Tái sản xuất khi dịch bệnh được kiểm soát (Bài 2)

Với kết quả khả quan trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tỷ lệ tiêm vắc-xin cao, Long An mạnh dạn mở cửa, phục hồi sản xuất, kinh doanh sau hơn 2 tháng tạm dừng để phòng, chống dịch.

Bài 2: Tiếp sức để doanh nghiệp vượt khó

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Trên cơ sở chỉ đạo của Trung ương, Long An triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.

Long An tập trung gỡ khó để doanh nghiệp tái sản xuất (Trong ảnh: Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính (hàng đầu, bìa phải), Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được (hàng đầu, bìa trái) thăm hỏi công nhân Công ty TNHH Giầy Ching Luh Việt Nam)

Long An tập trung gỡ khó để doanh nghiệp tái sản xuất (Trong ảnh: Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính (hàng đầu, bìa phải), Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được (hàng đầu, bìa trái) thăm hỏi công nhân Công ty TNHH Giầy Ching Luh Việt Nam)

Gỡ khó cho doanh nghiệp

Việc nới lỏng giãn cách nhằm giúp các DN "vượt cạn". Từ trước đến nay, Long An luôn là người bạn đồng hành cùng DN. Tất cả khó khăn của DN chính là khó khăn của tỉnh, thành công của DN là niềm động viên đối với lãnh đạo tỉnh. Nhờ tỷ lệ tiêm vắc-xin cao, Long An mạnh dạn từng bước mở cửa lại sản xuất để các DN vốn đã khó khăn do đại dịch Covid-19 có niềm tin, động lực thúc đẩy phát triển, vượt qua khó khăn, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của tỉnh nhà".

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được

Việc hỗ trợ tối đa các giải pháp để DN tăng tốc trong sản xuất, nhanh chóng thu hút lao động (LĐ) trở về làm việc, lãnh đạo tỉnh mạnh dạn áp dụng phương án các địa phương khác chưa làm.

Theo đó, Long An phối hợp TP.HCM giải quyết việc di chuyển của chuyên gia và chủ DN được đi, về trong ngày; cho người LĐ đã tiêm vắc-xin được đi, về hàng ngày nội tỉnh kể cả từ TP.HCM để DN sớm có đủ LĐ.

Ngày 04/10, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phục hồi sản xuất, cho phép toàn bộ DN trên địa bàn được hoạt động trở lại. Đặc biệt, trong Kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh này, UBND tỉnh sẽ chuyển dần cho DN, người dân chủ động phòng, chống dịch Covid-19 với then chốt là phát huy tối đa "y tế tại chỗ".

Bên cạnh đó, để giúp người LĐ an tâm ở lại làm việc hoặc có nguyện vọng trở về quê bảo đảm an toàn phòng, chống dịch tại địa phương nơi cư trú, ngày 07/10, UBND tỉnh đã thành lập tổ vận động, hỗ trợ công dân và người LĐ ở lại làm việc trên địa bàn tỉnh.

Tổ vận động có 11 lãnh đạo cấp phó thuộc 11 sở, ngành và lãnh đạo 15 huyện, thị xã và TP.Tân An. Nhiệm vụ của tổ là xây dựng quy chế hoạt động, phối hợp các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân và người LĐ ở lại địa bàn để làm việc, được tiêm vắc-xin, sớm ổn định cuộc sống.

Trường hợp sau khi tuyên truyền, vận động, người LĐ vẫn có nguyện vọng trở về quê thì tổng hợp danh sách, báo cáo UBND tỉnh cho ý kiến để phối hợp các cơ quan chức năng của các tỉnh, thành phố bố trí, sắp xếp, tổ chức đưa người LĐ trở về quê theo nguyện vọng, tuyệt đối không để người LĐ tự ý về quê bằng phương tiện cá nhân; phối hợp các cơ quan, đơn vị chức năng của các tỉnh, thành phố nắm danh sách, thống nhất phương án tổ chức đưa, đón người dân trở về các địa phương bảo đảm an toàn, chu đáo.

Ngoài ra, để nhanh chóng phục hồi KT-XH trong trạng thái “bình thường mới”, UBND tỉnh đã cho các địa phương mở lại chợ truyền thống. Từ ngày 04/10 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 66 trong tổng số 125 chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh hoạt động trở lại.

Công nhân được ưu tiên tiêm vắc-xin để có thể sớm trở lại làm việc sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh

Công nhân được ưu tiên tiêm vắc-xin để có thể sớm trở lại làm việc sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có nhiều chỉ đạo, chủ trương, chính sách nhằm hỗ trợ các địa phương chống dịch, chia sẻ với người dân và đồng hành cùng DN vượt khó trong đại dịch, trong đó, có Nghị quyết 68-NQ/CP của Chính phủ. Nghị quyết này đặt mục tiêu tập trung hỗ trợ người LĐ và người sử dụng LĐ gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, bảo đảm đời sống và an toàn cho người LĐ.

Trước đó, để hỗ trợ DN gặp khó khăn do dịch Covid-19, Chính phủ có nhiều giải pháp hỗ trợ với hàng loạt chính sách hoãn, giãn thuế, phí đã được áp dụng. Mới đây, tại Diễn đàn chính sách trực tuyến với chủ đề: “Hỗ trợ DN trong đại dịch Covid-19: Từ chính sách đến thực tiễn” do Tạp chí Hải Quan tổ chức, Vụ Tuyên truyền và Hỗ trợ người nộp thuế, Tổng cục Thuế cho rằng, năm 2021, trước những biến động của dịch bệnh, đặc biệt là đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 3, thứ 4, Bộ Tài chính đã đề xuất duy trì miễn, giảm cho khoảng 30 loại phí, lệ phí có tác động đến hoạt động của DN cũng như đời sống của người dân; duy trì chế độ giảm thuế suất nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu phục vụ các ngành hàng nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ,...

Đặc biệt, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định 52/2021/NĐ-CP với các chính sách hỗ trợ gia hạn nộp thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và tiền thuê đất.

Nghị định được triển khai từ tháng 4/2021. Bộ Tài chính ước tính gói hỗ trợ này sẽ miễn, giảm khoảng 115.000 tỉ đồng. Tính đến hết tháng 9/2021, số tiền hỗ trợ và gia hạn cho người dân và DN là 78.000 tỉ đồng, trong đó, được hỗ trợ nhiều nhất là thuế giá trị gia tăng, chiếm khoảng 60% tổng số tiền được hỗ trợ. Mới đây, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nghị quyết về một số giải pháp nhằm hỗ trợ DN, người dân chịu tác động của dịch Covid-19. Với gói hỗ trợ mới này, tổng số tiền được miễn, giảm ước lên đến 21.300 tỉ đồng.

Để góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân, DN bị ảnh hưởng bởi tác động của dịch Covid-19 vay vốn các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19;...

Theo Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Long An - Đào Văn Nghiệp, ngân hàng chủ động triển khai đầy đủ, kịp thời các văn bản của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đến các tổ chức tín dụng trên địa bàn; đồng thời, thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý các kiến nghị, đề xuất, khó khăn, vướng mắc của người dân, DN,... về một số nội dung liên quan đến hỗ trợ khách hàng ảnh hưởng dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, các ngân hàng trên địa bàn đã và đang rà soát hồ sơ, giảm lãi suất cho khách hàng vay. Tính đến cuối năm 2021, số lãi giảm cho khách hàng khoảng 263 tỉ đồng./.

(còn tiếp)

Thanh Nga

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/tai-san-xuat-khi-dich-benh-duoc-kiem-soat-bai-2--a124047.html