Tại sao 100% người dân không tiếp cận được nước sạch?
Ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông cho biết, theo báo cáo Tổng điều tra dân số và nhà ở của Tổng cục Thống kê năm 2019, tỷ lệ hộ tiếp cận nước máy chỉ chiếm khoảng 52%.
Cơ chế quản lý thị trường nước sạch đang tồn tại nhiều bất cập
Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS) vừa tổ chức tọa đàm “Dịch vụ cung cấp nước sạch tại Việt Nam: Thị trường và các vấn đề chính sách”.
Ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông cho biết, theo báo cáo Tổng điều tra dân số và nhà ở của Tổng cục Thống kê năm 2019, tỷ lệ hộ tiếp cận nước máy chỉ chiếm khoảng 52%.
Đặc biệt, xem xét tỷ lệ này giữa thành thị và nông thôn trên toàn quốc có thể thấy sự chênh lệch rất lớn khi tỷ lệ hộ gia đình tại thành thị tiếp cận được nước máy đạt 84,2%, trong khi tại nông thôn chỉ đạt 34,8%.
Việt Nam đang có nguy cơ lỡ hẹn đối với mục tiêu năm 2025 đó là 95-100% người dân thành thị và 93-95% người dân nông thôn có nước sạch để dùng. Đặc biệt, tỷ lệ người dân nông thôn được tiếp cận nước máy rất hạn chế, mới chỉ đạt xấp xỉ 35% số hộ vào năm 2019.
Cũng theo ông Nguyễn Quang Đồng, hiện giá nước sạch được điều tiết bởi Nhà nước. Cụ thể, Bộ Tài chính quy định khung giá, phương thức tính giá, lợi nhuận định mức trên cả nước, UBND cấp tỉnh quyết định phê duyệt giá nước sạch tại địa phương mình nhưng không vượt quá khung giá do Bộ Tài chính quy định. Như vậy, giá nước ở các địa phương là khác nhau.
Trên thực tế, hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp trong ngành cho rằng, mức giá bán lẻ nước, đặc biệt là nước sinh hoạt thấp, thêm vào đó, tại nhiều địa phương, mức giá này thường ít được điều chỉnh. Thậm chí, có những địa phương như Hà Nội không điều chỉnh giá nước trong gần 10 năm qua.
Theo các chuyên gia, cơ chế quản lý thị trường nước sạch của Việt Nam hiện nay vẫn đang tồn tại nhiều bất cập.
Ông Nguyễn Quang Đồng phân tích thêm đang có một nghịch lý, nếu không điều chỉnh giá nước, doanh nghiệp không đủ chi phí, nhưng nếu giá quá cao thì người dân không tiếp cận được nguồn nước sạch.
Theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, dù chủ thể thực hiện cung cấp dịch vụ công là Nhà nước, tư nhân hay các thiết chế xã hội dân sự, thì trách nhiệm đảm bảo cung cấp thực hiện dịch vụ là của Nhà nước và 3 nguyên tắc phải tuân thủ để thiết kế thị trường này là: tính liên tục; quyền tiếp cận bình đẳng của mọi người dân và giá cả phù hợp.
Điều này có nghĩa nếu chưa có nước sạch thì Nhà nước phải đảm bảo cho người dân có nước, với giá cả phải chăng và không để xảy ra tình trạng mất nước trong quá trình sử dụng dịch vụ.
Tuy nhiên, soi chiếu với các nguyên tắc trên, cả về khả năng tiếp cận lẫn tính bình đẳng trong tiếp cận dịch cụ nước sạch đều chưa đạt được mục tiêu mong muốn. Điều đó một phần do tiến trình xã hội hóa, xây dựng thị trường dịch vụ công nước sạch chưa thực sự hợp lý, hiệu quả.
Doanh nghiệp tư nhân gặp rủi ro cao khi tham gia thị trường
Theo ông Nguyễn Quang Đồng, tiến trình xã hội hóa dịch vụ công nước sạch đã không đi kèm với việc xây dựng một cấu trúc thị trường cung cấp dịch vụ nước sạch hợp lý, trong khi Nhà nước thiếu nguồn lực đầu tư, còn thời thị trường vẫn không thu hút hiệu quả đầu tư của tư nhân.
Doanh nghiệp tư nhân gặp rủi ro cao khi tham gia thị trường cả về giá và về khối lượng được mua dưới công suất. Doanh nghiệp nhà nước cũng khó khăn khi giá nước thấp, không đủ khả năng mở rộng diện tích cấp nước. Tình trạng “tranh tối, tranh sáng” khiến thị trường khó phát triển, tạo ra rủi ro các nhóm trục lợi chính sách và cạnh tranh không lành mạnh.
