Tại sao Apple không nhắc gì đến Intelligence ở Trung Quốc?

ChatGPT không được phát hành ở Trung Quốc, buộc Apple phải tìm kiếm đối tác nội địa cho các dịch vụ trí tuệ nhân tạo của mình.

 Apple đã đàm phán với Baidu, Alibaba và start-up Baichuan AI. Ảnh: New York Times.

Apple đã đàm phán với Baidu, Alibaba và start-up Baichuan AI. Ảnh: New York Times.

Trong hội nghị WWDC 2024, Apple đã vẽ ra viễn cảnh tương lai Apple Intelligence sẽ sớm xuất hiện trên iPhone toàn cầu. Tuy nhiên, điều kỳ lạ là hãng không hề đề cập đến Trung Quốc, thị trường smartphone lớn thứ 2 thế giới của mình.

Trên thực tế, các chatbot AI của các công ty Mỹ, trong đó có cả ChatGPT, đều chưa xuất hiện ở quốc gia tỷ dân. Tình trạng này buộc Apple phải tìm một đối tác Trung Quốc để giúp phát hành dịch vụ Apple Intelligence. Cho đến nay, hãng vẫn chưa thể thỏa thuận với bên nào, dù chỉ còn vài tháng nữa iPhone 16 sẽ được ra mắt.

Apple khó “qua cửa” xét duyệt của Trung Quốc

Tại đại lục, Apple đang tụt hậu so với các đối thủ nội địa bởi họ đã tích hợp chức năng AI vào smartphone của mình từ lâu. Theo Counterpoint Research, thị phần iPhone đã tụt xuống vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng các thương hiệu điện thoại thông minh ở Trung Quốc vào quý I/2024.

Nói với Wall Street Journal, nguồn tin nội bộ cho hay Apple đã đàm phán với một số công ty Trung Quốc chuyên phát triển các mô hình AI, như Baidu, Alibaba và start-up Baichuan AI.

Ở Mỹ, Apple đang thực hiện chiến lược 2 chiều để cung cấp các dịch vụ AI. Hãng vừa xây dựng mô hình AI của riêng mình, vừa hợp tác với OpenAI. Kỳ vọng của các chuyên gia và nhà đầu tư vào AI “cây nhà lá vườn” của Apple đã giúp nâng vốn hóa thị trường của tập đoàn trở lại mức 3.000 tỷ USD.

 Apple Intelligence mang lại một loạt tính năng mới, trong đó có cải tiến Siri bằng AI tạo sinh. Ảnh: New York Times.

Apple Intelligence mang lại một loạt tính năng mới, trong đó có cải tiến Siri bằng AI tạo sinh. Ảnh: New York Times.

Nhưng với Trung Quốc, các công ty phải xin giấy phép chính quyền trước khi ra mắt các chatbot AI. Các cơ quan quản lý sẽ kiểm tra các mô hình ngôn ngữ đằng sau chúng, để đảm bảo không gây ảnh hưởng đến dư luận, đi chệch đường lối.

Tính đến tháng 3, Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc đã phê duyệt 117 sản phẩm AI tạo sinh. Trong đó, không có sản phẩm nào do tên tuổi nước ngoài phát triển.

Đầu năm nay, Apple đã thử tìm cách để được “qua cửa” Trung Quốc, phát hành mô hình ngôn ngữ lớn trên iPhone. Song, tập đoàn Mỹ nhanh chóng nhận thấy các cơ quan quản lý Trung Quốc rất khó có thể chấp thuận. Điều này đã buộc Apple phải tăng cường đàm phán với các đối tác nội địa tiềm năng.

Apple cho biết khu vực Trung Quốc đại lục, Đài Loan, Hong Kong và Macau chiếm 18% doanh thu toàn cầu của hãng trong quý I/2024 (quý II theo năm tài chính Apple). Vị trí của hãng đang bị đe dọa bởi các thương hiệu nội địa.

Huawei dự kiến chiếm 17% thị trường điện thoại thông minh Trung Quốc, tăng từ mức 13% của năm ngoái, trong khi thị phần của Apple dự kiến giảm từ 18% xuống còn 16%, theo Counterpoint.

Apple khẳng định mình vẫn có vị thế rất tốt ở Trung Quốc. “Trung Quốc là thị trường cạnh tranh nhất thế giới và chúng tôi cảm thấy tự tin về vị thế của mình”, Giám đốc tài chính Luca Maestri nói với Wall Street Journal trong một cuộc phỏng vấn vào tháng trước.

