng giá trị sản phẩm, tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp mà còn góp phần gia tăng giá trị tài sản trí tuệ cho xã hội. Ảnh: XUÂN NGUYÊN

Theo kế hoạch, tỉnh xác định đến năm 2025 sẽ có 100% cán bộ phụ trách quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ tại các cơ quan, 50% cán bộ các cơ quan có liên quan đến công tác thực thi quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh được đào tạo nội dung liên quan đến sở hữu trí tuệ, 50% cán bộ có hoạt động liên quan đến nghiên cứu và phát triển ở các cơ sở giáo dục, tổ chức KH&CN, doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu và phát triển được đào tạo cơ bản về sở hữu trí tuệ; tối thiểu 250 đơn vị sản xuất - kinh doanh trên địa bàn tỉnh có cán bộ được tập huấn, đào tạo các nội dung có liên quan đến sở hữu trí tuệ; phấn đấu đến năm 2030, số đơn đăng ký mới về sở hữu trí tuệ của tỉnh tăng trung bình 10 - 12%/năm, có 1 - 2 sáng chế, giải pháp hữu ích được bảo hộ trong giai đoạn 2021 - 2025 được hỗ trợ khai thác, thương mại hóa; tối thiểu 60% sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù của tỉnh và sản phẩm gắn với Chương trình OCOP được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ. Tỉnh cũng chỉ đạo cơ quan chức năng tiếp tục quan tâm ưu tiên cho việc bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm đặc thù của địa phương theo 2 hướng là tập trung bảo hộ nhãn hiệu tập thể gắn với địa danh cho các sản phẩm nông sản bưởi năm roi, bưởi da xanh Kế Thành, cam sành Ba Trinh, vú sữa tím Trinh Phú, cam xoàn Phương An, hành tím Vĩnh Châu; đối với sản phẩm đặc trưng của tỉnh do doanh nghiệp sản xuất, sẽ tập trung tuyên truyền và hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu, hướng đến đạt các tiêu chí thuộc Đề án OCOP của tỉnh như trà mãng cầu, sữa, gạo, bánh pía, lạp xưởng…

Sóc Trăng cũng có cơ chế chính sách hỗ trợ kinh phí cho hoạt động bảo hộ sở hữu trí tuệ, chỉ đạo các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn cho các chủ thể những nội dung có liên quan đến bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, về xúc tiến thương mại, về liên kết chuỗi giá trị, tập trung triển khai các nội dung liên quan đến việc phát triển sở hữu trí tuệ, lợi ích và sự cần thiết của việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với đặc sản địa phương; quản trị tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp…

XUÂN NGUYÊN

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/giao-duc-khoa-hoc-cong-nghe/tai-san-tri-tue-co-hoi-thuc-day-doi-moi-sang-tao-phat-trien-cho-doanh-nghiep-74879.html