Vì thế, những vấn đề lớn về chính sách cần giải quyết bao gồm: Nhà nước chịu trách nhiệm chính trong cung cấp dịch vụ nước sạch như thế nào? Cấu trúc thị trường phân định tư nhân tham gia khâu nào? Cơ chế thu hút hợp tác công tư cho đầu tư tư nhân đối với mạng lưới cấp nước/thoát nước thải sinh hoạt là gì? Ngoài ra là các vấn đề về cơ chế giá và lợi nhuận cho ngành, vấn đề quy hoạch và điều phối liên vùng, cơ quan điều tiết thị trường.
Đồng thời cần có đánh giá toàn diện và thiết kế một hệ thống chính sách tổng thể để hoàn chỉnh thị trường kinh doanh nước sạch. Tiến trình này gắn liền với việc xây dựng Luật về cấp nước và xử lý nước mà Chính phủ đã yêu cầu Bộ Xây dựng đang triển khai.
Theo đề xuất TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nên có một luật riêng cho thị trường nước, điều chỉnh không chỉ vấn đề cấp nước mà cả vấn đề xử lý nước sinh hoạt. Tương tự như ngành điện có Luật Điện lực, cần có một văn bản ở cấp độ luật để tạo lập khuôn khổ thống nhất, minh bạch cho thị trường nước sạch.
Ông Ngô Văn Đức, Phó Giám đốc Công ty nước sạch số 2 Hà Nội cho biết, Công ty nước sạch số 2 sản xuất 30% sản lượng cấp; 70% mua của nhà máy sản nước khác trên địa bàn, tức vừa sản xuất vừa mua buôn. Việc bảo đảm khả năng tiếp cận công bằng giữa dân thành thị và nông thôn, đây là vấn đề đang rất mắc. Tại sao 100% dân không tiếp cận được nước sạch? Vì cấp nước là ngành đặc thù. Với khu đô thị, điều kiện kinh tế tốt thì suất đầu tư lại thấp hơn bởi nhà dân san sát nhau nên đường ống đầu tư ngắn; chi phí quản lý ít hơn, chỉ cần 1 nhân viên đi 1 giờ đọc được 100 khách hàng. Tuy đầu tư thấp nhưng doanh thu cao vì người dân đô thị dùng nước với khối lượng tương đối lớn. Trong khi đó ở nông thôn mật độ dân số thưa và xa, kéo đường ống đến thì dài đồng nghĩa chi phí lớn, nhưng lượng sử dụng của người dân thấp. Thực tế một số doanh nghiệp đã đầu tư ở nông thôn, sau đó phải dừng vì người dân nông thôn tiết kiệm, chỉ sử dụng nước sạch để ăn uống; còn phục vụ những mục đích khác thì họ dùng nước khác.
Đối với Hà Nội, chính sách giá nước là giá lũy tiến. Nếu sử dụng dưới 10m3 giá chỉ 5.900 đồng/3 và mức giá này là dưới giá thành. Một số đơn vị bán buôn nói nếu tính đúng đủ thì giá bán phải là 7.700 đồng/m3, còn đây giá 5.900 đồng chưa bao gồm chi phí đầu tư thì chưa bán đã lỗ - đó là lý do vì sao dân nông thôn không có cơ hội tiếp cận nước bằng đô thị. Vì đầu tư thì phải có lợi nhuận, kể cả tư nhân. Còn doanh nghiệp Nhà nước thì lãnh đạo phải có trách nhiệm bảo toàn vốn Nhà nước. Nếu đầu tư vào khu vực chưa đầu tư đã biết lỗ thì doanh nghiệp có cách nào để đầu tư? Đó chính là lỗ hổng chính sách. Bên cạnh đó, chính sách ưu đãi thuê đất chỉ là xây nhà máy, còn đường ống thì không được hưởng ưu đãi, cho nên việc tiếp cận của dân vùng nông thôn là khó khăn.
Một vấn đề nữa là giá nước, Hà Nội gần như giá thấp nhất cả nước. Tại Hà Nội các huyện Sóc Sơn, Thường Tín, Đông Anh còn nhiều khu vực chưa được cấp nước, người dân nông thôn được cấp nước rất thấp. Nghị định 117 quy định khu vực chưa có đơn vị cấp nước thì lựa chọn nhà đầu tư cấp nước theo đấu thầu. Khi đấu thầu, Luật Đầu tư công không hướng dẫn đấu thầu của dự án cấp nước thế nào nên khi thực hiện vướng. Không có đơn vị đấu thầu thì phải lựa chọn và chỉ định thầu – ai là người dám ra quyết định lựa chọn?