 Nếu muốn phát hành ở Trung Quốc, AI phải được chính phủ kiểm duyệt và cấp phép. Ảnh: Wall Street Journal.

Nếu muốn phát hành ở Trung Quốc, AI phải được chính phủ kiểm duyệt và cấp phép. Ảnh: Wall Street Journal.

Trong khi đó, ở Trung Quốc, các nhà sản xuất smartphone đang cố tận dụng AI tạo sinh trong các đợt ra mắt sản phẩm để lôi kéo người dùng nâng cấp. Nguyên nhân là công nghệ phát triển những tính năng khác đã dần chậm lại.

Apple không phải trường hợp đầu tiên bị làm khó ở Trung Quốc

Người đi trước Apple Intelligence tại Trung Quốc là Samsung Electronics, nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới tính theo sản lượng. Hồi tháng 1, Samsung đã giới thiệu loạt smartphone Galaxy S24 với các tính năng thông minh như dịch cuộc gọi, tin nhắn văn bản theo thời gian thực, chỉnh sửa ảnh bằng AI và tìm kiếm Google bằng cách khoanh tròn hình ảnh trên điện thoại…

Ở Mỹ và hầu hết khu vực khác trên thế giới, những tính năng này được hỗ trợ bởi hệ thống AI tạo sinh của Samsung và đối tác lâu năm Google. Tuy nhiên, mô hình AI Gemini của Google lại không được phát hành ở Trung Quốc.

Vì vậy, Samsung đã chuyển sang bắt tay với 2 công ty Trung Quốc để sản xuất Galaxy S24 tại thị trường tỷ dân. Baidu đang xử lý tính năng “khoanh tròn để tìm kiếm”, tổng hợp văn bản... Trong khi đó, hãng phần mềm Meitu đảm nhiệm tính năng chỉnh sửa ảnh bằng AI.

Tại thị trường nội địa, các tính năng AI do Baidu cung cấp nhận về không ít đánh giá tiêu cực từ người dùng. Một số người dùng so sánh AI của Google trên Galaxy S24 với AI của Baidu.

Họ nhận thấy Google có thể xác định các mẫu ôtô và tòa nhà trong ảnh, trong khi Baidu lại không. Ngược lại, một số người khác khen công nghệ của Baidu, cho rằng bản dịch sang tiếng Trung chính xác hơn và kết quả tìm kiếm cũng phù hợp với người dùng ở Trung Quốc hơn.

 Đến Samsung cũng phải "Trung Quốc hóa" AI của mình. Ảnh: Wall Street Journal.

Đến Samsung cũng phải "Trung Quốc hóa" AI của mình. Ảnh: Wall Street Journal.

Nói về lý do hợp tác với Baidu, đại diện Samsung cho biết Baidu có khả năng cung cấp mô hình AI ngôn ngữ lớn, có tính thương mại hóa cao và cạnh tranh nhất tại thị trường Trung Quốc.

Trên thực tế, việc điều chỉnh các sản phẩm và dịch vụ theo quy định của Trung Quốc không có gì mới đối với các hãng công nghệ. Tại Trung Quốc, dịch vụ iCloud của Apple phải lưu trữ dữ liệu trên máy chủ của một công ty thuộc sở hữu chính phủ. Táo khuyết còn phải ra mắt headset Vision Pro tại Trung Quốc mà không có dịch vụ phát trực tuyến Apple TV+ vì không có sẵn tại đại lục.

Lâu nay, tập đoàn công nghệ Mỹ luôn có nhiều đặc quyền tại thị trường Trung Quốc vì đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của quốc gia này. Hầu hết iPhone đều được lắp ráp tại đây, bởi các hãng sản xuất theo hợp đồng Đài Loan, Trung Quốc. Apple cho biết hãng đã tạo ra khoảng 5 triệu việc làm ở Trung Quốc, bao gồm cả chuỗi cung ứng và hệ sinh thái App Store.

Tuy nhiên, lòng tự tôn dân tộc ngày càng mạnh mẽ ở Trung Quốc có thể sẽ ảnh hưởng đến vị thế của Apple, Tom Kang, giám đốc nghiên cứu tại Counterpoint, nhận định. “Trung Quốc đang nhắm mục tiêu tấn công vào từng công ty Mỹ một. Vì vậy, câu hỏi liệu Apple có trở thành mục tiêu hay không sẽ là vấn đề then chốt”, ông nói.

Thúy Liên

Nguồn Znews: https://znews.vn/den-apple-cung-phai-trung-quoc-hoa-ai-cua-minh-post1482222.html